Nữ “kiện tướng cấy cày” hai lần được gặp Bác Hồ

(Dân trí) - Vinh dự được gặp Bác Hồ, hình ảnh giản dị của Người theo suốt cuộc đời nữ “kiện tướng nông nghiệp” Ninh Bình. Mỗi khi nhắc đến Bác, lòng bà trỗi dậy niềm tự hào 2 lần được gặp và cả cuộc đời làm theo lời Bác dạy.

Kiện tướng cấy cày

Ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng bà Phạm Thị Hạnh, xã Khánh Cư, huyện Yên Khánh (Ninh Bình) vẫn còn khỏe và rất minh mẫn. Thấy tôi đến, dù chưa biết là ai nhưng bà vẫn niềm nở đón tiếp như đứa con, đứa cháu nơi xa về.

Biết tôi muốn được nghe kể lại kỷ niệm 2 lần bà vinh dự được gặp Bác Hồ cách đây gần 60 năm, đôi mắt nữ “kiện tướng nông nghiệp” sáng bừng, bà nhìn xa ra cánh đồng làng nơi Bác từng về thăm. Bao kỷ niệm ngày ấy ùa về, chẳng thể nào bà quên được. Cũng chính những lần gặp Bác mà lý tưởng của bà thêm cao đẹp, cả cuộc đời phấn đấu theo lời Bác dạy.

Nữ "kiện tướng nông nghiệp" hai lần gặp Bác Hồ

Bà Hạnh bảo: “Giờ gần đất xa trời rồi sống được mấy nữa đâu chú!. Điều gì trong đời tôi quên được chứ kỷ niệm 2 lần gặp Bác có chết tôi cũng mang theo. Vinh dự và tự hào lắm chứ. Tôi chỉ là người nông dân bình thường như những người khác, nhưng may mắn cho tôi vì được gặp Bác nhiều đến thế”.

Nói rồi nữ “kiện tướng” kể một mạch cho tôi nghe những câu chuyện ngày ấy đã xa gần 60 năm nhưng với bà như vừa xảy ra cách đây không lâu. Giọng người phụ nữ gần 90 tuổi mạch lạc, lưu loát như trong đầu đã in sẵn cả bộ đề cương rõ ràng về những câu chuyện.

Lần đầu bà được gặp Bác trong dịp Bác về thăm cánh đồng Chằm, xã Khánh Cư. Rồi lần thứ hai gặp Bác trong dịp được đi dự đại hội. Những lời Bác chỉ đạo, Bác ân cần hỏi han hay hình ảnh giản dị của Người qua đôi dép, bộ quần áo… bà Hạnh kể lại không thiếu một chữ, đầy đủ từng chi tiết. Thậm chí, bà còn sáng tác cả bài thơ ngày bác về thăm cánh đồng Chăm.

Sở dĩ, bà Hạnh được phong là “kiện tướng nông nghiệp” bởi kỷ lục của bà trong phong trào cày cấy ở đất Ninh Bình đến nay chưa ai phá được. Kỷ lục có được là từ nghe theo những lời Bác dạy trong lần đầu được gặp, bà ghi nhớ mà thực hành.

Kiện tướng nông nghiệp Phạm Thị Hạnh vinh dự 2 lần được gặp Bác Hồ
"Kiện tướng nông nghiệp" Phạm Thị Hạnh vinh dự 2 lần được gặp Bác Hồ

Kỷ lục về cấy lúa bà Hạnh lập vào năm 1960, khi ấy bà cùng với một người nữa cùng đội sản xuất, cấy một ngày xong 1 mẩu ruộng, khi ấy người cấy giỏi cũng chỉ được 4 xào/ngày. Kỷ lục thứ hai của bà là về cày trâu đôi (cày 2 con trâu), bình thường một người cày giỏi nhất chỉ được 4 xào ruộng, nhưng bà Hạnh cấy một ngày được 6 xào. Từ đó, bà là người nổi tiếng trong phong trào sản xuất của địa phương.

Từ những kỷ lục trên, bà Hạnh được phong là “kiện tướng cấy cày” hay “kiện tướng nông nghiệp” ngày ấy. Cũng từ những kỷ lục trên mà bà may mắn thêm một lần nữa được gặp lại Bác tại Hà Nội.

Hai lần vinh dự gặp Bác

Ngày 15/2/1959, cánh đồng huyện Yên Khánh bị khô hạn, nhiễm chua nên sản xuất nông nghiệp không năng xuất. Về thăm Ninh Bình ngày ấy, Bác đã đến với bà con nông dân xã Khánh Cư. Tại cánh đồng Chằm, Bác đến thăm từng ruộng, chỉ đạo tận tình cho lãnh đạo địa phương để khắc phục khô hạn.

“Sáng hôm ấy, nghe tin Bác về, người dân khắp các vùng trong huyện đổ về Khánh Cư như chảy hội. Khi ấy tôi chưa tròn 20 tuổi, tìm đủ mọi cách nhưng vẫn phải đứng rất xa nhìn Bác. Thế là tôi cùng nhiều người khác đánh liều chạy tắt qua cánh đồng nơi Bác đang chuẩn bị đi tới chỉ đạo. May mắn sao Bác đi đến đường ấy, tôi được đứng gần Bác nghe Bác chỉ đạo công tác chống hạn, đào kênh mương lấy nước…”, bà Hạnh kể.

Hai lần gặp Bác là kỷ niệm nhớ nhất trong đời bà Hạnh. Cả cuộc đời bà luôn làm theo lời Bác dạy
Hai lần gặp Bác là kỷ niệm nhớ nhất trong đời bà Hạnh. Cả cuộc đời bà luôn làm theo lời Bác dạy

Những lời của Bác chỉ đạo, lãnh đạo tỉnh Ninh Bình ngày ấy ghi nhận sâu sắc, triển khai thực hiện tốt. “Từ đó, cánh đồng Chằm từ khô hạn, nhiễm phèn, chua chỉ cấy được 2 vụ lúa không nặng xuất đã nên bật phá. Sau này không chỉ hai vụ lúa năng xuất gấp nhiều lần mà còn trồng thêm được vụ hoa màu nữa. Kênh Bác chỉ đạo đào lấy nước lúc nào cũng đầy ắp nước tưới cho cả cánh đồng hàng chục mẫu”, bà Hạnh nói.

Từ những lời chỉ đạo của Bác, bà Hạnh nghe được về ghi nhớ, làm kim chỉ nam cho mình để thực hiện. Sau đó vài năm, bà tham gia hợp tác xã và trở thành xã viên xuất sắc không chỉ trong xã, trong huyện mà cả của tỉnh Ninh Bình. Ngoài nắm giữ nhiều kỷ lục, bà còn là người năng nổ trong sản xuất nông nghiệp của địa phương, năm nào tổ của bà cũng nộp thóc cao vượt định mức và bà được phong “kiện tướng nông nghiệp” từ ngày đó.

Năm 1962, “kiện tướng” Phạm Thị Hạnh được cử đi dự Đại hội chiến sĩ thi đua lần thứ Nhất tại Hà Nội. “Năm đó, nghe được ra Hà Nội gặp Bác Hồ lòng tôi rạo rực lắm. Khi đó con thứ 3 của tôi còn nhỏ nhưng tôi vẫn quyết đi bằng được. Trước khi đoàn của tỉnh Ninh Bình xuất phát ra Hà Nội, tôi phải gửi con nhỏ ở nhà để ra gặp Bác”.

Đại hội năm đó, ngoài được tặng bằng khen của Bác Hồ, bà Hạnh còn được Bác tặng cho chiếc cốc làm kỷ niệm. Bà kể: “Đại hội diễn ra trong 3 ngày. Sáng ngày thứ nhất, Bác Hồ mặc bộ quần áo ka ki, đi đôi dép cao su giản dị tới hội trường khai mạc đại hội. Thấy Bác đến, mọi người vỗ tay rầm rầm. Ai cũng kính phục sự vô cùng giản dị của Bác, hình ảnh của Bác vẫn như ngày về thăm Khánh Cư trong lần đầu tôi được gặp”.

“Chiều hôm ấy, anh chị em chúng tôi đang ăn cơm tại nhà khách, Bác đến ân cần hỏi: Các cháu ăn như vậy có no không? Mọi người đồng thanh trả lời: No Bác ạ!. Thấy mọi người vui vẻ, Bác yên tâm rồi đến hỏi han từng người”, bà Hạnh nhớ lại.

Trong căn nhà nhỏ nơi nữ kiện tướng đang sinh sống, ảnh Bác Hồ được treo trang trọng trên cao
Trong căn nhà nhỏ nơi nữ "kiện tướng đang sinh sống, ảnh Bác Hồ được treo trang trọng trên cao

Trong 3 ngày dự đại hội năm ấy, ngày nào nữ “kiện tướng” cũng được gặp gỡ Bác. “Ngày cuối cùng kết thúc đại hội, Bác đến bắt tay từng người sau đó chụp ảnh lưu niệm cùng chúng tôi. Ai nấy thấy phấn khởi và vinh dự vô cùng”, kiện tướng nông nghiệp nói.

Sau hai lần vinh dự được được gặp Bác, ghi nhớ những lời Bác dạy, trở về đời sống lao động sản xuất bà Hạnh thực hành theo lời Người. Những năm làm xã viên, năm nào bà cũng là người xuất sắc, trải qua nhiều công tác bà luôn là người đạt thành tích cao nhất.

“Hình ảnh giản dị, sự ân cần của Bác luôn theo suốt cả cuộc đời tôi. Những điều Bác dạy tôi luôn ghi nhớ và răn dạy con cháu học lấy tấm gương của Người mà học tập, lao động. Giờ có chết tôi cũng mãn nguyện và tự hào”, bà Hạnh chia sẻ.

Thái Bá