1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan:

“Nơi nào Đảng và dân cần là tôi có mặt”

(Dân trí) - Được xem là một trong những nhà ngoại giao xuất sắc của đất nước, từng trải qua nhiều trọng trách, ông Vũ Khoan - từ người gần gũi Bác Hồ, Tổng Bí thư Lê Duẩn - lên đảm trách vị trí Phó Thủ tướng phụ trách ngoại giao, thương mại. Trước ngưỡng cửa mùa xuân này, ông được nhận danh hiệu người đàn ông thành đạt nhất trong năm do các cơ quan thông tấn Việt Nam trao tặng.

Sau thành công của APEC 2006 và sự kiện Việt Nam gia nhập WTO, tên tuổi nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan càng được nhắc đến nhiều hơn như một mắt xích của nghệ thuật ngoại giao mà Đảng và Bác Hồ đã hết sức xem trọng. Ông ngồi trò chuyện cùng tôi, thanh thản như một vị tướng già về hưu, nhưng vẫn giữ phong thái của một chiến sĩ ngoại giao luôn sẵn sàng chiến đấu.

 

Xin ông cho biết cảm xúc đầu năm mới, sau một năm gian khó và thành công ở trong và ngoài nước của ngoại giao Việt Nam?

 

Thực sự tuyệt vời và nằm ngoài sự chờ đợi. Đến giờ tôi vẫn chưa quên những đánh giá của bè bạn sau khi kết thúc diễn đàn APEC 2006. Họ nói không ngờ Việt Nam giỏi đến thế, tốt đẹp và thiện chí đến thế, lại có thể trở nên xuất sắc trong vai trò điều hành một hoạt động có tầm cỡ... Đặc biệt, bạn bè không khỏi bất ngờ vì không khí thanh bình, về những nụ cười thân thiện và mến khách của người dân Việt Nam mà theo tôi thì chính điều này là nguyên nhân rất cơ bản cho thành công của chúng ta. Rõ ràng, đây là một thành công được chờ đợi và được hun đúc nhiều năm qua, bằng thái độ và những bước đi đúng đắn của chúng ta. 

 

Việt Nam đã là thành viên WTO, câu mở đầu dành cho hiện tượng này của ông là gì, thưa ông?

 

Là thế này: Vào WTO chỉ như mới ngồi lên xe, còn xe chạy thế nào, hãy chờ đấy!

 

Vui thì vui rồi, nhưng cái lo cũng không ít. Theo ông, đó là những vấn đề gì?

 

Lo nhiều thứ lắm, tựu trung có 3 vấn đề cốt tử. Một là chuyện cải cách hành chính, phải nhanh chóng làm cho tốt mà không thể trì trệ như hiện nay. Ai đời một đơn vị cấp huyện cũng có thể làm khó cho cả một doanh nghiệp quốc tế có tiềm lực lớn khi người ta đến với mình!

 

Hai là kết cấu hạ tầng của chúng ta kém quá. Điều này đã nói mãi nhưng giải pháp để thay đổi còn chậm. Ba là đến bây giờ  thì cái gọi là  thế mạnh nhân công rẻ của chúng ta không còn nữa rồi, lương mới, giá cả leo thang và trình độ là non kém. Chừng ấy khiến chúng ta thêm lo về sự xuống cấp của bài toán nhân lực ở Việt Nam và vì thế, phải nghiến răng lại mà làm thôi.

 

Hãy chấm dứt cách nói theo cái kiểu “cơ hội và thách thức” đi, thay vào đó là những việc làm cụ thể. Hãy hiểu rằng chúng ta còn thiếu nhiều thứ lắm, tiềm lực chưa có bao nhiêu, kinh nghiệm kinh tế cũng chưa hơn ai và vì thế, ta phải đi từ đầu.

 

Việc làm cụ thể nào là cụ thể nhất với chúng ta bây giờ, thưa ông?

 

Cần hiểu rằng cơ hội tốt không phải là lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam, vấn đề là mình có nắm được nó không mà thôi. Chẳng hạn vụ quota hàng dệt may vào năm trước đấy, các doanh nghiệp của chúng ta cần để ý nhiều vấn đề lắm. Phải có sự quan tâm đầy đủ đến thị trường, nghĩ đến đầu ra của mặt hàng ấy trên thế giới. Có lẽ vì thế mà trước đây hay có chuyện làm sai, làm cái mà người ta không cần.

 

Các doanh nghiệp ở ta còn phải biết liên kết để làm ăn, đã nhỏ mà lại cứ “đơn thương độc mã” thì làm sao đi theo kịp người ta! Tuy nhiên, cũng có một số ít trường hợp đã làm tốt, chẳng hạn các hiệp hội Tôm, Dệt may hay Hạt điều, dù số này là không nhiều. Và các doanh nghiệp còn phải cố gắng đi vào cam kết cụ thể để làm ăn.

 

Những doanh nghiệp vừa và nhỏ tuy ít vốn nhưng lại có lợi thế so với doanh nghiệp lớn là thích ứng nhanh và dễ “lách”. Trước đây, nhóm này thường bị o ép, bị kỳ thị, bị làm khó về thông tin và về vốn. Bây giờ vào WTO rồi, nhà nước sẽ phải cung cấp thông tin và huấn luyện cho người ta về những khái niệm của xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch...  

 

Ông sẽ nói gì với các doanh nghiệp nước ngoài?

 

Nói rằng cánh cửa đã rộng mở, vào đi các bạn!

 

Và ông mong đợi gì ở điều này?

 

Đó là sự bùng nổ đầu tư vào Việt Nam.

 

Thưa Phó Thủ tướng, cứ xin được gọi như thế, trong cuộc đời mà ngót 4 thập kỷ ông là chiến sĩ trên mặt trận ngoại giao, trải bao vất vả với những buồn vui của nghề, ở vào thời điểm hiện tại, khi đất nước như cánh chim đã bắt đầu cất cánh cùng bè bạn, ông có thể kể lại một kỷ niệm, một chiến công nào mà ông cho là có nhiều ý nghĩa của cuộc đời mình?

 

Thật khó nói, vì có những cái chẳng thể nói ra vì lý do riêng, có cái khó mà so sánh, bởi việc làm gì, sự gian nan nào mà chẳng có mục tiêu vì dân vì nước. Tuy thế, tôi thật khó quên những “chiến dịch” mà mình đã tham dự, những cuộc chiến đấu thực sự để lại nhiều kỷ niệm khó quên.

 

Tức là giờ phút thái lai nghĩ lại ngày bĩ cực?

 

Có thể là vậy. Mốc quan trọng đầu tiên của tôi trong mặt trận ngoại giao là khi được bổ nhiệm là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, đúng vào lúc Việt Nam bị ép 2 vấn đề: rút 180.000 tình nguyện quân tại Campuchia; phải nhận lại về nước những người di tản. Tôi được giao vụ di tản, vô cùng phức tạp về giải pháp, rất may mà xong xuôi.

 

Mốc quan trọng thứ hai là khi Liên Xô (cũ) sụp đổ, chúng ta mất viện trợ. Từ đó xuất hiện khả năng giải quyết vấn đề với Nhật Bản. Thế là tôi được tham dự chuyến đi cùng Phó Thủ tướng Phan Văn Khải, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Đỗ Quốc Sam... đến Paris, cuối cùng cũng vay được hơn 400 triệu USD.

 

Sau đó, khi cuộc chiến tranh ở vùng Vịnh diễn ra, tôi được phân công lo vụ hồi cư 170.000 lao động Việt Nam tại Iraq, sau khi thành công tôi mất ngủ đến gần tháng trời. Rồi đến việc đi Nhật, tham gia xử lý món nợ cũ với Nhật Bản của chính quyền Sài Gòn. Bây giờ là “chiến dịch” mang tên WTO và APEC. Thật khó mà nói được việc gì là hoàn hảo nhất, chỉ biết đó là nơi Đảng và nhân dân cần đến và tôi đã có mặt, thế thôi.

 

Người chiến sĩ trên mặt trận ngoại giao không coi tài ba là chìa khoá chủ yếu của sự thành công, mà là khả năng chớp thời cơ và lợi ích khi xuất hiện bối cảnh quốc tế. Vì thế, ngoại giao trước sau vẫn là nghệ thuật nắm bắt những khả năng mà thôi.

 

Có khi nào ông nghĩ mình cũng từng làm những công việc như Trương Nghi, Tô Tần khi xưa? Vậy thì đích đến cuối cùng của công tác ngoại giao là gì, thưa ông?

 

Từ xưa cho đến nay, ngoại giao bao giờ cũng nhằm vào 3 mục tiêu: an ninh, phát triển và vị thế. Ba mục tiêu này, tựu trung cũng đem về sự yên bình thịnh vượng cho đất nước và vì thế, dù có khấp khểnh, các cán bộ ngành ngoại giao chúng tôi cũng là những Trương Nghi, Tô Tần của thời kỳ mới.

 

Vậy điều gì cần thiết nhất cho chúng ta vào lúc này, thưa ông?

 

Tôi từng ví việc bước vào WTO như người vừa ngồi lên xe, vấn đề là anh ta sẽ làm gì cho cỗ xe ấy chạy đúng hướng và nhanh đến đích. Vậy thì, cái cần nhất phải là kiến thức, chỉ có thế mới giúp chúng ta đến đích.

 

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

 

Nguyễn Lưu (thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm