Quảng Nam:
Nông dân đi học tiếng Anh để làm du lịch
(Dân trí) - Ngày 14/3, Làng du lịch cộng đồng theo hình thức homestay tại Mỹ Sơn (xã Duy Phú, Duy Xuyên, Quảng Nam) đã chính thức mở cửa đón khách. Từ đây mở ra cơ hội cho người nông dân thoát nghèo bằng con đường kinh doanh dịch vụ du lịch.
Tuy nhiên, với nỗ lực bản thân cộng với động viên của gia đình ông cũng “bập bẹ” được ít câu xã giao để đón khách nước ngoài sau vài tuần tham dự lớp học. Ông nói: Bây giờ khi đón khách, tôi có thể nói được vài câu xã giao như “Xin chào” hay “Bạn cần gì” rồi…
Ngày khai trương làng du lịch, cả làng ai cũng vui mừng vì từ nay, ngoài công việc đồng áng, người dân lại có thêm một công việc khác để tăng thêm thu nhập là phục vụ khách ở lại nhà mình.
Theo thông tin từ xã Duy Phú, từ năm 1992 Hội hữu nghị Việt - Ý xây dựng 25 ngôi nhà cho người dân ở đây để ổn định cuộc sống. Do lúc đó kinh tế - xã hội chưa phát triển nên đời sống của người dân cũng khó khăn. Đến năm 1999, Thánh địa Mỹ Sơn được công nhận là Di sản Văn hóa thế giới nhưng cuộc sống của người dân nơi đây vẫn thuần nông. Lúc này du khách đã bắt đầu tìm về Mỹ Sơn để tìm hiểu về Di sản Văn hóa này. Tuy nhiên, ở khu vực này hầu như chưa có địa điểm nghỉ ngơi cho du khách sau khi khám phá Mỹ Sơn nên du khách chưa hiểu hết về văn hóa cũng như con người và ẩm thực nơi đây.
Ông Hồ Cư (50 tuổi) là một trong 5 gia đình được chọn làm thí điểm homestay. Sau nhiều ngày sửa sang lại phòng ốc đạt tiêu chuẩn, ngày làng chính thức hoạt động ông rất vui và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm khi nhiều đoàn khách đến thăm ngôi nhà của ông đã được cải tạo để đón du khách vào ở.
Ông tâm sự: “Tôi thấy chương trình thật ý nghĩa đối với những người nông dân như chúng tôi. Ngoài công việc đồng áng ra, những gia đình được chọn trong dự án như tôi giờ có thêm thu nhập”.
Còn ông Vũ Văn Nhất, cũng là một trong 5 hộ dân được chọn triển khai dự án, cho biết: Từ khi có dự án hỗ trợ để người dân phát triển kinh tế, bộ mặt của địa phương đổi thay thấy rõ, đời sống của nhân dân được cải thiện, bà con rất phấn khởi.
“Khi đến thăm Mỹ Sơn, du khách sẽ được chúng tôi giới thiệu các món ăn đặc sản của địa phương, giới thiệu về văn hóa trong đời sống, phong cảnh thiên nhiên nên chắc du khách sẽ vừa lòng”, ông Nhất tâm sự.
Còn Phó Chủ tịch xã Duy Phú - ông Trần Phú thì cho rằng đây là thành quả bước đầu để người dân ở đây thoát nghèo bền vững. Sắp tới, dự án sẽ mở rộng ra khoảng 30 hộ khác ngoài 5 hộ đã được dự án triển khai.
Hiện ngoài 5 hộ gia đình nằm trong dự án ra còn khoảng vài chục hộ dân ở thôn Mỹ Sơn này cũng đã sửa sang phòng ốc lịch sự, sạch sẽ để đón du khách vào ở lại.
Phát biểu nhân dịp dự án đi vào hoạt động, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam, Trưởng ban chỉ đạo dự án - ông Trần Minh Cả - cho biết: “Tỉnh Quảng Nam đã đặt mục tiêu phát huy các tiềm năng du lịch để đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh, xóa đói giảm nghèo và tạo việc làm ở các vùng sâu còn khó khăn của tỉnh.”
Theo ông Cả, ngoài mô hình du lịch cộng đồng ở Mỹ Sơn, dự án còn hỗ trợ hai điểm du lịch cộng đồng khác tại làng Bhohoong và Dhroong của người Cơtu ở huyện Đông Giang sẽ được chính thức khai trương vào tháng 6 tới.
Mô hình Làng du lịch cộng đồng Mỹ Sơn được đầu tư thành điểm tham quan du lịch sâu trong đất liền nhằm tận dụng lợi thế du lịch của địa phương, tạo thu nhập và việc làm cho người dân. Làng du lịch cộng đồng Mỹ Sơn sẽ cung cấp dịch vụ homestay - lưu trú tại nhà dân, dịch vụ ẩm thực, hướng dẫn du lịch địa phương và các hoạt động du lịch bền vững, ít tác động tiêu cực tới môi trường như leo núi, chèo thuyền xung quanh khu vực hồ Thạch Bàn, rất gần với Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn. Dự án được triển khai thí điểm tại 5 nhà dân (thôn Mỹ Sơn, xã Duy Phú, Duy Xuyên, Quảng Nam) với kinh phí 15 ngàn USD để xây mới nhà vệ sinh hiện đại, nâng cấp phòng ngủ có máy lạnh và một số trang thiết bị khác. |
Công Bính