DMagazine

Nỗi sợ của "gấu tặc" và lý do bất ngờ gác súng hoàn lương

(Dân trí) - Đoàn người từ nước ngoài lặn lội về bản Cướm (Quỳ Châu, Nghệ An) để nghiên cứu bảo tồn động vật hoang dã đã thay đổi hoàn toàn suy nghĩ của ông Lữ Văn Thương. Gã thợ săn quyết định "gác súng"...

Đoàn người từ nước ngoài lặn lội về bản Cướm (Quỳ Châu, Nghệ An) để nghiên cứu bảo tồn động vật hoang dã đã thay đổi hoàn toàn suy nghĩ của ông Lữ Văn Thương. Gã thợ săn quyết định "gác súng"...

Nỗi sợ của gấu tặc và lý do bất ngờ gác súng hoàn lương - 1

Trong cuộc hội thảo bảo tồn loài gấu tổ chức tại Nghệ An vào trung tuần tháng 3/2022, PGS Cao Tiến Trung - Viện trưởng Viện công nghệ hóa sinh và môi trường Đại học Vinh (Nghệ An) dẫn tôi đến trước một vị đại biểu, trịnh trọng giới thiệu: "Đây là ông Lữ Văn Thương, một thợ săn gấu nổi tiếng ở Quỳ Châu, Nghệ An. Nhưng đó là câu chuyện của quá khứ, nay ông Thương là "hạt nhân" quan trọng, tích cực tham gia các dự án bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam".

Người đàn ông có khuôn mặt khắc khổ chỉ nở nụ cười hiền lành đáp lại. Dường như ông cũng đã quá quen những cuộc hội thảo mà mình tham gia với tư cách "thợ săn".

Năm 1987, chàng trai dân tộc Thái - Lữ Văn Thương xuất ngũ trở về bản Cướm, xã Diên Lãm, huyện Quỳ Châu, lấy vợ, sinh con, dựa vào rừng "lập nghiệp". "Thời đấy súng săn chưa cấm, khu vực rừng Pù Huống này lại nhiều muông thú nên con gì ăn được là chúng tôi bắn hạ hết, không chỉ mỗi gấu đâu. Săn bắn chỉ để có cái ăn thôi", ông Thương nhớ lại.

Thường con hươu, con nai, con hoẵng được dân bản ưa chuộng hơn, lại dễ săn hơn là gấu. Nhưng không hề gì, phàm con gì có thể xẻ thịt được thì đều trở thành mục tiêu của cánh thợ săn bản Cướm. Mùa săn gấu bắt đầu vào tháng 10 và kéo dài đến hết tháng 11. "Đó là mùa quả dẻ, quả cọ, loài gấu rất ưa loại quả này, có khi cả nhà gấu vắt vẻo trên cành cây hái quả ăn. Toán thợ săn thường có 3-4 người, núp dưới gốc cây, ngắm chuẩn, siết cò. Con gấu trúng đạn, rơi xuống đất. Tôi đã bắn hạ tất cả 4 con gấu...", giọng ông Thương trầm trầm.

Gấu lớn, gấu bé gì cũng xẻ thịt, chân, xương thì nấu canh, nấu cháo, thịt thì ướp gia vị theo bí quyết riêng rồi gác trên giàn bếp, dùng làm "lương khô" ăn dần. Mật gấu, thứ được đồn đại là biệt dược những người thợ săn cũng không mấy quan tâm. Khách hỏi mua thì bán vài trăm nghìn, mà ai xin cũng sẵn sàng cho luôn.

Ông Thương vẫn nghĩ việc săn bắt các loại động vật hoàng dã là bình thường, cho đến năm 1996, một sự kiện xảy ra đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời ông. Lần đó, một đoàn nghiên cứu khoa học của Anh quốc tới nghiên cứu, bảo tồn các loại động vật hoang dã tại rừng Pù Huống trước nguy cơ tuyệt chủng, trong đó có loài gấu. Ông Thương là người địa phương, thông thuộc địa hình, lại nắm rõ đặc điểm cũng như địa điểm sinh sống của loài gấu nên được nhờ dẫn đường cho đoàn nghiên cứu.

Nỗi sợ của gấu tặc và lý do bất ngờ gác súng hoàn lương - 3

Thực ra thời điểm đó, ông cũng chưa hiểu cụ thể công việc của đoàn nghiên cứu. Càng đi, ông càng "vỡ" ra được nhiều điều. Những người ngoại quốc này đã vượt một chặng đường xa xôi, không màng hiểm nguy, băng rừng lội suối để bảo tồn các loài động vật hoang dã thì tại sao mình sinh ra ở đây, lớn lên ở đây, lại đang từng ngày gây hại tới chúng, đẩy các loài thú quý, trong đó có loài gấu vào nguy cơ tuyệt chủng?. Những điều mắt thấy, tai nghe đã tác động mạnh đến ông, khiến "gã thợ săn" này đi đến một quyết định quan trọng, quyết định thay đổi cuộc sống và cả cuộc đời ông: gác súng!.

Tất nhiên, mất đi nguồn thức ăn, cuộc sống của gia đình ông cũng nhiều khó khăn hơn. Nhưng thay vì đi săn, ông bàn với vợ nuôi đàn gà, đàn lợn, nuôi thêm con bò, vừa có thực phẩm, vừa bán để trang trải chi tiêu trong gia đình. Chỉ mỗi mình không đi săn nữa không có nghĩa là các loại động vật hoang dã không còn nguy cơ khi trong bản vẫn có người vác súng vào rừng. Ông tỉ tê, thuyết phục bà con đừng vào rừng săn, bẫy thú, có người nghe, có người không nhưng ông vẫn kiên trì. "Rồi Nhà nước cấm sử dụng súng, Ban quản lý khu bảo tồn Pù Huống được thành lập, lực lượng kiểm lâm vào cuộc tuyên truyền, vận động, xử phạt... dần dần bà con cũng chịu nghe. Nhưng thỉnh thoảng vẫn có người lén lút vào rừng săn đấy", ông Thương kể.

Nỗi sợ của gấu tặc và lý do bất ngờ gác súng hoàn lương - 5

Hồi cuối năm 2021, trong một lần vào rừng, ông Thương giật mình khi thấy một gia đình gấu 4 con đang vắt vẻo trên cây cọ. Cơn hoảng hốt đi qua là niềm vui tràn tới: hóa ra khu vực này vẫn còn gấu! Thông tin quan trọng này được ông báo tới Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống và PGS Cao Tiến Trung.

Theo anh Trần Đức Long - Trưởng phòng kế hoạch kế toán và hợp tác quốc tế Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, với những người làm công tác bảo tồn động vật hoang dã, người như ông Thương là rất quý.

"Ông Lữ Văn Thương là người có nhiều kinh nghiệm, kiến thức về loài cũng như địa bàn sinh sống của từng loài khác nhau. Những kinh nghiệm quý này sẽ giúp các tổ chức bảo tồn thu thập số liệu chính xác để tiếp cận, nghiên cứu sâu hơn về đặc điểm, đánh giá số lượng cũng như các điều kiện tốt nhất để bảo vệ, bảo tồn... Bên cạnh đó, ông Thương còn là tuyên truyền viên, tích cực tham gia công tác bảo vệ rừng, bảo vệ đa dạng động, thực vật ở Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống".

Nỗi sợ của gấu tặc và lý do bất ngờ gác súng hoàn lương - 7

Hiện, ngoài tham gia bảo tồn loài gấu, ông Lữ Văn Thương tham gia dự án bảo tồn loài sao la - một loài động vật đặc biệt quý hiếm, sinh sống ở khu vực dãy Trường Sơn, thuộc hai nước Việt Nam và Lào. Tại Việt Nam, sao la từng được phát hiện tại khu vực Vườn quốc gia Pù Mát (Con Cuông, Nghệ An), Vườn quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh) và rừng tự nhiên thuộc huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế). Tuy nhiên, số lượng cá thể sao la được các chuyên gia đánh giá là còn rất ít, hiếm khi người dân bắt gặp, hình ảnh sao la thu được đều từ các bẫy ảnh đặt trong rừng.

Nhiệm vụ của ông Thương và các cộng sự là tìm kiếm các dấu vết về sự tồn tại cũng như địa điểm sinh sống của loài động vật được xếp vào nhóm cực kỳ nguy cấp trong Sách Đỏ này. Có những đợt đoàn phải hành quân 3-4 ngày, cắt rừng xuyên tỉnh Quảng Trị (Việt Nam) hay Xavanakhet (Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào) - hai địa phương được đánh giá là nơi sinh sống của những cá thể sao la còn sót lại.

"Chúng tôi phải quan sát kỹ từng dấu vết để nhận biết, trong đó có những dấu vết đặc trưng như dấu chân hay phân của nó. Dấu chân sao la và chân sơn dương khá giống nhau nhưng phân của sao la lại giống phân dê hơn. Thú thực, chúng tôi chưa gặp con sao la nào nhưng tìm được phân sao la thôi cũng vui lắm. Ngoài việc chứng tỏ có sao la sinh sống ở đây, việc nghiên cứu phân có thể xác định được loại thức ăn của nó, từ đó các nhà nghiên cứu khoanh vùng được địa điểm phân bố, đánh giá các điều kiện sinh sống của loài động vật quý hiếm này", ông Lữ Văn Thương cho hay.

Ông Thương không phủ nhận việc tham gia các dự án bảo tồn mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình nhưng ông còn một lý do đặc biệt hơn. "Tôi sợ sau này khi các cháu tôi lớn lên chỉ có thể nhìn thấy các loài động vật hoang dã trên ti vi", gã "thợ săn" tâm sự.

Nỗi sợ của gấu tặc và lý do bất ngờ gác súng hoàn lương - 9

                                                                  Nội dung: Hoàng Lam

                                                               Thiết kế: Nguyễn Vượng

             Ảnh: Hoàng Lam - Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình - WWF-Việt Nam