1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Thanh Hóa:

Nỗi lòng đôi tàu cá lớn nhất miền Bắc phải nằm bờ

(Dân trí) - Với mong muốn đóng tàu công suất lớn để vươn khơi đánh bắt xa bờ, nhưng nhiều tháng nay, đôi tàu cá được cho là lớn nhất miền Bắc phải nằm bờ vì chủ tàu gặp nhiều khó khăn không thể ra khơi.

Những ngày đầu khi đôi tàu kỷ lục của ngư dân Phạm Gia Đông (khu phố Toàn Thắng, phường Quảng Tiến, TX Sầm Sơn) hạ thủy, nó là niềm mơ ước và kỳ vọng của biết bao ngư dân. Niềm mơ ước đóng tàu lớn, hiện đại sau bao nhiêu năm gắn bó với nghề biển đã được anh Đông hiện thực hóa.

Đôi tàu cá của anh Phạm Gia Đông đang neo đậu tại cảng Hới, phường Quảng Tiến, TX Sầm Sơn
Đôi tàu cá của anh Phạm Gia Đông đang neo đậu tại cảng Hới, phường Quảng Tiến, TX Sầm Sơn

Đầu năm 2012, anh Đông đã vay mượn anh em, bạn bè và quyết tâm dồn lực vào đóng đôi tàu có công suất gần 2.000 CV. Mỗi con tàu có chiều dài 28m, rộng 6,5m, độ dãn nước 3,1m, trọng tải của mỗi tàu lên đến hàng trăm tấn hàng. Tàu có thể hoạt động ở thời tiết gió cấp 8 cấp 9 chủ động cho ngư dân đánh bắt dài ngày trên biển. Tổng số tiền anh Đông đã đầu tư cho đôi tàu là 10,3 tỷ đồng, trong đó anh phải vay 1,5 tỷ đồng.

Theo đánh giá của chủ tàu và ngư dân địa phương, thì đây được xem là đôi tàu đánh cá lớn nhất miền Bắc. Toàn bộ trang thiết bị trên tàu là công nghệ của Mỹ.

Đôi tàu được đóng với công nghệ, tiện nghi nghề cá hiện đại
Đôi tàu được đóng với công nghệ, tiện nghi nghề cá hiện đại

Mỗi con tàu có công suất bằng 900 sức ngựa, chạy được 11 hải lý/h, cả hai con tàu được đóng mới hoàn toàn. Tháng 10/2012, anh Đông cùng đồng nghiệp đã cho hạ thủy đôi tàu. Niềm vui khi đóng được đôi tàu như mong ước, anh Đông đã cùng anh em tự tin vươn khơi đánh bắt.

Tháng 11/2012, đôi tàu ra khơi chuyến đầu tiên, đánh bắt ở vùng biển Quảng Ninh. Chuyến đi đầu tiên của anh đã không được như mong muốn, sản lượng thu về không bù được chi phí. Dường như niềm vui vẫn chưa đến được với chủ nhân của đôi tàu “khủng nhất” miền Bắc này.

Theo anh Đông, từ khi hạ thủy đến nửa năm 2013, anh cùng một số anh em bạn bè đi đánh cá bị âm khoảng 1 tỷ tiền dầu. Đến tháng 2/2014, nghe thông tin xuất hiện luồng cá chặng chặng, nên anh đã cho tàu xuất hành. Tuy nhiên, chuyến đi này sau đó cũng chỉ vừa đủ tiền dầu.

Đôi tàu cá được nhận định lớn nhất khu vực phía Bắc
Đôi tàu cá được nhận định lớn nhất khu vực phía Bắc

Theo anh Đông, muốn vươn khơi phải vào mùa tháng 6 này khi có luồng cá nục xuất hiện, cá áp vào bờ. Còn không những đôi tàu có công suất nhỏ hơn với ít lao động tham gia thì hiệu quả kinh tế lại cao hơn. Riêng đối với đôi tàu của anh đi đánh bắt ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thoải mái.

“Chúng tôi ham nghề biển, sống ở biển phải có tàu đi làm nuôi cuộc sống. Tôi đi biển từ năm 18 tuổi. Từ nghề vó của Hợp tác xã chuyển sang đi vận tải, rồi sau đó lại quay lại nghề cá. Năm 2011, thấy sản lượng đánh bắt rất đạt, tôi tính toán và về bàn bạc với anh em, bạn bè và quyết định đóng tàu”, anh Đông cho biết.

Tàu của anh lắp 4 máy nên so vơi những tàu khác chi phí đắt hơn. Từ ngày tàu nằm bờ, ngoài số tiền vay ngân hàng không có tiền trả lãi, anh Đông còn phải thuê người trông coi tàu. “Đóng tàu là để đi làm ăn, giờ mình tôi không thể xoay xở được nên phải bán. Tôi đã lên tiếng bán từ đầu năm”.

Anh Phạm Gia Đông chia sẻ với PV về nguyên nhân đôi tàu phải nằm bờ
Anh Phạm Gia Đông chia sẻ về nguyên nhân đôi tàu phải nằm bờ

Ngước mắt nhìn ra chỗ những chiếc tàu đang neo đậu, anh Đông làm một phép so sánh đơn giản, trung bình một chiếc tàu của ngư dân có công suất khoảng 350CV đến 400 CV, nhân công lao động ít, chi phí dầu máy và mọi vật dụng cần thiết cho chuyến đi ít, trong khi đó sản lượng đánh bắt như nhau nên khi các tàu nhỏ cập bến trừ mọi chi phí họ cũng có lãi hơn rất nhiều.

Theo anh Đông, mỗi chuyến đi tàu của anh cần khoảng 25 lao động. Nhưng từ đầu năm đến nay, không có người tham gia cùng nên anh Đông không thể một mình ra khơi. Đấy cũng là nguyên nhân khiến đôi tàu của anh phải nằm bờ.

Riêng năm 2013, anh Đông phải tra lãi ngân hàng lên tới hơn 200 triệu đồng. “Từ tháng 6/2013 đến nay tôi không có tiền trả lãi ngân hàng nữa, chỉ mong sao nhà nước giảm lãi suất cho vay là mừng lắm rồi”, anh Đông chia sẻ.

Duy Tuyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm