1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Nội quy họp Quốc hội buộc Thủ tướng, Chủ tịch nước tuyên thệ nhậm chức

(Dân trí) - Chiều 18/8, UB Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi). Một điểm mới đáng chú ý của dự thảo là quy định thủ tục tuyên thệ của Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chánh án TAND tối cao thay cho việc phát biểu nhậm chức.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, xung quanh vấn đề này còn 2 loại ý kiến khác nhau.

Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, cần quy định về lễ tuyên thệ để bảo đảm việc tuyên thệ trang nghiêm, trọng thể, được phát thanh, truyền hình trực tiếp để nhân dân cả nước theo dõi. Loại ý kiến thứ hai lại cho rằng không nên quy định chi tiết về tuyên thệ để tạo sự linh hoạt, chủ động cho các chủ thể thực hiện tuyên thệ.

Nội quy họp Quốc hội buộc Thủ tướng, Chủ tịch nước tuyên thệ nhậm chức - 1

Nội quy kỳ họp được xây dựng với quy định, ngay sau khi được bầu, các chức danh đứng đầu nhà nước phải tuyên thệ nhậm chức (ảnh: Việt Hưng).

Nghiêng về loại ý kiến thứ nhất, cơ quan soạn thảo nội quy quy định thể hiện trong văn bản, sau khi được bầu, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao phải tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp.

Lễ tuyên thệ của các chức danh này được tiến hành trong một phiên họp toàn thể của Quốc hội theo trình tự sau khi Quốc hội làm lễ chào cờ thì chủ tọa phiên họp mời lần lượt Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao lên bục danh dự tuyên thệ trước Quốc kỳ.

Liên quan đến thủ tục tuyên thệ, một số ý kiến băn khoăn về thời gian, nội dung tuyên thệ, vì nếu khôn quy định thì có người chỉ nói mấy câu nhưng có người có thể phát biểu cả bài dài.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, bản nội quy kỳ họp đã có quy định, mỗi chức danh chỉ có 5 phút để phát biểu trước Quốc hội  và nội dung tuyên thệ là giống nhau.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, không nên chờ bầu xong tất cả các chức danh mới làm lễ tuyên thệ mà cứ ai được bầu xong thì sẽ tuyên thệ luôn để có thể thực hiện nhiệm vụ mới ngay.

Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, tuyên thệ trước Quốc hội, trước quốc dân đồng bào cần trang nghiêm, nhưng đơn giản gọn gàng thôi và không nên nghiêm trọng hoá hoạt động tuyên thệ nhậm chức này.

Về vấn đề trách nhiệm của đại biểu tại kỳ họp, dự thảo nội quy quy định rõ việc Đại biểu Quốc hội có trách nhiệm tham gia đầy đủ các kỳ họp Quốc hội, các phiên họp tại kỳ họp; góp ý kiến về nội dung của kỳ họp, biểu quyết các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội.

Trong trường hợp không thể dự kỳ họp hoặc vắng mặt tại các phiên họp, đại biểu phải gửi văn bản đến Tổng thư ký Quốc hội, nêu rõ lý do và thời gian vắng mặt để báo cáo Chủ tịch Quốc hội.

Nêu ý kiến về vấn đề này, Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Giàu bày tỏ bức xúc từ thực tế, là đại biểu của nhân dân, thay mặt cử tri khi đi họp mà hội trường không ít buổi vắng hoe.

Ông Giàu cũng bác bỏ lý do đã được nói đến nhiều lần là tỷ lệ đại biểu kiêm nhiệm ở Quốc hội lớn mà theo quy định, chỉ cần dành 1/3 thời gian làm việc cho công tác đại biểu. “Cứ nói kiêm nhiệm nhưng có thành viên Chính phủ luôn có mặt, trừ khi đi công tác nước ngoài. Có những đại biểu chức trách không lớn lắm thì lại dự họp không thường xuyên” – ông Giàu nhận xét.

Chủ nhiệm UB Kinh tế đề nghị cần quy định chặt chẽ hơn về vấn đề này cũng như làm rõ hơn quy định điểm danh tại phiên họp toàn thể được thực hiện bằng hệ thống điểm danh điện tử. Theo đó, các đại biểu Quốc hội không được điểm danh thay đồng nghiệp.

Ông Giàu cũng băn khoăn cho rằng chế tài chưa chặt chẽ vì vẫn có trường hợp đại biểu để quên thẻ điểm danh hoặc thẻ vẫn cắm trên bàn và khi bật lên, hệ thống cũng tự điểm danh, thậm chí có đại biểu nhờ người khác cắm thẻ điểm danh hộ mình.

Chủ tịch Quốc hội cũng quán triệt tinh thần, vắng mặt là phải xin từ trước, đồng ý mới được nghỉ, đặc biệt bố trí đi nước ngoài đúng kỳ họp là không được, có thể phân công người đi thay.

Giải trình thêm vấn đề này, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, có ý kiến đề nghị quy định phiên họp toàn thể chỉ được tiến hành khi có ít nhất 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội tham dự, nhằm góp phần nâng cao chất lượng kỳ họp, tăng cường kỷ cương, thực hiện nghiêm quy định về trách nhiệm tham dự đầy đủ kỳ họp của đại biểu, khắc phục tình trạng vắng số lượng lớn đại biểu trong nhiều phiên họp toàn thể.

Tuy nhiên, ý kiến khác lại cho rằng, trong điều kiện Quốc hội nước ta có nhiều đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm, nếu quy định như vậy sẽ có thể xảy ra trường hợp phải dừng phiên họp toàn thể do không đủ 2/3 số đại biểu tham dự, gây khó khăn trong việc bảo đảm thực hiện đúng chương trình kỳ họp Quốc hội. Vì vậy, chốt lại, nội quy kỳ họp trong lần xây dựng này vẫn giữ quy định hiện hành, tức không quy định tỷ lệ đại biểu tham dự là một điều kiện tiến hành phiên họp toàn thể.

P.Thảo

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm