Nóng giải phóng mặt bằng quốc lộ 1A đoạn qua huyện Quỳnh Lưu.
Để tiến độ của dự án mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 1A thành công, nhanh chóng chính là công tác giải phóng mặt bằng. Xác định tầm quan trọng và quy mô lớn cả về giá trị đầu tư, mức độ ảnh hưởng cũng như ý nghĩa kinh tế – xã hội của đất nước, Chính phủ đã Quyết định thành lập Ban chỉ đạo GPMB.
Theo đó, Ban chỉ đạo GPMB do Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm Trưởng ban chỉ đạo từ Trung ương tới cơ sở, kể cả cấp huyện. Đồng thời Chính phủ đã giao cho UBND các địa phương có tuyến đường đi qua phải dồn sức lãnh đạo, chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng đoạn quốc lộ đi qua địa phương mình.
Đi tìm nguyên nhân
Tuyến QL1A đoạn qua huyện Quỳnh Lưu cần giải tỏa để nâng cấp xây dựng có tổng chiều dài 12,25 km qua địa phận thị trấn Cầu Giát và 6 xã: Quỳnh Văn, Quỳnh Thạch, Quỳnh Hậu, Quỳnh Hồng, Quỳnh Lâm, Quỳnh Giang. Tính đến ngày đầu tháng 3/2014 toàn tuyến đã giải tỏa được hơn 10km chỉ còn khoảng 2km.
Tiếp xúc với chính quyền địa phương, nghe phản ánh trực tiếp từ các hộ dân thì ý kiến tập trung ở các nhóm hộ gồm: Hộ có đất từ năm 1982 trở về trước cho rằng đất ông cha để lại phải được đền bù. Hộ có đất nằm trong chỉ giới 13,5m nhưng được cấp bìa đỏ. Hộ hoàn toàn không dính dáng gì đến đất trong chỉ giới nhưng QL1A đi qua trước nhà, thấy người ta khiếu nại mình cũng kêu. Dạng cuối cùng được đền bù nhưng kêu áp giá thấp.
Tuy nhiên cũng có một số kẻ giấu mặt, xúi giục kích động, thậm chí thành lập “hội” kêu gọi góp tiền khiếu kiện. Có hộ đã ký nhận tiền đền bù nhưng vẫn ra sức xúi giục người khác kiện vì thấy hộ mình được hỗ trợ ít hơn. Một số hộ thì ký đơn theo kiểu phong trào.
Nhiều hộ gia đình dọc theo quốc lộ 1A dùng dằng cho rằng đền bù không xứng đáng.
Một vài phần tử “mượn gió bẻ măng” in sẵn đơn mang đi khắp các xã kêu gọi ký, tuyên truyền sai chính sách chủ trương của Đảng và Nhà nước, đến xã này thì bảo xã kia người ta “kiên quyết không cho giải tỏa” rồi tung tin “các nơi khác đều được đền bù, của ta cũng được đền nhưng "bọn"… cán bộ ăn mất” gây nên sự nghi kỵ, bất ổn trong nhân dân.
Tại xã Quỳnh Giang có 12 hộ đang thắc mắc. Ở thị trấn Cầu Giát, có 20 hộ phản đối chính sách GPMB. Ông Nguyễn Hữu Quế - Bí thư đảng ủy xã Quỳnh Văn - cho biết xã này còn 45 hộ chưa nhất trí tiền đền bù. Khu vực xã Quỳnh Thạch có nhiều hộ dân hoàn toàn không có đất nằm trong bìa đỏ, không có tài sản ảnh hưởng khu vực 13,5m vẫn làm đơn tập thể. Thị xã Hoàng Mai, huyện diễn Châu cũng có nhiều hộ dân phản đối, khiếu nại...
Quốc lộ 1A đoạn qua Nghệ An nhiều nguy cơ bị chậm tiến độ vì vướng mắc GPMB
Cần được tuyên truyền rộng rãi
Mặc dù đã có nghị định của HĐBT quy định cụ thể về việc bảo vệ hành lang tuyến QL1A từ năm 1982, nhưng do thông tin thời đó chưa hiện đại, trình độ nhận thức của cán bộ thời đó chưa cao, quản lý đất đai lỏng lẻo nên có chỗ, có nơi thực hiện sai nghị định. Cạnh đó, đất đai thời kỳ này rẻ như cho, từ ông cán bộ xóm đến chủ nhiệm HTX đều có quyền bán đất.
Mặc dù đất nước còn khó khăn, nhưng để tạo tiền đề cho mai sau, năm 1995, nhà nước kiên quyết thực hiện dự án PMU1- giải tỏa QL1A từ chân đường ra mỗi bên 7m tương đương từ tim đường ra mỗi bên 13,5m. Lúc này tất cả các hộ nằm trong khu vực giải tỏa đều đã được đền bù tài sản, hoa màu.
Riêng đất không được đền bù vì đã có quy định của nhà nước từ năm 1982 (kể cả trường hợp đất có nguồn gốc trước năm 1980). Toàn bộ các công trình xây dựng trên hành lang 7m được dở bỏ. Tất cả các hộ đã thống nhất nhận đền bù, làm nhà ra ngoài chỉ giới, trả lại mặt bằng cho khu vực 13,5m nên mới có hành lang không hề có một cái nhà nào trên đó như hiện nay.
Năm 2010, khi bắt đầu có dự án giải tỏa nâng cấp tuyến QL1A, ngày 19/01/2010 UBND tỉnh Nghệ An đã ra Quyết định số 04 do Phó chủ tịch Nguyễn Đình Chi ký, trong đó tại khoản 3 điều 5 nêu rõ: “Đối với phần diện tích đất đã được nhà nước giải tỏa, trong quá trình thực hiện chủ trương chính sách qua các thời kỳ nay chủ sử dụng đất không sử dụng hoặc sử dụng nhưng do lấn chiếm (kể cả trường hợp chưa có quyết định thu hồi đất) nay thu hồi đất không được bồi thường về đất”.
Quốc lộ 1A đoạn qua tỉnh Nghệ An rải thảm chưa được đồng đều.
Ngày 16/05/2012, Sở GTVT Nghệ An cũng đã có công văn 6861 cụ thể: không bồi thường hỗ trợ trong phạm vi 7m tính từ chân mái đường đắp hoặc đỉnh mái đường đào ra mỗi bên QL1A trên toàn tuyến từ TP Vinh, Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu đến Hoàng Mai”.
Như vậy, chủ trương của cấp trên đã rất rõ ràng, từ năm 1982 nhà nước đã có văn bản phân định chỉ giới. Năm 1995 tất cả các hộ dân đều đồng thuận, không phản đối. Một số người mua không chịu tìm hiểu nên xã bán đất của người khác mà mình vẫn cứ “mua nhầm”, đặc biệt là những người mua sau năm 1995.
Khi được hỏi: Vì sao cũng trên một tuyến, ở sát kế nhau mà hộ được đền, hộ không? Hộ đền nhiều, hộ ít? Phó chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu, chủ tịch hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng ông Nguyễn Văn Quý cho biết: “Danh sách đền bù dựa trên số liệu bản trích đo của VPĐKQSDĐ của Sở TNMT. Bản này được trích đo trên cơ sở cắm mốc hồ sơ thiết kế dự án cải tạo nâng cấp tuyến QL1A của Bộ GTVT nên không thể có trường hợp móc ngoặc giữa hai bên. Tuy nhiên HĐGPMT huyện đang cho kiểm tra rà soát lại và sẽ thông báo công khai đến nhân dân.
Được biết, dự án nâng cấp Quốc lộ 1A đi qua địa bàn Nghệ An có tổng chiều dài tuyến chính gần 74km từ Thị xã Hoàng Mai (14 km), huyện Quỳnh Lưu (12,25 km), Diễn Châu (28,05 km), Nghi Lộc (13,96 km) và Thành phố Vinh (5,54 km) được chia thành 6 dự án và giao cho 5 chủ đầu tư thi công.
Trong đó liên doanh Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 4 và 319 là chủ đầu tư đoạn qua Thị xã Hoàng Mai và Quỳnh Lưu dài 19,83 km; PMU85 làm chủ đầu tư đoạn đi qua Thị trấn Cầu Giát, huyện Quỳnh Lưu dài 4,67 km; PMU1 làm chủ đầu tư đoạn đi qua huyện Quỳnh Lưu và Diễn Châu dài 18,9 km; Sở Giao thông - Vận tải Nghệ An làm chủ đầu tư đoạn Diễn Châu - Quán Hành dài 23,4 km và Quán Hành - Quán Bánh dài 5,9 km đi qua các huyện Diễn Châu, Nghi Lộc và Thành phố Vinh; Ban quản lý dự án ATGT- Bộ GTVT làm chủ đầu tư dự án cầu vượt đường sắt dài 1,1 km đi qua địa bàn Thành phố Vinh.
Để thực hiện Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A, nhiều hộ dân dọc 2 bên tuyến đường (thuộc Thị xã Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, TP. Vinh) nằm trong diện phải giải tỏa, bị ảnh hưởng hoặc phải tái định cư với tổng kinh phí giải phóng mặt bằng hơn 1 nghìn tỷ đồng.
Cần thấu tình đạt lý
Hàng ngày hàng giờ, chúng ta phải chứng kiến rất nhiều vụ TNGT đau lòng, kinh hoàng, mà một trong những nguyên nhân cơ bản là do đường hẹp. Thời chiến tranh, người dân sẵn sàng dỡ cả nhà của mình làm cầu cho xe qua thì không có lý gì thời nay họ chống lại chủ trương, khi đường mở rộng, chính bản thân họ là những người được hưởng lợi trước nhất.
Nguyên nhân ở đây là do cách làm của một số cán bộ địa phương còn nặng về hình thức mà thiếu công tác tuyên truyền, nặng về biện pháp chính quyền mà quên công tác dân vận. Bìa đỏ là tấm giấy khẳng định quyền sở hữu của người dân được nhà nước trao. Huyện, xã cấp bìa sai thì phải cấp lại, phải xin dân. Một lời xin lỗi không phương hại đến uy tín của cán bộ mà càng lấy lại niềm tin của nhân dân dành cho Đảng.
Quốc lộ 1A đoạn qua tỉnh Nghệ An vẫn luôn trong tình trạng giao thông hỗn loạn vì đường quá hẹp chỉ cần 1 vụ va chạm giao thông nhỏ cũng đủ tắc nghẽn giao thông nhiều giờ liền.
Đồng thời, các cấp chính quyền cũng cần nghiêm khắc kiểm điểm các cán bộ đảng viên cơ sở không những không làm công tác vận động quần chúng mà còn ký đơn tập thể. Kiên quyết xử lý đối với những hộ không có đất trong 13,5m vẫn cản trở thi công. Song song, cần điều tra làm rõ các hành động tuyên truyền sai trái làm chậm tiền độ xây dựng.
Toàn bộ tiền bán đất thu của dân trước đây đã được đầu tư hết vào xây dựng cơ sở hạ tầng, phúc lợi xã hội và đầu tư trở lại cho toàn dân được hưởng. Vì vậy, các hộ dân cũng cần có sự đồng thuận, nhất quán ý chí, ủng hộ chủ trương của chính phủ, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Có chăng sự thiệt thòi của từng gia đình chính là sự hy sinh, tận hiến, góp phần xây dựng đất nước, xây dựng quê hương mình.
Quyết định thu hút vốn đầu tư nâng cấp mở rộng QL 1A của Thủ tướng Chính phủ Công văn số 7418/UBND-CN ngày 25/11/2010, UBND tỉnh Nghệ An thống nhất việc bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi để thực hiện Dự án Nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1A đoạn qua tỉnh Nghệ An như sau: 1. Đối với tài sản trên đất và đất đai của các hộ gia đình, cá nhân đã giải tỏa trong quá trình thi hành chính sách qua các thời kỳ hoặc các dự án trước đây, nay thực hiện theo Khoản 3, Điều 5 và khoản 3, Điều 15, Quyết định 04/2010/QĐ-UBND ngày 19/1/2010 của UBND tỉnh. 2. Đối với các hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nằm trong hành lang giao thông trước thời điểm Nghị định 203/HĐBT ngày 21/12/1982 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) cho đến nay, nay bị thu hồi đất để mở rộng đường theo quy hoạch thì được bồi thường về đất đai theo quy định. Việc xác định đất ở, đất vườn để được bồi thường thực hiện theo qui định tại Điều 6, Quyết định số 04/2010/QĐ-UBND ngày 19/1/2010 của UBND tỉnh. 3. Đối với các hộ gia đình đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của cấp có thẩm quyền mà trong giấy chứng nhận ghi rõ phần diện tích đất nằm trong chỉ giới hành lang an toàn giao thông là đất vườn thì được bồi thường, hỗ trợ đối với diện tích đất thu hồi theo quy định đối với đất vườn liền kề đất ở (cùng thửa đất ở) 4. Các hộ chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì căn cứ vào nguồn gốc sử dụng đất, loại đất, diện tích đất và thực tế sử dụng đất của các hộ dân để lập phương án đền bù theo quy định của pháp luật. |
Nhóm PV