Nơi ra đời Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Sóc Trăng
(Dân trí) - Miếu Bà Chúa xứ Mỹ Đông thuộc ấp Mỹ Đông 1, xã Mỹ Quới (thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng) là nơi ra đời của Chi bộ Đảng đầu tiên ở tỉnh Sóc Trăng.
Miếu Bà Chúa xứ Mỹ Đông (gọi theo dân gian là miếu Bà Mỹ Đông) nằm bên bờ rạch Mỹ Đông, thuộc ấp Mỹ Đông 1, xã Mỹ Quới (thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng), cách TP Sóc Trăng 60km.
Theo lời kể của các cụ cao niên, làng Mỹ Quới được thành lập vào năm 1905, dân cư chủ yếu là người di cư từ vùng khác. Trong kháng chiến, người dân ấp Mỹ Đông nói riêng và Mỹ Quới nói chung đã một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ cùng với lực lượng cách mạng chiến đấu chống lại kẻ thù xâm lược.
Nhiều trận càn quét của địch đối với lực lượng ta được người dân địa phương che chở, tiếp tế lương thực, giúp lực lượng cách mạng kháng chiến chống lại kẻ thù xâm lược. Chính vì đó, trong giai đoạn từ năm 1960, nơi đây được Huyện ủy Thạnh Trị chọn làm căn cứ, nuôi chứa nhiều cán bộ lãnh đạo lúc bây giờ.
Miếu Bà Chúa xứ Mỹ Đông được xây dựng trên nền cao khoảng 40cm với diện tích 2.400m2, xây bằng gạch lợp ngói, chia làm 2 gian: Gian trước thờ Bà Chúa Xứ và các vị tiền hiền, hậu hiền; gian sau làm bếp chuẩn bị các nghi lễ.
Hàng năm, người dân cũng có tổ chức lễ hội vía Bà vào ngày 16/2 âm lịch, đây được xem là lễ hội của cả làng. Bà con dựng 2 rạp có mái che cạnh 2 bên miếu, bên trái là nơi ăn uống, bên phải là rạp hát cúng miếu như lễ hội Kỳ Yên tại các đình làng.
Theo dòng lịch sử, năm 1930, ông Quản Trọng Hoàng (đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam) bị địch truy lùng đã về làng Mỹ Quới bí mật hoạt động, tiếp tục tuyên truyền và vận động người dân cùng tham gia cách mạng.
Khoảng tháng 6/1930, chi bộ Mỹ Quới (Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Sóc Trăng) được thành lập, do Châu Văn Phát làm Bí thư. Sau thời gian hoạt động, ông Trần Văn Bảy (thân sinh nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục Trần Hồng Quân) được đề cử làm Bí thư Chi bộ và lấy miếu Bà Chúa Xứ Mỹ Đông làm địa điểm để sinh hoạt.
Nhiều lớp huấn luyện bí mật được Chi bộ mở liên tục với hình thức phân tán mỏng, đảm bảo được bí mật và an toàn cho từng học viên. Thông qua đó, Chi bộ chọn lọc và kết nạp ngày càng nhiều thanh niên ưu tú vào Đảng. Từ đó, thúc đẩy phong trào cách mạng ngày càng phát triển, lan rộng ra các nơi trong quận Phước Long (nay thuộc tỉnh Bạc Liêu).
Từ năm 1930 đến 1936, Chi bộ Mỹ Quới đã vượt qua mọi khó khăn để xây dựng cơ sở. Trong khoảng thời gian này, nhiều cơ quan Đảng ở các nơi trong quận lần lượt ra đời. Năm 1936, quận ủy Phước Long thành lập, các ông Lê Hoàng Chu, Trần Văn Bảy, Trương Quý Thể, Quảng Trọng Hoàng được bầu vào quận uỷ.
Ấp Mỹ Đông (xã Mỹ Quới) không chỉ là chiếc nôi cách mạng, nơi thành lập Đảng bộ đầu tiên của tỉnh Sóc Trăng, mà còn là căn cứ địa cách mạng của huyện Thạnh Trị (thời điểm đó Ngã Năm thuộc huyện Thạnh Trị) và một số ban, ngành của tỉnh Sóc Trăng từ những năm 1960 – 1975, như: Ban Tuyên huấn Tỉnh uỷ, cơ quan Binh vận, Giao liên, Kinh tài, Dân quân y, đoàn ca múa tỉnh Sóc Trăng và một số ban, ngành của thị xã ủy Bạc Liêu.
Ông Huỳnh Tấn Lịnh- Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Mỹ Quới, cho biết: “Mỹ Quới là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, là nơi hình thành phong trào cách mạng ở Sóc Trăng. Qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, nhiều người con ưu tú của quê hương Mỹ Quới đã được Nhà nước phong tặng và truy tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, có hơn 100 Mẹ Việt Nam anh hùng.
Bà Ngô Thị Huệ (phu nhân của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh) là một trong 10 nữ đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cũng là người con của quê hương Mỹ Quới.
Miếu Bà Chúa Xứ Mỹ Đông có ý nghĩa lịch sử cách mạng rất to lớn. Những đảng viên của Chi bộ hoạt động nơi đây đã góp phần đưa ánh sáng cách mạng và đường lối chính sách của Đảng đến với mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Sau này, tỉnh thường xuyên chọn nơi đây làm địa điểm tổ chức kỷ niệm ngày thành lập Đảng hàng năm, ôn lại truyền thống cách mạng và động viên giáo dục tinh thần cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau”.
Sau giải phóng 30/4/1975, bà con ở ấp Mỹ Đông đã dựng tạm lại ngôi miếu bằng tre gỗ và lợp lá để thờ cúng. Năm 1997, tỉnh Sóc Trăng đầu tư kinh phí xây dựng nơi đây một tấm bia lưu niệm nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Sóc Trăng.
Năm 1999 - 2000, được Trung ương đầu tư kinh phí khôi phục lại miếu với tổng kinh phí trên 6 tỷ đồng. Ngôi miếu ngày nay được xây dựng trên nền cao 1,5m, với kết cấu mái vòm, mỗi góc mái trang trí hình con phụng đang uốn lượn, lợp ngói âm dương.
Ngày 27/11/2003, miếu Bà Chúa Xứ Mỹ Đông được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Cao Xuân Lương