1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Sản phẩm vào chung khảo NTĐV 2013:

Nông dân dùng công nghệ xử lý rác ô nhiễm thành nguồn lợi

(Dân trí) - Nhờ được hướng dẫn khoa học và dùng chế phẩm công nghệ những người nông dân tỉnh Vĩnh Phúc đã biết xử lí nguồn rác thải từ chăn nuôi, trồng trọt vốn gây ô nhiễm môi trường thành nguồn lợi tích cực.

Dẫn đoàn khảo sát đến thăm một trang trại chăn nuôi quy mô lớn  tại xã Hồ Sơn, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc, anh Nhâm Đức Cải, cán bộ chuyên trách khuyến nông của xã cho biết, đây là địa bàn mà đa số các hộ dân đều mở rộng chăn nuôi, trong đó có 14 trại chặn nuôi quy mô lớn. Lợi ích kinh tế thu về không nhỏ, tuy nhiên người dân nơi đây lại phải sống chung với ô nhiễm môi trường từ chính nguồn thải phân, nước tiểu trong quá trình chăn nuôi.

“Kể từ khi Trung tâm ứng dụng tiến bộ Khoa học kỹ thuật tỉnh Vĩnh Phúc đưa chế phẩm sinh học tự sản xuất về tổ khuyến nông xã Hồ Sơn, huyện Tam Đảo hướng dẫn người dân dùng chế phẩm ủ rác thải chăn nuôi thành phân hữu cơ, tình trạng ô nhiễm môi trường đã giảm hẳn. Các hộ nông dân giờ đã biết tự sản xuất phân hữu cơ từ nguồn thải. Sau 10 -14 ngày phân bón chất lượng cao sẽ được đưa ra các ruộng rau su su- đặc sản của Tam Đảo- giúp tăng năng suất cây trồng đáng kể”- Anh Cải cho biết.

Kết quả sau 2 năm triển khai với sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, hiện nay nhiều hộ nông dân trên địa bàn xã Hồ Sơn đã nắm bắt tốt cách các nguồn rác hữu cơ thành phân bón giúp tăng năng xuất cây trồng. Bà con dần bỏ thói quen dùng phân tươi bón cho hoa màu bởi nguồn phân tươi phân giải rất chậm lại gây một số bệnh nguy hại cho cây.

Phân hữu cơ thành phẩm tại một trang trại chăn nuôi ở xã Hồ Sơn, Tam Đảo. (Ảnh: T. Trầm)

Phân hữu cơ thành phẩm tại một trang trại chăn nuôi ở xã Hồ Sơn, Tam Đảo. (Ảnh: T. Trầm)

Chị Phùng Thị Nga, Giám đốc Trung tâm ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ tỉnh Vĩnh Phúc, cho biết, nhận thức được sự đe dọa từ nguồn rác thải nông thôn, bắt đầu từ năm 2008 tập thể cán bộ Trung tâm bắt đầu tiếp nhận quy trình công nghệ từ Viện Công nghệ Môi trường- Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Từ những thử nghiệm quy mô nhỏ, Trung tâm đã nhận được sử ủng hộ của lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc, tiếp tục phát triển, nhân rộng mô hình. Đến năm 2010 đến nay Trung tâm đã đi vào sản xuất chuyên nghiệp cung cấp khoảng 100 tấn chế phẩm cho người dân trên địa bàn tỉnh. Hiện không chỉ cung ứng chế phẩm cho người dân trong địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, Trung tâm ứng tiến bộ Khoa học và Công nghệ tỉnh đã bắt đầu sản xuất với quy mô lớn hơn nhằm đáp ứng nhu cầu đặt hàng của một số địa phương khác như Yên Bái.

“Với 1 kg chế phẩm người dân có thể ủ 1 tấn rác thành phân hữu cơ. Cụ thể với rác thải là rơm rạ cần 25 ngày ủ với chế phẩm sẽ hoai mục thành phân bón sử dụng ngay. Trong khi đó, trước đây sau mỗi vụ thu hoạch các hộ dân phải đốt, gây khói bụi ô nhiễm môi trường lại gây hại cho đất đai' - Chị Nga nói.

GS.VS Nguyễn Văn Hiệu trao đổi với cán bộ

GS.VS Nguyễn Văn Hiệu trao đổi với cán bộ Trung tâm ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ tỉnh Vĩnh Phúc. (Ảnh: TT)

Ghi nhận những nỗ lực của Trung tâm ứng dụng tiến bộ Khoa học kỹ thuật tỉnh Vĩnh Phúc và Tổ khuyến nông xã Hồ Sơn, huyện Tam Đảo, GS.VS Nguyễn Văn Hiệu, nhà khoa học tâm huyết nhận định: Vĩnh Phúc đang là một trong những địa phương đi đầu giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường vùng nông thôn vốn đang nan giải tại nhiều địa phương. Trên thực tế, tại nhiều vùng chăn nuôi, trồng trọt, nguồn phụ phẩm nông nghiệp đang gây ô nhiễm môi trường sống nghiêm trọng cho chính người dân. Trong khi đó, nếu xử lí biết đưa khoa học công nghệ ứng dụng vào đời sống thì nguồn rác thải sẽ trở thành nguồn phân bón hữu cơ rất tốt cho nông nghiệp, giúp người nông dân  kiệm chi phí, bảo vệ môi trường.

Mô hình hoạt động sản xuất hiệu quả của Trung tâm ứng dụng tiến bộ Khoa học kỹ thuật tỉnh Vĩnh Phúc và Tổ khuyến nông xã Hồ Sơn, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc đã được Hội đồng Giám khảo cuộc thi Nhân tài Đất Việt 2013 bình chọn vào vòng chung khảo lĩnh vực Môi trường của cuộc thi Nhân tài Đất Việt năm nay.

Phạm Thanh