Nơi tìm về của những mảnh đời lầm lỡ
(Dân trí) - Những con người với tuổi trẻ lầm lỡ, lạc bước, tương lai mờ mịt khi quay về cuộc sống đời thường. Họ đã đứng dậy làm giàu từ chính đôi bàn tay của mình, với hỗ trợ ban đầu từ mô hình "Doanh nhân với an ninh trật tự" của công an.
Ngày tháng sống trong trại giam, Bường nhận ra những lỗi lầm của bản thân và thấy quý cuộc sống tự do. Anh nhớ lại: “Sống trong trại giam tôi mới rút ra được bài học về nhân quả trong cuộc sống. Vì vậy, tôi luôn cố gắng cải tạo thật tốt để sớm được ra tù và làm lại cuộc đời. May mắn nhờ vào sự khoan hồng của pháp luật và sự quan tâm của các lãnh đạo nên tôi được đặc xá trước một năm".
Tháng 5/2007, anh Bường trở về quê trong niềm vui, niềm hạnh phúc ngày đoàn tụ cả gia đình. Những giọt nước lăn dài trên gò má gầy, góc cạnh của người thanh niên một thời lầm lỡ vì đồng tiền cám dỗ. Trong sự động viên của anh em dòng họ, bà con hàng xóm, anh Bường quyết chí làm lại cuộc đời bằng chính đôi tay và sức lực của mình. Anh bắt đầu đầu tư phát triển kinh tế tổng hợp.
Được Công an huyện cho vay 5 triệu đồng để phát triển kinh tế, anh Phạm Văn Bường quyết định vay thêm của anh em họ hàng, gia đình rồi đầu tư máy móc sản xuất gạch bi xi-măng và thu mua cói, làm quại… Nhận thấy anh Bường có chí phục thiện, mong muốn làm giàu từ đôi bàn tay của mình nên chính quyền địa phương luôn động viên, tạo điều kiện cho vợ chồng anh phát triển kinh tế.
Anh Bường kể: "Ban đầu khổ lắm, với số vốn 5 triệu đồng và vay mượn thêm anh em, tôi chỉ sắm được một vài dụng cụ phục vụ cho sản xuất gạch bi- xi măng. Sau này thấy có lãi, Công an huyện lại cho vay thêm 2 đợt với tổng số tiền được vay là 50 triệu đồng nên tôi đã mở rộng quy mô sản xuất, thuê lao động về làm”.
Nhờ vào sự cố gắng của bản thân, ý chí phục thiện nên vợ chồng anh Bường đã trở thành một doanh nghiệp nhỏ chuyên sản xuất gạch bi - xi măng và thu mua cói, lõi… Mỗi năm, trừ các chi phí, vợ chồng anh cũng thu ít nhất 70 - 80 triệu đồng.
Hiện tại, cơ sở sản xuất gạch của vợ chồng anh Bường đang thuê 5 lao động với mức thu nhập từ 2,5 - 3 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, anh còn thuê thêm hàng chục lao động đến làm cói vào thời gian nông nhàn với mức thu nhập mỗi tháng từ 1,2 triệu đồng trở lên.
Chủ tịch UBND xã Nga An Trịnh Minh Thư cho biết trong xã có hai trường hợp là anh Phạm Văn Bường và anh Bùi Bá Sơn được Công an huyện Nga Sơn cho vay vốn để phát triển kinh tế sau khi mãn hạn tù trở về, có ý chí phục thiện, làm giàu.
Anh Bùi Bá Sơn hiện cũng đã được vay vốn 2 lần với số tiền là 60 triệu đồng để phát triển mô hình lúa, cá , vịt, chăn nuôi lợn, được bà con đồng tình ủng hộ. Tương lai mô hình sẽ được mở rộng và phát triển mạnh, đem lại thu nhập cao cho gia đình. Chính quyền xã khẳng định luôn tạo điều kiện tốt nhất để những người con từng lầm lỡ có cơ hội phát triển kinh tế, làm giàu cho quê hương bằng đôi bàn tay chân chính.
Lan Anh