1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Nông dân ĐBSCL đang phải chịu tác động tiêu cực nhất trong lịch sử

(Dân trí) - Những tác động tiêu cực lớn nhất trong lịch sử kiến tạo đang diễn ra ở vùng ĐBSCL, tác động trực tiếp đến kinh tế xã hội, đời sống. Nông nghiệp - nông dân - nông thôn là đối tượng phải chịu tổn thương nhiều nhất” - Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định.

Sáng nay (27/9), báo cáo tại Hội nghị về phát triển bền vững Đồng bằng Sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu (ĐBSCL) diễn ra tại TP Cần Thơ, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NT&PTNT) Nguyễn Xuân Cường cho biết, ĐBSCL đang cùng lúc chịu nhiều tác động lớn.

Thách thức lớn chưa từng thấy

Theo Bộ trưởng Cường, tác động đầu tiên lên ĐBSCL là biến đổi khí hậu, đây là một trong những thách thức lớn nhất hiện nay mà loài người đang phải đối mặt. Đồng Bằng sông Cửu Long nói riêng, Việt Nam nói chung được coi là một trong năm quốc gia hứng chịu nặng nề nhất.

Tiếp đó, tác động phía thượng nguồn do các hoạt động kinh tế sử dụng nguồn nước như: thủy điện, chuyển nước khỏi lưu vực hệ thống, suy giảm nhanh diện tích rừng, thảm thực bì (nơi giữ nước, điều tiết nước - PV) đã, đang và sẽ diễn ra ngày càng nghiêm trọng làm thay đổi nhanh chóng căn bản quy luật dòng chảy khi vào đến địa phận vùng châu thổ của chúng ta.

Bộ trưởng NT&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết: Nông nghiệp - nông dân - nông thôn chịu tổn tương lớn nhất tại ĐBSCL
Bộ trưởng NT&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết: Nông nghiệp - nông dân - nông thôn chịu tổn tương lớn nhất tại ĐBSCL

Bộ trưởng Cường đưa ra tác động thứ ba là những điểm bất hợp lí trong sự phát triển kinh tế nội tại vùng ĐBSCL như: Việc khai thác tài nguyên cát sỏi, nguồn nước ngầm, các hoạt động kinh tế khác cũng gây nên tổn thương lớn đến vùng châu thổ và sự phát triển bền vững.

“Ba nhóm nguyên nhân chính đó cùng lúc tác động và với sự nhào trộn, cộng hưởng tạo ra những tác động tiêu cực lớn nhất trong lịch sử kiến tạo vùng đồng bằng châu thổ mà chúng ta phải chấp nhận đối mặt.

Những tác động tiêu cực này sẽ tác động trực tiếp đến kinh tế xã hội, đời sống cư dân, tất cả các ngành kinh tế, các khu vực song có lẽ nông nghiệp - nông dân - nông thôn sẽ là những đối tượng chịu tổn thương nhiều nhất” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết.

Tất cả các dạng tác động xấu xảy ra ngày càng phức tạp hơn, gây ra thiệt hại lớn hơn. Nông nghiệp ĐBSCL sẽ không còn trù phú, cải thiện sinh kế và việc làm người nông dân trở nên khó khăn hơn, do vậy có thể nói tác động đến khu vực nông nghiệp - nông dân - nông thôn là lớn nhất, sớm nhất.

Giải pháp nào cứu nông dân?

Theo Bộ trường Cường, mặc dù nông nghiệp đang đối mặt với những thách thức lớn chưa từng thấy, song cũng khẳng định đây vẫn là vùng có tiềm năng phát triển trở thanh vùng nông nghiệp giàu có.

ĐBSCL là vựa lúa lớn nhất cả nước nhưng đang chịu tác động lớn nhất vì biến đổi khí hậu. Lúa Đông Xuân và Xuân Hè giai đoạn thu hoạch vừa qua do mưa lớn, mưa quá nhiều cuối vụ.
ĐBSCL là "vựa lúa" lớn nhất cả nước nhưng đang chịu tác động lớn nhất vì biến đổi khí hậu. Lúa Đông Xuân và Xuân Hè giai đoạn thu hoạch vừa qua do mưa lớn, mưa quá nhiều cuối vụ.

Người đứng đầu Bộ NT&PTNT Việt Nam dẫn chứng về đất nước Israel khô cằn, mưa có vùng chỉ 70 mm/năm, mặn đến mức biển chết nhưng vẫn xây dựng được nền nông nghiệp hiện đại cho giá trị gia tăng rất cao.

Đất nước Hà Lan cũng chỉ 4 triệu ha đất tự nhiên như ĐBSCL của Việt Nam, trong đó 2/3 diện tích nằm dưới mực nước biển vẫn có một nền nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản có giá trị xuất khẩu 120 tỷ USD.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, vấn đề của Việt Nam, của ĐBSCL là phải tái cơ cấu lại nền sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại bền vững trước các biến động đang diễn ra.

Bộ trưởng Bộ NT&PTNT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ này, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các tỉnh kết hợp với các thành phần kinh tế có chương trình cụ thể trong 5 năm 2018 - 2023 giải quyết căn cốt giống tốt cho ba nhóm sản phẩm chính là thủy sản, cây ăn quả, lúa gạo bằng các giống chủ lực, đáp ứng cho sản xuất đủ sức cạnh tranh.

Thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông nghiệp để trở thành lực lượng liên kết hạt nhân. Tập trung xây dựng các hợp tác xã kiểu mới cùng các trang trại lớn liên kết với doanh nghiệp hình thành sản xuất chuỗi ở các quy mô, cấp độ khác nhau.

Kiến nghị Thủ tướng quy định giữ nguyên 227.000 ha rừng của các tỉnh trong vùng, đặc biệt là 63.000 ha rừng ngập mặn, không được chuyển đổi dưới bất kỳ hình thức nào trừ nhiệm vụ an ninh, quốc phòng. Bổ sung đề án và tạo nguồn lực phát triển thêm rừng ngập mặn ở những nơi có điều kiện.

Theo Bộ trưởng NT&PTNT, với 41 điểm sạt lở nghiêm trọng bờ sông, bờ biển hiện nay đã trình Chính phủ cần ưu tiên nguồn lực để xử lý khẩn cấp, không để xảy ra diễn biến nghiêm trọng hơn, khắc phục tốn kém hơn như đoạn Gành Hào (biển Đông) đến cửa sông Cái Lớn - Cái Bé (biển Tây); đoạn lở sông Vàm Nao tỉnh An Giang và một số điểm khẩn cấp khác.

Châu Như Quỳnh