Nới trần quân hàm lên Đại tá với quân nhân chuyên nghiệp?

(Dân trí) - Nhiều ý kiến trong UB Thường vụ Quốc hội đặt vấn đề sửa quy định hiện tại về trần quân hàm khống chế đối với quân nhân chuyên nghiệp là Thượng tá lên thành Đại tá cho người có học hàm giáo sư, phó giáo sư và học vị tiến sĩ…

Thiếu tướng Tô Viết Báo - Cục trưởng Cục Quân lực - Bộ Quốc phòng.
Thiếu tướng Tô Viết Báo - Cục trưởng Cục Quân lực - Bộ Quốc phòng.

Ngày 23/9, UB Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo luật Quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng. Tờ trình do Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ - Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trình bày thể hiện, dự thảo Luật quy định cấp bậc quân hàm của quân nhân chuyên nghiệp được xác định tương ứng với trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ và mức lương để đáp ứng yêu cầu công tác chỉ huy, quản lý trong Quân đội nhân dân. Cấp bậc hàm với các đối tượng này “chạy” từ cấp Thiếu úy quân nhân chuyên nghiệp đến cấp Thượng tá quân nhân chuyên nghiệp.

Dự thảo luật cũng đưa ra quy định, bậc quân hàm cao nhất của quân nhân chuyên nghiệp có trình độ cao cấp là Thượng tá quân nhân chuyên nghiệp; có trình độ trung cấp là Trung tá quân nhân chuyên nghiệp; có trình độ sơ cấp là Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp tương ứng với hệ thống cấp bậc quân hàm của sĩ quan trong Quân đội nhân dân Việt Nam.

Giới hạn độ tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất với nam 56 tuổi, nữ 55 tuổi.

Thẩm tra nội dung này, UB Quốc phòng – An ninh đề nghị bổ sung quy định cấp bậc quân hàm Đại tá quân nhân chuyên nghiệp cho người có học hàm giáo sư, phó giáo sư và học vị tiến sĩ để thể chế hóa Nghị quyết của Đảng về xây dựng đội ngũ trí thức trong tình hình mới.

Chủ nhiệm UB Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển thắc mắc, tại sao trong các giới hạn tuổi, chức vụ cao nhất của quân nhân chuyên nghiệp lại không có hàm Đại tá mà chỉ là Thượng tá?

Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển gợi ý nâng trần quân hàm với quân nhân chuyên nghiệp lên Đại tá.
Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển gợi ý nâng trần quân hàm với quân nhân chuyên nghiệp lên Đại tá.

Trả lời câu hỏi của ông Hiển, Thiếu tướng Tô Viết Báo - Cục trưởng Cục quân lực - Bộ Quốc phòng giải thích, vấn đề này tại nhiều cuộc hội thảo do Bộ Quốc phòng tổ chức cũng đã đề cập nhiều, và cũng cho rằng, quân hàm cao nhất của quân nhân chuyên nghiệp là Thượng tá là phù hợp. Khi hưởng đến mức lương Thượng tá cũng là lúc họ hết hạn tuổi tại ngũ và được hưởng chế độ nghỉ hưu.

Quy định cấp bậc quân hàm được Cục trưởng Cục quân lực nhấn mạnh, là phục vụ công tác chỉ huy quản lý. Quân hàm quân nhân chuyên nghiệp được phiên theo mức lương và trình độ đào tạo nên khác quân hàm sĩ quan. Còn bảng lương quân nhân chuyên nghiệp có 12 bậc và người đạt mức lương 12/12 cũng đạt đến mức quân hàm Thượng tá. Quá trình thực hiện lâu nay không vướng và thực tế chưa có trường hợp nào được thăng lên Đại tá nên dự thảo quy định theo hướng kế thừa để tránh bất cập sau này.

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cũng đề nghị ban soạn thảo lưu ý đến khả năng nâng quân hàm của quân nhân chuyên nghiệp lên Đại tá. Ông Sơn nêu quan điểm có thể nâng trần quân hàm với đối tượng này lên Đại tá được vì các lĩnh vực quy định có nhiều vị trí quan trọng.

Còn về tiêu chuẩn, chế độ, nhất là quân hàm, theo Phó Chủ tịch Quốc hội, phải căn cứ vào cống hiến và nhiều yếu tố khác, không phải cứ Tiến sĩ là Thượng tá, còn Thạc sĩ là Trung tá. Phó Chủ tịch Quốc hội lập luận trên thực tế,  nhiều người giàu kinh nghiệm và giỏi chuyên môn trong lực lượng nhưng có văn bằng Tiến sĩ đâu?

Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ cho biết từ trước tới nay không lấy học hàm tính vào quân hàm.

Cũng về vấn đề chế độ, lương thưởng với nhóm đối tượng quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng, dự thảo luật đưa ra quy định về phụ cấp thâm niên; phụ cấp, trợ cấp như đối với cán bộ, công chức có cùng điều kiện làm việc và phụ cấp, trợ cấp có tính chất đặc thù quân sự; được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội; được bảo đảm nhà ở công vụ theo quy định của pháp luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đặt câu hỏi, Chính phủ có khái toán được khi pháp lệnh ra đời, có hiệu lực thì tổng ngân sách nhà nước chi cho việc này là bao nhiêu?

Bà Ngân yêu cầu tính toán luôn vấn đề này để xem mức chi từ ngân sách cụ thể cần chuẩn bị để đảm bảo tính khả thi của quy định.

Đại diện cơ quan soạn thảo luật phân tích, về cơ bản, quy định sẽ không làm tăng ngân sách của quân nhân chuyên nghiệp, còn viên chức quốc phòng thì có sự điều chỉnh chính sách. Mặc dù trong cùng một điều kiện, nhưng trước đây quân nhân chuyên nghiệp được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên, còn viên chức quốc phòng thì không. Do vậy, dự thảo luật lần này đưa vào quy định viên chức quốc phòng cũng được hưởng các chế độ về BHYT, BHXH để đảm bảo công bằng.

Theo tính toán của ban soạn thảo, số tiền phát sinh sẽ không lớn, ước tính mỗi năm khoảng 100 tỷ đồng.

P.Thảo