1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hà Tĩnh:

Nỗi niềm "thầy thuốc của dân bản" sau 11 năm bám rừng

(Dân trí) - Suốt 11 năm qua, người y sỹ tự học, tự nguyện về làm lại xã biên giới vùng núi khó khăn bậc nhất huyện Hương Khê, Hà Tĩnh chưa một lần quay lưng với người bệnh. Cũng chừng ấy năm ông không nhận được một đồng lương, không một nguồn trợ cấp...

Ông là y sĩ Trần Thanh Liên, 46 tuổi, ở xóm 4, xã Hương Lâm, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh. Ông sống trong ngôi nhà gỗ cũ kỹ của cha ông để lại. Lúc chúng tôi đến, ông đang chuẩn bị đi châm cứu cho bệnh nhân bị liệt ở thôn bên.
 
Câu chuyện trở lại với cơ duyên đưa ông đến nghề y năm 1991, khi cuộc sống của bà con dân bản nơi rừng núi biên giới giáp Lào đã khó khăn lại đối mặt nhiều bệnh dịch. Năm đó bệnh sốt rét hoành hành đã cướp mất của ông người con gái. Nhìn con ra đi vì bệnh sốt rét ngay trên tay mình mà đành bất lực, ông quyết phải trở thành bác sĩ để giúp bà con dân bản thoát khỏi bệnh tật. Nhưng cuộc sống khó khăn không có điều kiện, mãi năm 1999 ông mới có thể gác lại việc mưu sinh, bắt đầu vào học trường trung học Quân y II với chuyên ngành y sĩ đa khoa đồng thời tham gia học lớp châm cứu y học cổ truyền.
 
Nỗi niềm "thầy thuốc của dân bản" sau 11 năm bám rừng  - 1
Y sĩ Liêm đang châm cứu cho ông Thuấn bị liệt nằm một chỗ gần một năm nay.
 
Sau 4 năm học, 2002 tốt nghiệp ra trường, ông Liêm về nhận công tác ở trạm y tế xã Hương Lâm. Những năm đầu, trong ký ức của ông  Liêm là chuỗi ngày khó khăn vất vả nhất. Khi mới về, cả trạm xá chỉ có mình ông, cộng thêm muôn vàn khó khăn về cơ sở vật chất, nhân lực, không có chế độ, ông phải tự thu tự chi , ông phải tự vay mượn mua sắm thiết bị. Dụng cụ khám chữa bệnh khi đó chỉ có một cái ống nghe và bộ bơm kim tiêm, muốn lấy thuốc phải xuống thành phố cách mấy chục cây số. Ông vẫn làm việc không biết mệt mỏi, cứu sống không biết bao nhiêu bệnh nhân.
 
Ông Thuấn một bệnh nhân bị liệt nữa người nằm một chỗ gần một năm nay không đi lại đượ. "Tôi đã điều trị nhiều nơi nhưng không khỏi nay được y sỹ Liêm chữa trị bằng thuốc tây kết hợp với châm cứu, giờ đã đi lại được nhưng chưa khỏi hẳn nên đang tiếp tục châm cứu" - ông Thuấn kể.
 
Cùng tâm trạng vui mừng, ông Năm bị tai biến liệt toàn thân sinh hoạt tại chỗ nhưng được ông Liêm châm cứu và bốc thuốc uống, giờ khỏe mạnh đi lại bình thường.     
 
Nỗi niềm "thầy thuốc của dân bản" sau 11 năm bám rừng  - 2
Ông Thuấn đã đi lại được, không còn năm một chỗ.
 
11 năm làm nghề, người y sỹ bản không quản ngại gió mưa khó khăn, vất vã một lòng tận tụy, hết lòng cứu chữa cho người bệnh. Ông luôn xem những bệnh nhân như người thân của mình. Mặc dù không có lương, không có một nguồn trợ cấp nào nhưng ông Liêm luôn tận tình với nghề, được nhiều người trìu mến gọi là “thầy thuốc của dân bản”. Đặt lương tâm của người thầy thuốc lên hàng đầu, ông luôn quan niệm "trước ơn, sau ích". “Bệnh nhân đến với tôi thường là những người có hoàn cảnh đặc biệt, một là đi lại không được, hai là điều kiện kinh tế khó khăn. Ai không đi được thì tôi đến tận nhà khám bệnh" - ông Liêm cho hay.
 
Mấy mươi năm kinh nghiệm trong nghề y, ông tự rút ra phương châm muốn điều trị cho người bệnh nhanh chóng và có hiệu quả, phải theo dõi chặt bệnh nhân, chẩn đoán bệnh sâu sát, tỉ mỉ, từ đó mới xác định được loại thuốc phù hợp. Với phương châm ấy, những bệnh nhân đã nhận điều trị, ông đều đến tận nơi để theo dõi tiến triển trước và sau khi dùng thuốc. Vất vả nhất là số người mắc bệnh nặng phải túc trực thường xuyên, dù nắng hay mưa, ngày hay đêm, nhận được tin báo của người nhà bệnh nhân, ông lại lập tức đi ngay. Gian nan là vậy, song ông luôn vui vẻ, tình nguyện giúp đỡ bà con với cả tấm lòng nhân ái.
Nỗi niềm "thầy thuốc của dân bản" sau 11 năm bám rừng  - 3
Suốt 11 năm vừa chữa bệnh vừa cầm hồ sơ xin việc, nay đã 46 tuổi, ông Liêm vẫn chưa có một chỗ làm ổn định.

Suốt 11 năm vừa khám chữa bệnh vừa cầm hồ sơ đi xin việc nhưng đến nay đã 46 tuổi, ông Liêm vẫn chưa có một chỗ làm ổn định. Những tưởng làm hợp đồng tại trạm y tế xã 6 tháng, sau sẽ ký hợp đồng chính thức, nhưng ông Liêm đã trông chờ tờ hợp đồng lao động đó 5 năm nay, vẫn chưa có nguồn hỗ trợ, trợ cấp nào cho ông.

chủ tịch UBND xã Hương Lâm Phan Văn Thông nhận xét: “Ngoài việt nhiệt tình, năng nổ trong công tác, tận tâm chữa bệnh cho người dân, chính sự gần gũi, quan tâm của ông Liêm đối với bệnh nhân đã để lại lòng tin và sự kính mến trong lòng mỗi người dân xã Hương Lâm. Xã ghi nhận công lao của y sỹ Trần Thanh Liêm nhưng đến giờ vẫn không có nguồn ngân sách nào để hỗ trợ. Chúng tôi cũng mong các cấp ngành quan tâm để ông Liêm có điều kiện tiếp tục phục vụ người dân, ổn định việc làm và nhu cầu cho cuộc sống".

 Xuân Bắc – Văn Dũng