1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Quảng Bình:

Nỗi niềm bên dòng sông Gianh

(Dân trí) - Hàng chục năm qua, gần 200 trăm hộ dân thôn Đồng Phú, xã Đồng Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) sống trong điều kiện hết sức khó khăn: giao thông đi lại cách trở, đất đai bị thu hẹp, cuộc sống thiếu thốn… khiến cái đói, cái nghèo cứ bủa vây.

“Thót tim” đi qua cầu phao

Giữa trưa nắng gắt của tiết trời miền Trung, chúng tôi tìm về thôn Đồng Phú, xã Đồng Hóa, nằm bên kia sông Gianh. Sau một hồi “đánh vật” trên chiếc cầu phao nhỏ hẹp, có những giây phút “thót tim”, chúng tôi mới đến được nơi này.

Ông Hoàng Văn Nhất, Trưởng thôn Đồng Phú cho biết, thôn có 194 hộ dân, với 894 nhân khẩu, người dân nơi đây sống chủ yếu nhờ làm nông nghiệp. Tuy nhiên, việc canh tác của người dân cũng hết sức bấp bênh, vì còn trông chờ vào thời tiết nên năng suất không cao. Hơn 85 % dân cư đều thuộc diện hộ nghèo.

Nói về những nỗi khổ trong việc đi lại của người dân địa phương, ông Nhất lắc đầu ngán ngẩm: “Trước đây, người dân thôn Đồng Phú muốn lên trung tâm xã phải đi đò. Thế nhưng, cảnh “đò giang cách trở”, lại không có cầu nên người dân gặp không ít trở ngại mỗi khi có việc cần phải sang bên kia sông, hoặc giao lưu, buôn bán hàng hóa với bên ngoài. Tội nhất là các em học sinh mỗi khi đi học phải dậy từ rất sớm rồi ra bến đợi đò. Nhiều lúc đò gặp bất trắc, hư hỏng thì các em  phải nghỉ học vì không còn con đường nào khác”. Niềm khát khao bao đời của người dân là có được cây cầu nối liền bờ sông để việc đi lại thuận tiện hơn.


Về mùa mưa lũ, các em học sinh này phải nghỉ học vì cầu bị ngập

Về mùa mưa lũ, các em học sinh này phải nghỉ học vì cầu bị ngập

Năm 2001, ông Nguyễn Hồng Khanh - một người dân địa phương đã đứng ra xây dựng cây cầu phao với kinh phí gần 100 triệu đồng. Mặt cầu được làm bằng ván, bên dưới là hệ thống phao nổi có thể tháo dỡ được khi gặp mưa lũ. Có thể nói, cây cầu đã giải quyết được một phần nhu cầu đi lại cho gần 1.000 người dân thôn Đồng Phú. Tuy nhiên, những khó khăn vẫn không hề giảm bớt bởi cầu được thiết kế quá hẹp chỉ đủ cho một lối đi, mặt khác do mặt cầu và lan can quá thấp nên chỉ một trận mưa nhỏ là bị ngập trong nước và người dân cũng phải đi đò mới qua được sông.

Việc đi lại của người dân không phải lúc nào cũng thuận tiện. Anh Phan Thanh Dũng nhớ lại: “Mới mùa lũ năm trước, do nước sông chảy xiết nên cây cầu bị cuốn trôi và bị hư hỏng nặng. Sau đó, được cấp trên hỗ trợ một phần kinh phí, ông Khanh đã cho sửa lại những phần hư hỏng. Do không đảm bảo an toàn nên chỉ cần sơ sẩy một chút là người dân có thể rơi xuống sông bất cứ lúc nào. Đã có rất nhiều trường hợp cả người lẫn xe bị rơi xuống sông, còn chuyện học sinh đi học bị ngã sông, uống nước thì xảy ra như cơm bữa”.

Lại nói đến chuyện đi đò, người dân và học sinh thôn này cũng phải phụ thuộc rất nhiều vào chủ đò vì chỉ những lúc đông người họ mới chở. Chính vì vậy, nhiều học sinh bị trễ học do không qua được sông để đến trường, rồi những khi người dân đau ốm cần ra viện điều trị, cần giải quyết việc gấp…nhưng không có phương tiện qua sông.

“Về mùa mưa, mỗi lần qua sông chủ đò thu mỗi người 5.000 đồng, cả đi lẫn về mất 10.000 đồng. Nhưng không phải khi nào chủ đò cũng trực suốt ngày đêm để mình cần việc là họ chạy thuyền qua chở. Người dân thôn Đồng Phú bây giờ chỉ mơ ước được nhà nước quan tâm đầu tư một cây cầu treo thay thế cho chiếc cầu phao nói trên để có thể thuận tiện đi lại về mùa mưa” – một người dân than thở.  

Làng “khát” bên bờ sông

Thôn Đồng Phú là địa bàn thuộc diện khó khăn nhất của xã Đồng Hóa, dân cư lại rất đông, trong khi đó diện tích đất sản xuất cứ ngày càng thu hẹp qua hàng năm vì dòng sông bị sạt lở nghiêm trọng. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do “cát tặc” hoạt động ngang nhiên không được kiểm soát. Về mùa mưa lũ, hàng chục héc ta đất sản xuất của người dân bị cuốn trôi tuột xuống sông gây thiệt hại nặng nề.

Dẫn chúng tôi đi khảo sát đời sống người dân, ông Nhất trăn trở: “Thật khó để diễn tả hết nỗi khổ của người dân thôn Đồng Phú, mặt sau thì bị núi bao bọc, đất đai cằn cỗi, mặt trước sông thì bị sạt lở đe dọa, đất đai ngày càng bị thu hẹp. Sản xuất nông nghiệp lại phụ thuộc vào thời tiết do hệ thống kênh mương thủy lợi không có. Mặc dù sống gần sông nhưng người dân trong thôn bị thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Thêm vào đó, đường sá đi lại hết sức khó khăn, về mùa mưa nước sông dâng cao là hầu như thôn này bị cô lập".

Về mùa mưa lũ, các em học sinh này phải nghỉ học vì cầu bị ngập

Nhiều người dân thôn Đồng Phú phải sử dụng nguồn nước khe, nơi trâu bò thường qua lại vì không có nước sạch

Nói đoạn ông Nhất dẫn chúng tôi đến đoạn khe gần khu dân cư và cho biết đó là nguồn nước được bà con sử dụng để sinh hoạt trong mùa hạn hán như thế này. Thật không tin nổi, khe nước này thường có rất nhiều trâu, bò ngụp lặn nhưng cũng là nguồn nước duy nhất để người dân sử dụng vì giếng bị cạn khô và bị nhiễm sắt không thể dùng được.

Chị Mai Thị Thê cho biết, do giếng bị cạn từ lâu nên phải ra đây gánh nước về uống và nấu ăn. Dù biết nguồn nước này là nơi trâu, bò tắm nhưng không dùng thì không có nguồn nước nào khác. Đã không ít lần người dân nơi đây gọi  thợ về khoan giếng mong tìm thấy nguồn nước nhưng không hiệu quả. Nhiều hộ dân trong thôn như: Mai Thị Thanh, Hoàng Văn Hòa, Nguyễn Xuân Trung…cũng đều sử dụng nguồn nước khe.

Dù mới học lớp 1 nhưng hai cháu Mai Thị Phương và Mai Thị Hiền đã biết giúp mẹ đi lấy nước khe về sinh hoạt. Cháu Phương nói: Mỗi ngày hai chị em cháu phải ra khe gánh nước về dùng bởi giếng nhà cháu đã bị khô.

Mỗi ngày hai chị em Phương phải thay mẹ ra khe lấy nước về sinh hoạt

Mỗi ngày hai chị em Phương phải thay mẹ ra khe lấy nước về sinh hoạt

“Không riêng gì những hộ nói trên mà hàng chục người dân thôn 1, thôn 2 Đồng Phú đều sống trong cảnh thiếu nước sinh hoạt. Trên núi có một hồ nước nhưng cách khu dân cư gần 3 km nên cũng không ai đến lấy. Nếu được cấp trên quan tâm đầu từ xây dựng hệ thống dẫn nước tự chảy thì người dân nơi đây sẽ bớt khổ hơn” – ông Nhất nói.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Trần Xuân Bình, Bí thư Đảng ủy xã Đồng Hóa cho biết, thôn Đồng Phú là địa bàn khó khăn nhất của xã Đồng Hóa; địa hình cách trở bởi sông Gianh nên về mùa mưa, lũ là nơi này bị cô lập hoàn toàn. Chính vì vậy, việc đi lại của người dân gặp rất nhiều trở ngại. Mặc dù đã có cầu phao bắc qua sông nhưng hễ mưa đến là bị chìm, người dân buộc phải đi đò mới qua được sông, các em học sinh cũng không thể đến trường. Đây là địa bàn tập trung đông dân cư nhưng đất đai lại bị thu hẹp nên đời sống của người dân cũng gặp nhiều khó khăn. Về mùa khô người dân bị thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.

“Việc xây dựng cầu treo và hệ thống nước sạch cho người dân thôn Đồng Phú là vấn đề cấp bách và rất cần thiết. Chính quyền cũng đã nhiều lần đề nghị cấp trên quan tâm giải quyết. Tuy nhiên, do nguồn ngân sách còn hạn chế nên vẫn chưa thể triển khai”- ông Bình nói.

Đăng Đức