Thanh Hóa:
Nộp tiền để được chứng nhận… bố chết
(Dân trí) - Để được nghỉ 3 ngày chịu tang bố đẻ, theo yêu cầu của công ty, chị Hồng phải có xác nhận của UBND xã. Chuyện tưởng đơn giản, nhưng xã và thôn đều lấy lý do bố mẹ chị Hồng còn nợ các khoản đóng góp cho thôn, xã để từ chối xác nhận.
Trong căn nhà ấy, bà Trần Thị Chiến và con gái là Trần Thị Hồng, hai người phụ nữ trên đầu còn chít vành khăn tang trắng xóa, nương tựa vào nhau nhưng vẫn thấy vô cùng chông chênh. Chị Hồng bế cháu nhỏ còn đang bú trong lòng kể với chúng tôi trong nước mắt, chị là con gái đầu, đang làm công nhân ở một Công ty thuộc khu công nghiệp Lễ Môn.
Để được công ty cho hưởng 3 ngày nghỉ có lương trong thời gian chịu tang bố đẻ, cần phải có giấy xác nhận của UBND xã về việc bố tử nạn. Khi chị Hồng đưa sổ hộ khẩu của bố mẹ lên xã xin xác nhận thì ông Quang - cán bộ tư pháp xã bảo, chị về đem sổ của bố mẹ kê các khoản nộp sản vụ (các khoản đóng góp cho thôn, xã như tiền làm đường giao thông nông thôn, xây dựng trường học, trạm y tế xã…) tháng 5/2009 cho trưởng thôn xác nhận trước thì xã mới xác nhận.
Chị Hồng về đưa tờ giấy nộp sản đến nhà ông Khánh trưởng thôn, thì mới biết: “ngày 19/6 đã nộp 1 triệu đồng, còn lại 761.200 đ chuyển sang chịu lại tiền đường đến vụ 10/2009”, nên chị không được xác nhận.
Bà Chiến cho biết: “vì tôi chưa đủ tiền, hơn nữa một số khoản thu của xã tôi chưa muốn đóng, như tiền làm đường giao thông (khoản này chỉ thị 24/2007 của Thủ tướng Chính phủ đã bãi bỏ - PV)”.
Việc cán bộ tư pháp của xã Quảng Cát không thực hiện nội dung chỉ thị 24, ngày 1/11/2007 của Thủ tướng Chính phủ: “không gắn việc huy động đóng góp với việc cung cấp các dịch vụ công mà người dân được hưởng” đã gây tâm lý bất bình cho đông đảo nhân dân xã Quảng Cát.
Không chỉ riêng trường hợp gia đình bà Chiến mà không ít gia đình khác vì còn “nợ” tiền sản của xã và thôn mà con em họ đã phải bỏ lỡ những cơ hội học tập và làm việc. Như trường hợp em Phạm Thị Dinh, thôn 16, xã Quảng Cát, là học sinh trường Trung cấp Thương mại TW 5.
Là một học sinh nghèo học giỏi, chỉ cần có giấy xác nhận của xã không dính vào các tệ nạn xã hội thì sẽ được nhà trường xét cấp học bổng cho đi học. Nhưng vì gia đình còn nợ tiền đóng góp cho thôn và xã nên không được xã chứng thực việc này. Vì quá phẫn uất nên Dinh đã bỏ học, vào miền Nam để làm thuê.
Trao đổi với Dân trí, ông Lê Hùng Tiệp, chủ tịch UBND xã Quảng Cát cho biết: “tôi bận đưa con đi thi nên chưa biết việc này, tôi sẽ cho kiểm tra lại và xử lý nếu phát hiện có sai phạm”.
Duy Tuyên - Thành Hưng