(Dân trí) - Gắn bó với mảnh đất Sài Gòn mấy chục năm qua, dù cuộc sống vẫn còn nhiều vất vả, khi đi phụ quán, lúc giúp việc nhà, nhưng bà Sen bảo công việc đó đem lại thu nhập để gửi về quê nuôi các con khôn lớn.
Nỗi lòng người "dứt áo" rời Sài Gòn khi thành phố "đổ bệnh"
(Dân trí) - Gắn bó với mảnh đất Sài Gòn mấy chục năm qua, dù cuộc sống vẫn còn nhiều vất vả, khi đi phụ quán, lúc giúp việc nhà, nhưng bà Sen bảo công việc đó đem lại thu nhập để gửi về quê nuôi các con khôn lớn. Hôm nay, khi phải chia tay miền đất đang "đổ bệnh", bà không khỏi chạnh lòng.
10h ngày 26/7, hơn 200 người con xứ Huế mang theo hành lý đến sân bay Tân Sơn Nhất làm thủ tục chuẩn bị về quê.
Đây là chuyến bay nghĩa tình được tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp cùng Hội đồng hương Huế tại TPHCM thực hiện, với sự tài trợ của một hãng hàng không.
Bà bị "mắc kẹt"...
Sau khi có kết quả test nhanh Covid-19, bà Đào Thị Cháu lom khom xách theo mấy túi hành lý đi vào bên trong nhà chờ để ngồi nghỉ.
Bà ở Sài Gòn tính đến nay đã hơn 2 năm. Ban đầu, bà vào để trông cháu cho vợ chồng con gái đi làm. Chăm cháu được một thời gian thì dịch bệnh bắt đầu bùng phát.
Thời gian trước, tuy có dịch nhưng con bà vẫn đi làm được. Bà cứ nấn ná ở lại. Nhưng hơn 2 tháng qua, gia đình nhỏ ngày một khó khăn khi cô con gái mất việc, nhà máy đóng cửa cho công nhân nghỉ làm. Con rể chạy xe ôm công nghệ gần đây cũng trong cảnh tương tự vì giãn cách.
Lúc này, bà Cháu muốn về quê để giảm bớt gánh nặng cho con thì Sài Gòn lại giãn cách xã hội. Bà bị "mắc kẹt"...
Giờ đây, khi nhắc đến việc sắp được về quê, bà bảo mừng đến rơi nước mắt. Ở cái tuổi 80, bà lão nghĩ bản thân đã đi đến giai đoạn gần đất xa trời, chẳng biết còn sống được bao lâu. Vậy nên khi bị kẹt lại Sài Gòn vì giãn cách xã hội, bà chỉ ước ao được trở về với quê cha đất tổ, được ở cạnh con cháu, người thân và hàng xóm.
Gần đó, ông Hồ Ngọc Trợ cũng ngồi lẻ loi một mình, lặng lẽ sắp xếp lại mấy túi đồ bên cạnh, ngả lưng nghỉ ngơi sau hàng giờ đồng hồ đứng chờ làm thủ tục.
Ông cụ 71 tuổi vẫn nhớ ngày vào Sài Gòn thăm con cháu, hôm 10/5. Mới vào không được bao lâu, dịch bệnh bùng phát, thành phố giãn cách. Ông cũng bị "mắc kẹt" đến tận ngày hôm nay.
Theo chia sẻ, ngoài người con đang sinh sống tại quận 7, ở quê ông còn mẹ già, còn vợ, 2 người con trai, mấy đứa cháu nội đang lo lắng cho ông mỗi ngày. Vậy nên khi hay tin được về quê, ông mừng đến rơi nước mắt.
"Được Nhà nước cho chủ trương và có người tốt hỗ trợ về tôi biết ơn và mừng lắm. Mấy tháng nay ở Sài Gòn nhớ quê, nhớ nhà nhiều. Mấy đứa cháu nội ở nhà cứ gọi vô hỏi ông về chưa, ông ơi về với con... nghe mà xót. Nghe tin được về, tôi nôn nao, vui không ngủ được" - ông Trợ xúc động.
"Dứt áo" rời Sài Gòn
Giữa hàng dài những người chờ đợi, chị Kiều Mỹ (25 tuổi) khó khăn, chật vật với đống hành lý của mình. Người phụ nữ với bụng bầu đã vượt mặt, một tay gắng xách 2 balo, tay kia giữ chặt con trai mình.
Chị là công nhân từng làm việc ở một xưởng may, chồng cũng vậy. Cả hai gắn bó với mảnh đất Sài Gòn hơn chục năm trời, chưa bao giờ chị nghĩ đến cảnh vợ chồng phải rời nơi đây trong tình cảnh khó khăn như vậy.
Theo lời kể của chị Mỹ, từ ngày bắt đầu giãn cách, vợ chồng lâm vào cảnh thất nghiệp, mất hết thu nhập. Không tiền, không được ra ngoài, cả nhà sống lay lắt từng ngày trong căn phòng trọ nhỏ giữa lòng Sài Gòn. Nhờ sự giúp đỡ của phường và những mạnh thường quân mà gia đình chị vẫn có cơm rau, mì gói để no bụng.
"Nghe tin được về quê, em với chồng mừng dữ lắm! Vợ chồng em còn trẻ, chịu cực khổ không sao, ăn gì cũng được, miễn sao khỏe mạnh, sống sót qua dịch. Nhưng mà nhìn con tội quá, nhất là đứa trong bụng. Em ăn mì gói suốt sợ nó chịu không nổi. Rồi sau đến sanh đẻ cũng không biết làm sao" - chị Mỹ nghẹn ngào chia sẻ.
Cái thai trong bụng chị Mỹ đến nay đã hơn 5 tháng. Chẳng biết đến khi nào dịch bệnh mới qua đi nên mấy tháng qua, vợ chồng chị cứ thấp thỏm, lo sợ mãi.
Để lại chồng một mình giữa vùng dịch, chị bảo đau lòng... nhưng vì con phải "dứt áo" rời Sài Gòn.
Bé Gia Bảo, 5 tuổi (con trai chị Mỹ) mồ hôi chảy ướt đẫm trán nhưng ngoan ngoãn đi theo mẹ. Thân hình nhỏ bé cứ lon ton chạy theo phụ bê đồ, đứng xếp hàng chờ tới lượt... nên nhiều người xung quanh nhìn khen ngợi.
Chốc chốc, sốt ruột khi thấy con trai mệt vì nóng, chị Mỹ lại dắt tay bé ra khỏi hàng. Cẩn thận nhìn ngó xung quanh, khi không có người đứng gần, chị kéo nhẹ chiếc khẩu trang che đi khuôn mặt nhỏ nhắn của con, rồi đút cho chút nước.
Chạnh lòng khi phải rời xa
Loay hoay mãi mới hoàn tất các loại thủ tục, khai báo, bà Sen (67 tuổi) thở phào nhẹ nhõm, xách hành lý tiến vào trong khu vực kiểm tra an ninh. Trước khi đi, bà quyến luyến ngoái lại nhìn một lượt khắp xung quanh sân bay, như nói lời tạm biệt với Sài Gòn.
Bà đã gắn bó với nơi này mấy chục năm qua, dù rằng cuộc sống vẫn còn nhiều vất vả. Khi phải đi phụ quán, lúc giúp việc nhà, nhưng bà bảo những công việc đó đem lại thu nhập để bà gửi về quê nuôi con khôn lớn.
Vậy nên, khi chia tay miền đất đang "đổ bệnh", bà Sen không khỏi chạnh lòng.
Được về quê lúc Sài Gòn đang căng thẳng, bà Sen bảo vừa mừng mà vừa lo. Mừng bởi sẽ được về nơi an toàn hơn, được ở bên con cháu, nhưng bà lo cho cô con gái đang là sinh viên năm cuối vẫn còn kẹt lại đây.
"Nhờ hỗ trợ mà tôi và con mới có đồ ăn sống qua ngày. Chuyến này hỗ trợ cho người già với phụ nữ có thai, trẻ em nên con gái tôi chưa về được. Tôi muốn ở lại với con mà nghĩ mình già yếu, sợ ở lại có gì lại thành gánh nặng cho con... nên về cho nó yên lòng", bà Sen chia sẻ.
Anh Trần Thuận Hóa - Đại diện Hội đồng hương Huế tại TPHCM cho biết, trong suốt quá trình làm thủ tục, ngay từ điểm đón cho đến khu vực xét nghiệm, bà con đều được giữ khoảng cách an toàn và thực hiện đúng theo quy định 5K.
13h ngày 26/7, chuyến bay nghĩa tình cất cánh, đưa 240 người con xứ Huế rời Sài Gòn, trở về quê hương.
Chiều 26/7, tỉnh Thừa Thiên Huế đón 239 công dân từ TPHCM trở về tại sân bay Quốc tế Phú Bài.
Các công dân ngay khi xuống máy bay đã được phun khử khuẩn, xét nghiệm và sau đó được đưa về khu cách ly tập trung.
Nhằm hỗ trợ công dân Thừa Thiên Huế đang làm ăn, sinh sống và học tập tại TPHCM gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 có nhu cầu trở về địa phương, đồng thời góp phần chia sẻ khó khăn trong công tác phòng chống dịch của TPHCM, Thừa Thiên Huế đã xây dựng kế hoạch cụ thể, chuẩn bị các phương án, cơ sở vật chất để sẵn sàng đón công dân trở về.
Đến thời điểm này có hơn 10.000 người đăng ký trở về. Chuyến bay hôm qua là những công dân đầu tiên, ưu tiên người già, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai, người khó khăn, yếu thế...
Tỉnh Thừa Thiên Huế đang lập kế hoạch đón công dân về đợt II (dự kiến từ 27/7 đến 30/7) bằng tàu lửa hoặc máy bay.
Đại Dương