Thanh Hóa:
“Nóng bỏng” khai thác crômit trái phép
Từ năm 2006 đến nay, UBND tỉnh Thanh Hóa đã cấp phép cho 6 doanh nghiệp thực hiện dự án chế biến sâu quặng crômit đồng thời giao mỏ crômit cho các doanh nghiệp quản lý song tình trạng khai thác trái phép và xuất khẩu quặng thô ra nước ngoài vẫn nóng bỏng.
Trong số 6 doanh nghiệp được tỉnh giao quản lý, bảo vệ để đầu tư xây dựng nhà máy chế biến, đến thời điểm này mới có 3 dự án được khởi công xây dựng gồm các nhà máy Ferocrom Nam Việt, Ferocrom Tân Ninh tại huyện Triệu Sơn, Nhà máy Ferocrom Thanh Hóa tại Khu kinh tế Nghi Sơn.
Tại các dự án này tiến độ xây dựng rất chậm. Các dự án còn lại mặc dù đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư hoặc giao đất nhưng vẫn chưa triển khai hoặc triển khai rất chậm, điển hình là Nhà máy sản xuất ferocrom JindaL Nông Cống.
Tình trạng trên dẫn đến công tác bảo vệ vùng mỏ gặp khó khăn và luôn nóng bỏng tình trạng quặng tặc khai thác lúc công khai, lúc lén lút và vận chuyển quặng trái phép bán ra nước ngoài.
Tại vùng mỏ Phú Nhuận và Mậu Lâm, huyện Như Thanh, đã nhiều tuần nay, vào ban đêm có hàng chục dàn máy khai thác quặng crômit trái phép và nhiều ôtô chở quặng sang các tỉnh lân cận để tiêu thụ, trong khi các ngành chức năng không phát hiện, ngăn chặn, gây nhiều bất bình trong nhân dân.
Thực hiện chủ trương chế biến sâu quặng crômit, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án và tăng cường quản lý bảo vệ vùng mỏ, ngăn chặn tình trạng khai thác trái phép, ngày 23/10, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp Sở Kế hoạch & Đầu tư, Sở Tài nguyên & Môi trường, các ngành, huyện liên quan kiểm tra, đánh giá lại tiến độ và năng lực của các chủ đầu tư các dự án chế biến sâu quặng crômit đã có chủ trương đầu tư.
Theo đó, từ sau ngày 30/11/2009, Thanh Hóa sẽ quyết định doanh nghiệp nào không có khả năng đầu tư chế biến sâu thì thu hồi lại mỏ giao cho đơn vị có khả năng hoặc giao cho địa phương quản lý.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa cũng giao Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện Triệu Sơn, Nông Cống, Như Thanh phối hợp cùng Công an tỉnh, quản lý thị trường, các đơn vị liên quan có biện pháp triển khai lực lượng bảo vệ mỏ 24/24 giờ trong ngày, kiên quyết chấm dứt việc khai thác, vận chuyển quặng crômit trái phép; xử lý nghiêm khắc các cá nhân, tổ chức vi phạm.
Trường hợp doanh nghiệp được giao mỏ nhưng không bảo vệ được mỏ hoặc có tình trạng tiếp tay cho việc khai thác trái phép thì lập các thủ tục để thu hồi mỏ.
Lực lượng Công an tỉnh chủ trì, phối hợp quản lý thị trường, Ủy ban Nhân dân các huyện, đơn vị liên quan, bố trí lực lượng tuần tra, kiểm soát 24/24 giờ trên các tuyến đường ra vào mỏ, kiên quyết bắt giữ các cá nhân, tổ chức, phương tiện vi phạm vận chuyển, buôn bán quặng trái phép; xây dựng và triển khai phương án đấu tranh với các đầu nậu tổ chức thu gom, buôn bán quặng crômit trái phép.
Theo TTXVN/Vietnam+