Nói “tham nhũng vặt” nhưng số tiền cộng lại không hề… vặt!
(Dân trí) - Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa thốt lên như vậy. Ông đề xuất không nên sử dụng khái niệm “tham nhũng vặt”. Cần chặn mọi cửa có thể phát sinh hành vi nhũng nhiễu, “ngâm” hồ sơ, công việc để vòi vĩnh của cán bộ…
1 triệu người kê tài sản, 46 trường hợp được xác minh
Chiều 4/9, trình bày báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019 tại phiên họp của UB Tư pháp, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm nêu con số số người đã kê khai tài sản, thu nhập năm qua là 1,08 triệu. Tỷ lệ kê khai đạt 99,9% so với số người phải kê khai.
Trong hơn 1,08 triệu người đã kê khai, có 1,075 triệu bản kê đã được công khai, đạt tỷ lệ 99,4%. Có 46 người thuộc diện kê khai được xác minh tài sản, thu nhập.
“Qua việc xác minh tài sản, thu nhập của cơ quan có thẩm quyền, phát hiện 10 trường hợp vi phạm, tăng 4 trường hợp so với năm 2018. Đã xử lý kỷ luật 8 trường hợp, đang xem xét xử lý kỷ luật 2 trường hợp. Trong đó, Bộ Công an 2 người, Đà Nẵng 1 người, Khánh Hòa 2 người, Tây Ninh 2 người, Thanh Hóa 1 người”- ông Liêm nhấn mạnh.
Đáng chú ý, theo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, việc thực hiện quy định về tặng quà tết, nộp lại quà tặng tiếp tục được Chính phủ quán triệt, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán. Năm 2019 có 3 trường hợp nộp lại quà tặng với tổng giá trị là 103 triệu đồng. Cụ thể là tỉnh Trà Vinh có 1 người, 3 triệu đồng; Thái Bình có 2 người, 100 triệu đồng.
Theo ông Trần Ngọc Liêm, để nâng cao hiệu quả thực hiện các quy định về kiểm soát việc tặng quà, nhận quà, phòng ngừa việc lợi dụng truyền thống tốt đẹp để tham nhũng, đưa hối lộ, Chính phủ đã rà soát, ban hành quy định mới về tặng quà, nhận quà, nộp lại quà tặng (Nghị định số 59/2019 thay thế Quyết định số 64/2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế về việc tặng quà, nhận quà và nộp lại quà tặng của cơ quan, tổ chức, đơn vị có sử dụng ngân sách nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức).
Nghị định này quy định người có chức vụ, quyền hạn không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân dưới mọi hình thức nếu liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình.
Trường hợp không từ chối được thì cơ quan, tổ chức, đơn vị phải tổ chức quản lý, xử lý quà tặng theo đúng quy định. Người vi phạm quy định về nhận, tặng quà thì bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.
Thẩm tra sơ bộ báo cáo này, nhóm nghiên cứu của UB Tư pháp cơ bản đồng tình với đánh giá của Chính phủ về tình hình tham nhũng là “tham nhũng đang từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm” và cho rằng tình hình tham nhũng trong thời gian tới tiếp tục có chiều hướng thuyên giảm nhưng vẫn diễn ra phức tạp, thủ đoạn tinh vi nhất là tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.
Nhiều nơi tham nhũng không chuyển biến, chẳng “ngán ngại”
Góp ý thêm vào các nội dung, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) nhận xét, báo cáo của Chính phủ chỉ nên nêu đánh giá tham nhũng “có biểu hiện thuyên giảm” chứ không thể là “có chiều hướng thuyên giảm”.
Ông Nghĩa lập luận, thực tế nhiều nơi có chuyển biến tốt nhưng một số ngành, lĩnh vực không thấy thuyên giảm.
“Có thể sự trắng trợn, ngã giã không diễn ra nhưng vẫn có hiện tượng “ngâm” việc để tham nhũng vẫn diễn ra. Ở những nơi, những lĩnh vực này, tình hình không chuyển biến, người ta vẫn chẳng ngán ngại gì”- ông Nghĩa nói.
Để ngăn chặn tình trạng gây khó dễ, “ngâm” hồ sơ để “vòi vĩnh” của cán bộ, đại biểu kiến nghị cần quy định cụ thể thời gian xử lý hồ sơ, trả lời cho người dân. Ngay cả việc gia hạn giải quyết hồ sơ cũng phải được ấn định cụ thể. Vì nếu không có quy định chặt chẽ, người ta có thể cứ chậm kéo dài để buộc người dân phải xì phong bì ra thì việc mới chạy.
Góp ý về việc giải pháp pháp ngăn chặn tặng quà, ông Nghĩa dẫn ví dụ, ở Mỹ, luật quy định việc quản lý quà tặng từ mức 50 USD trở lên.
Đại biểu Nghĩa một lần nữa bình luận, không nên có khái niệm “tham nhũng vặt” vì số tiền tham nhũng dù nhỏ cộng lại cũng thành “không vặt”.
Về kiểm soát tài sản, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhìn nhận, đây là giải pháp phòng ngừa tham nhũng cực kỳ quan trọng. Công khai, minh bạch tài sản của quan chức là việc phải làm mà vừa qua, do việc kiểm soát chưa tốt nên biện pháp này chưa đem lại hiệu quả.
P.Thảo