1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nữ cựu binh “sáng tạo, làm kinh tế giỏi”

(Dân trí) - Sau khi về hưu, bà Vũ Thị Kim Liên (60 tuổi, Đà Nẵng) không muốn nghỉ ngơi mà vẫn quyết tâm gây dựng cho sở trồng nấm và dế thương phẩm, tạo công ăn việc làm cho nhiều người nghèo.

Bà được Hội Liên hiệp phụ nữ TP Đà Nẵng vinh danh “phụ nữ sáng tạo, làm kinh tế giỏi” nhân dịp 20/10 năm nay.

Sinh ra ở vùng quê Duy Tân (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam), 12 tuổi cô gái Vũ Thị Kim Liên đã tham gia hoạt động cách mạng rồi trở thành đội trưởng diệt ác của xã. Năm 1967, chị làm việc tại cơ quan mặt trận dân tộc giải phóng Trung Trung Bộ. Năm 23 tuổi, chị Kim Liên lập gia đình và sinh được 5 người con.

Sau ngày giải phóng, chị làm kế toán tại một số đơn vị của Quảng Nam – Đà Nẵng rồi nghỉ hưu năm 1989.

Bà Liên kiểm tra những bọc nấm 
Bà Liên kiểm tra những bọc nấm 

Thành công với 5 bước khép kín trong trồng nấm

Với suy nghĩ sống là để tri ân, giúp đỡ con em đồng đội và những người nghèo, sau khi nghỉ hưu bà không cho phép mình được nghỉ ngơi mà vẫn quyết tâm gây dựng trang trại tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều người.

Bà chọn mảnh đất Sơn Trà để bắt đầu sự nghiệp của mình. Lúc đầu chưa có tiền, bà chỉ mua được mảnh đất nhỏ, đủ chỗ cho mấy mẹ con nằm, dần dần cơ sở của bà được mở rộng, đến nay đã có hơn 1.000m2.

Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài” bà nuôi cá, nấm, dế để có tiền sớm đầu tư vào các cây ăn quả lâu năm.

Cơ sở trồng nấm của bà là một trong số ít cơ sở thành công với mô hình trồng nấm linh chi ở Đà Nẵng. Ngoài trồng nấm linh chi, bà còn trồng nấm sò, nấm mèo, nấm rơm.
Dù không còn trẻ nhưng bà là một người dám nghĩ, dám làm. Sau nhiều lần thử nghiệm, bà đã áp dụng thành công phương pháp 5 bước khép kín trong trồng nấm vừa tiết kiệm nguyên liệu trong sản xuất vừa không gây ô nhiễm môi trường. Đó là từ mùn cưa bà sản xuất ra nấm linh chi, rồi bà tận dụng xác của nấm linh chi để làm nấm sò, tiếp đến là tận dụng xác nấm sò để nấm mèo, từ xác nấm mèo tận dụng để làm nấm rơm, lấy xác nấm rơm để bón cho cây gừng và các loại rau sạch và cuối cùng là lấy phần lá gừng và các loại rau bỏ đi để bón cây trồng lâu năm.

Đến nay, bà đã xây dụng được 1 cơ sở trồng nấm và nuôi dế thành phẩm giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 lao động, việc làm thời vụ cho 15-20 người trong đó chủ yếu là phụ nữ nghèo và bộ đội xuất ngũ chưa có việc làm.

Bà Liên cho biết, lúc đầu mới khởi nghiệp bà cũng gặp nhiều khó khăn lắm, thất bại không biết bao nhiêu lần, đến khi thành công thì tìm đầu ra cho các sản phẩm, rất là nan giải. Nhưng đến nay, các sản phẩm của bà làm ra đều có nguồn tiêu thụ ổn định cả rồi.

Truyền nghề cho phụ nữ nghèo

Không chỉ làm giàu cho bản thân, bà còn tận tình hướng dẫn cho nhiều người về kỹ thuật trồng nấm, trong đó hầu hết là những phụ nữ nghèo. Nhiều người ở xa nghe tiếng đã tìm về tận nhà bà để xin học nghề. Đến nay đã có 15 người đã tự mở được cơ sở làm nấm riêng tăng thu nhập cho gia đình.

Bà Liên trong trang trại hơn 1.000m2 của mình 
Bà Liên trong trang trại hơn 1.000m2 của mình 

Những học viên nào khó khăn bà nuôi ăn ở trong thời gian học nghề. Khi ra mở cơ sở riêng, bà cho vay vốn để làm ăn, làm được ra sản phẩm thì nhập lại cho bà.

Chúng tôi đến cơ sở của bà khi cơn bão số 11 vừa quét qua Đà Nẵng, gây thiệt hại nhiều cho người dân. Hàng trăm cây chuối của bà cũng bị ngã đổ hết. Nhưng bà bảo, cô không buồn vì điều đó bởi còn người thì còn có thể làm ra của.  

Bà từng được UBND TP tặng bằng khen là điển hình trong cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Khánh Hồng