Nông sản Việt xuất Mỹ, Nhật: "Chúng ta đừng quá háo hức"
(Dân trí) - "Chúng ta đừng quá háo hức. Nông sản đưa sang Nhật giá rất cao, nhưng quan trọng là giá đó có phân bổ lại được cho người nông dân không… " - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Chiều 7/6, tại phiên chất vấn Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan, câu chuyện xoài, vải của Việt Nam bán trong siêu thị Mỹ, Nhật với giá rất đắt nhưng giá thu mua của nông dân lại rất rẻ được đề cập.
Đại biểu Phạm Thị Minh Huệ (đoàn Sóc Trăng) chất vấn Bộ trưởng NN&PTNT về thông tin nông sản Việt Nam được xuất khẩu và có mặt trong các hệ thống siêu thị của nước ngoài với giá cao, trong khi giá bán ở các chợ truyền thống và hệ thống siêu thị trong nước vẫn ở mức thấp; vì thế thu nhập của người nông dân, người trực tiếp sản xuất nông nghiệp chưa thực sự được cải thiện.
Đại biểu Nguyễn Vân Thi (đoàn Bắc Giang) cho biết, trong những năm qua, kim ngạch xuất khẩu nông sản ở Việt Nam tương đối cao, trung bình đạt hơn 48 tỷ USD/năm. Tuy nhiên chủ yếu vẫn là xuất khẩu thô, gần 80% là xuất khẩu tiểu ngạch, trong đó trên 80% lệ thuộc vào thị trường lớn, rủi ro - đây chính là một trong những rào cản để phát triển nông nghiệp.
Ông Thi đề nghị Bộ trưởng cho biết trong thời gian tới Bộ có giải pháp, chính sách nào để tăng xuất khẩu nông sản đã qua chế biến ra thị trường, tăng tỷ lệ xuất khẩu nông sản chính ngạch, mở rộng thị trường xuất khẩu và nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản Việt Nam.
Về chất vấn của đại biểu Phạm Thị Minh Huệ về giá nông sản xuất khẩu "vênh" so với trong nước, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận định nhiều khi giá cả là "cái bẫy".
"Nói rằng vải thiều Việt Nam sang Nhật vài trăm nghìn một cân, xoài qua Mỹ giá cao quá, trong khi các thương lái và doanh nghiệp mua của nông dân rất thấp. Báo cáo các đại biểu, để đưa một mặt hàng nông sản của chúng ta tới kệ hàng siêu thị ở các nước phát triển thì chi phí logistic và chi phí thị trường chiếm tỉ trọng rất cao" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan lý giải. Ông nói thêm: "Chúng ta đừng quá háo hức. Nông sản đưa sang Nhật giá rất cao, nhưng quan trọng là giá đó có phân bổ lại được cho người nông dân không, có giúp nâng cao hơn bán nội địa hay không…".
Người đứng đầu ngành NN&PTNT cho biết đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Bộ có phân tích, làm rõ vấn đề giá nông sản xuất khẩu và đánh giá kỹ giá thị trường trong nước.
"Lấy xuất khẩu vải thiều Bắc Giang làm điển hình. Sắp tới có chuyến hàng qua Mỹ, cân đối giá xuất khẩu với giá bán ở thị trường Hà Nội, TPHCM có lẽ bức tranh sẽ rõ hơn" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết.
Câu chuyện thị trường 100 triệu dân được vị Bộ trưởng nêu ra tại nghị trường Quốc hội và đặt câu hỏi: Vấn đề là làm sao chúng ta tổ chức lại thị trường, tầng lớp trung lưu, tầng lớp thượng lưu?
"Rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài nói với tôi rằng muốn xây dựng được thương hiệu nông sản ở nước ngoài thì hãy làm tốt, xây dựng thương hiệu nông sản ở trong nước. Niềm tin của người tiêu dùng trong nước là bệ đỡ để nông sản chúng ta vươn ra thị trường thế giới.
Đôi khi người ta sẽ nói rằng ngay cả người Việt Nam của các anh không dùng hàng Việt Nam thì làm sao chúng tôi dùng. Đây là câu chuyện mà thị trường trong nước và kể cả thị trường nước ngoài đều phải cân đối" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Vân Thi về vấn đề xuất khẩu nông sản thô và việc nông sản Việt Nam lệ thuộc vào một thị trường, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, trong xuất khẩu nông sản có nhiều ngành gần như chiếm tỉ trọng tuyệt đối về mặt chế biến như thủy sản, chế biến gỗ… thậm chí nguyên liệu trong nước không đủ mà phải nhập khẩu nguyên liệu để chế biến.
Theo Bộ trưởng NN&PTNT, khó nhất và rủi ro nhất là ngành trái cây. Tuy nhiên, thời gian qua đã có nhiều doanh nghiệp tham gia vào ngành công nghiệp chế biến trái cây và đạt được nhiều kết quả.
Ông Hoan cho biết, để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào chế biến nông sản thì chất lượng nông sản tốt và sản lượng nông sản ổn định. Do đó địa phương cần phải chủ động liên kết thu hút doanh nghiệp, tạo an tâm có đủ nguyên liệu sản xuất bởi doanh nghiệp sợ về đó mà nông dân không bán cho doanh nghiệp.
Theo Bộ trưởng NN&PTNT, lãnh đạo địa phương cần phải sâu sát ngồi với 2 gồm nông dân và doanh nghiệp, tạo niềm tin thị trường trước. "Đôi khi niềm tin còn mạnh hơn khế ước" - ông Hoan nói.