1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nốt trầm của chuyện tình xuyên biên giới

Ranh giới giữa xã Mường Típ, huyện Kì Sơn (Nghệ An) và nước bạn Lào chỉ cách nhau con sông và mấy quả núi. Vậy nên, các chàng trai nơi đây đã vượt núi, băng rừng qua biên giới tìm vợ. Những cuộc tình không biên giới này mang đầy màu sắc lãng mạn, song đôi khi nó cũng để lại những câu chuyện buồn.

Bản Na , xã Na Mương - huyện Thăm Thao, tỉnh Noọng Hét (Lào). Ảnh: T.DŨNG
Bản Na , xã Na Mương - huyện Thăm Thao, tỉnh Noọng Hét (Lào). Ảnh: T.DŨNG

Vượt núi băng rừng tìm vợ

Ngồi trên con Minsk nổ đoành đoạch, chúng tôi “phi” hơn 3 tiếng đồng hồ trên cung đường rừng hiểm trở có nhiều núi cao, vực thẳm và khe suối mới đến được xã Mường Típ. Miền biên viễn này có độ cao hơn 1.500m so với mực nước biển nên quanh năm mây trắng giăng đầy.

Mặc dù đang cuối thu nhưng không khí lạnh đã tràn ngập cả không gian, mận tam hoa nở sớm, trắng cả núi rừng. Anh bạn Học Phò Trim (người dẫn đường) vặt chiếc lá bên đường chụm tay lên miệng thổi réo rắt điệu nhạc rồi nhìn rừng mận nói: “Mùa này trai bản ta thường sang các bản ở Lào bắt vợ. Năm trước ta cũng suýt có vợ Lào rồi nhưng nàng lại bỏ ta theo anh giàu có hơn làm ta buồn mất trọn mùa mận”.

Trim cho biết, các bản làng nơi đây con trai vượt biên lấy vợ Lào nhiều lắm. Riêng bản Ta Đo, Xốp Típ, Vang Pao có hàng chục cặp. Những bản này còn có tên gọi khác là “bản vợ Lào”.

Đến túp lều tranh thấp tè, nằm bên con suối nhỏ ở bản Ta Đo, chúng tôi thấy một thiếu phụ đang đứng nơi bậu cửa, mắt nhìn xa xăm. Trim bảo: “Vợ Lào đó nhà báo à. Chuyện tình cặp vợ chồng này hay lắm…”

Người vợ Lào tên là Moong Thị May (SN 1988), còn chồng là Học Phò Tuy, (SN 1983). Bên chén rượu ngô mời khách, Tuy kể rằng lần đầu tiên anh theo trai bản trèo cổng trời, vượt dòng sông Nậm Mộ sang đất Lào “bắt” vợ thì đã bắt gặp ánh mắt như hút hồn của thiếu nữ Moong Thị May.

Vậy là cứ vài ngày, bất kể trời mưa hay nắng anh lại sang đất Lào để đến với người trong mộng. Đường đi khó khăn phải vượt qua 3 ngọn núi và bơi qua sông Nậm Mộ lắm thác ngầm hung dữ, có lần Tuy suýt bỏ mạng nhưng xem ra trái tim người đẹp chẳng hề lung lay.

Buồn tình, Tuy mang khèn ra bờ sông thổi ròng rã suốt gần 1 tháng trời. Vào một đêm trăng, hình như không chịu đựng được tiếng khèn gọi tình, nàng May đã bơi qua sông tìm đến. Vậy là 2 người nên vợ nên chồng.

Hỏi Tuy sang bên kia “bắt” vợ, trai Lào có làm khó dễ không? Duy cười: “Họ thoải mái lắm”.

Tuy trầm buồn: “Vợ chồng em đã sinh được 2 đứa con, nhưng cuộc sống bây giờ khó khăn lắm. Trước đây sống nhờ rừng nay rừng bị cấm nên mỗi năm nhà em chỉ đủ ăn được 3-4 tháng vào mùa rẫy còn lại phải chạy vạy, vay mượn và cơm phải độn ngô độn sắn. Đất ở đây cằn cỗi chẳng trồng được cái gì cả. Có khi em phải sang quê vợ làm thuê để nuôi vợ con”.

Ranh giới tự nhiên giữa xã Mường Típ và nước bạn Lào chỉ là con sông Nậm Mộ cùng mấy quả núi. Hầu hết cư dân sống ở hai triền biên giới tuy khác quốc tịch nhưng lại chung gốc gác người Khơ Mú. Thế nên, chuyện lấy vợ người Lào vốn không xa lạ với các chàng trai nơi đây.

Có những người nhiều tuổi vẫn vượt sông đi “bắt vợ Lào” như trường hợp của Học Phò Thiệu. Ông Thiệu hiện nay đôi mắt bị mù lòa nhưng vẫn luôn tự hào là lấy được cô vợ Lào trẻ đẹp Lô Thị Bằng ít hơn ông đến 30 tuổi. Cuộc sống của vợ chồng ông Thiệu hiện cũng rất nghèo khó, túng quẫn. 8 đứa con của vợ chồng ông chỉ có đứa út đang học lớp 5, còn lại phải rủ nhau vào rừng làm rẫy, đào củ hái măng để mưu sinh,

Ông Lương Xuân Liễu - già bản Ta Đo chậc lưỡi khi nói đến chuyện này: “Lấy vợ Lào nơi đây là chuyện bình thường ấy mà. Mấy bữa nay lại có mấy cậu choai choai rủ nhau vượt sông đi “bắt” vợ Lào rồi. Riêng bản ta mấy năm trở lại nay cũng có hơn chục người lấy vợ Lào”.

Và những hệ lụy khó ngờ

Một người vợ Lào ở bản Ta Đo.
Một người vợ Lào ở bản Ta Đo.

Những cuộc tình xuyên biên giới này, mang đầy màu sắc lãng mạn của tình yêu, song nó cũng kéo theo nhiều hệ lụy. Hầu hết hàng chục cặp vợ chồng Việt-Lào ở xã Mường Típ cưới nhau nhưng không hề đăng kí kết hôn. Khi được hỏi tại sao không đến UBND xã làm thủ kết hôn? Họ đều có chung câu trả lời rằng: “Hai bên gia đình cho làm lễ cưới là thành vợ thành chồng rồi, cần chi phải đi đăng kí kết hôn”(?).

Chính vì nhận thức lệch lạc như vậy nên những gia đình Việt-Lào này phải chịu nhiều thiệt thòi về quyền lợi công dân. Không phải cuộc hôn nhân nào cũng yên ấm. Có những người vợ Lào khi về làm dâu Việt đã đồng cam cộng khổ, sinh con đẻ cái, xây dựng gia đình khá giả nhưng khi gặp sóng gió, phải ôm con về nhà mẹ đẻ. Hệ lụy nhãn tiền là chính quyền địa phương rất khó can thiệp, giải quyết mâu thuẫn trong các “gia đình xuyên biên giới” này.

Theo đó, những đứa trẻ được sinh ra nhưng bố mẹ chúng không đăng kí kết hôn theo quy định của pháp luật vẫn là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi. Không ít trẻ sinh ra trong những gia đình này đến tuổi đi học hiện vẫn chưa có giấy khai sinh.

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Mùa Dua Thái - Chủ tịch UBND xã Mường Típ cho biết: “Cán bộ xã đã nhiều lần đến tận nhà, tuyên truyền động viên những cặp vợ chồng Việt- Lào ra UBND xã đăng ký kết hôn nhưng họ không chịu đi. Họ cứ viện lý do ốm hay đang bận sang Lào làm ăn, nên xã cũng rất khó bắt buộc”.

Rời Ta Đo trong bóng chiều buông, chúng tôi lại thấy từng tốp 5-6 thanh niên bản đang chuẩn bị đèn soi, khèn, sáo để tối đến sẽ vượt biên sang Lào “bắt” vợ. Miền biên viễn này chắc chắn lại có thêm những chuyện tình xuyên biên giới. Nhưng mong sao, chính quyền địa phương sẽ nhanh chóng giúp họ thay đổi nhận thức để có một cuộc hôn nhân đúng pháp luật, bảo đảm quyền lợi cho chính họ và tránh những hệ lụy buồn từ những cặp vợ chồng “xuyên biên giới” này.

Ông Hoàng Văn Hiếu - Trưởng phòng Tư pháp huyện Kỳ Sơn nói: “Các cặp vợ chồng Lào - Việt ở đây lấy nhau họ không khai báo với chính quyền địa phương. Đa số là họ nhận thức được chỉ cần 2 phía gia đình đồng ý và đám cưới đúng phong tục là trở thành vợ chồng. Chưa kể là phụ nữ Lào lấy người Việt Nam khi sang cũng không mang bất cứ giấy tờ tùy thân nào nên việc để làm thủ tục đăng ký kết hôn càng khó khăn. Hiện, UBND huyện Kỳ Sơn đang chỉ đạo các xã biên giới tuyên truyền vận động người dân phải làm thủ tục kết hôn trước khi cưới để đảm bảo quyền lợi công dân”.

Theo Tiến Dũng

Gia đình & Xã hội