1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM "khát" cây xanh
  4. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai

TPHCM:

Nỗi lòng bên hông lô cốt

(Dân trí) - Dù không còn là chuyện mới, song nỗi khổ của những người dân thành phố phải sống bên những “ông thần lô cốt” những năm qua chưa bao giờ là chuyện cũ…

Lấp xuống rồi lại đào lên

 

Tuyến Hai Bà Trưng – Phan Đình Phùng – Nguyễn Kiệm – Nguyễn Oanh là tuyến đường trục dẫn từ trung tâm đến các quận huyện phía Bắc của TPHCM. Thế nhưng, suốt 2 năm nay, giao thông trên trục đường này trở nên xấu đi bởi công trình thi công đào đường lắp cống của dự án vệ sinh môi trường TP.

 

Nỗi lòng bên hông lô cốt - 1

Hàng loạt cửa hàng phải đóng cửa vì lô cốt

 

Nhất là trên đường Phan Đình Phùng và Nguyễn Kiệm, việc lô cốt ngăn đường kéo dài khiến tình trạng giao thông trên hai con đường này trở nên tồi tệ, việc kinh doanh của người dân hai bên đường trở nên khó khăn hơn. Đặc biệt, đường Phan Đình Phùng vốn là đường hai chiều, nhưng để phục vụ thi công, Sở Giao thông Vận tải phải phân luồng lại thành đường 1 chiều càng gây khó khăn hơn cho việc buôn bán của người dân.

 

Cách đây mấy tháng, công tác thi công cũng hoàn tất, các hố đào được lấp đi, lô cốt trên đường Phan Đình Phùng được dẹp bỏ, trả lại con đường thông thoáng, các chủ cửa hàng trên đường thờ phào nhẹ nhõm, nhiều cửa hàng tính chuyện trang trí lại mặt tiền cửa hàng để bắt đầu một giai đoạn kinh doanh mới…

 

Nỗi lòng bên hông lô cốt - 2
Hàng loạt lô cốt đột nhiên mọc trở lại trên đường Phan Đình Phùng

 

Thế nhưng, đến cuối tháng 8, đột nhiên nhiều lô cốt lại lần lượt mọc lên, nhiều vị trí trên đường Phan Đình Phùng bị đào lên lại… Lần này, lô cốt không nằm giữa đường nữa mà lấn sát vỉa hè, nhiều vị trí đào lan lên cả vỉa hè, áp sát mặt cửa hàng khiến nhiều chủ cửa hàng chỉ còn biết buông tay thở dài.

 

Bác Dinh, chủ nhà 109 Phan Đình Phùng kinh doanh buôn bán, cho thuê băng đĩa than: “Vậy thì còn làm ăn gì được nữa! Tưởng nó dẹp rồi, ai ngờ chẳng được bao lâu lại mọc lên…”. Anh nhân viên đứng bên chắc lưỡi than: “Nó là ông thần rồi, sao dẹp nổi?!”

 

Nỗi lòng bên hông lô cốt - 3
Lô cốt trước nhà số 109 - 111

 

Khốn khổ vì… nằm bên “ông thần”

 

Bác Dinh phân trần: “Cái lô cốt này mới mọc lên trước nhà tôi được chừng 1 tuần nay là khách vào giảm hẳn 30% – 40%. Đó là “nhờ” nó mới chắn có nửa mặt tiền nhà, nếu mai mốt mà dời sang bên một tí, chắn hết cửa nhà, chẳng còn đường nào cho khách vào thì coi như ảnh hưởng 100%”.

 

Bên cạnh nhà bác Dinh, đại lý vé số 106 (nhà số 111) đành đóng cửa vì lô cốt chắn hết mặt tiền cửa hàng, chủ cửa hàng phải nhờ vỉa hè nhà bên cạnh đặt một bàn bán vé số để trang trải cuộc sống hàng ngày và giữ các mối quen.

 

Nỗi lòng bên hông lô cốt - 4
Đất đổ tràn bên ngoài lô cốt, cửa hàng tại nhà số 111 phải đóng cửa nghỉ kinh doanh

 

Tại trung tâm bảo hành của công ty Bạch Đằng gần chân cầu Kiệu cũng xuất hiện một lô cốt lớn. Chú Nguyễn Quang Bảo, bảo vệ công ty cho biết: “Từ ngày có cái lô cốt này thì khách giảm hẳn, xe ra vào cũng rất khó khăn”.

 

Bên cạnh đó, showroom của cửa hàng trang trí nội thất đành đóng cửa kinh doanh vì trọn mặt tiền của cửa hàng đã bị lô cốt chắn mất, mép hố công trình áp sát thềm cửa hàng, thậm chí không còn chổ để đặt rào chắn ngăn cách cho an toàn, cũng chẳng có biển giới thiệu công trình theo quy định...

 

Nỗi lòng bên hông lô cốt - 5
Hố công trình nằm sát mép cửa hàng mà không có rào chắn, showroom này phải đóng cửa

 

Tại lô cốt trước dãy nhà 198 – 200 – 202, chị Nguyễn Thị Phương Lan, chủ cửa hàng bán nón bảo hiểm tại số nhà 198 cho biết: “Từ lúc cái lô cốt này mọc lại chẳng có khách nào vào cửa hàng nhà tôi nữa. Mấy anh công nhân rào cũng ẩu, để hở mấy khe lớn. Hồi sáng (ngày 3/9) có ông lão mù đi trên vỉa hè chọt hụt cây gậy vào khe rớt xuống hố, may mà ông chỉ bị ngã nhẹ. Tôi sợ quá phải dùng ván chắn lại”.

 

 

Nỗi lòng bên hông lô cốt - 6
Cửa hàng nhà số 200 phải đóng cửa, rao cho thuê mãi mà không có khách thuê

 

Bác Dinh ở nhà 109 cũng than: “Mấy hôm nay lễ nên họ dọn dẹp sạch sẽ ấy chứ. Mấy hôm trước nữa họ đổ đất đá thi công đầy đường, chắn hết cả lối vào nhà tôi. Tôi phải tự mình xúc đất đổ sang bên, lấy lối vào nhà”.

 

Ông Trần Quang Phượng, Giám đốc Sở GTVT TPHCM trong các kỳ họp HĐND TP thường nhắc đi nhắc lại một câu: “Người dân phải thông cảm cho ngành giao thông. Muốn hết ngập thì phải chịu kẹt một thời gian”. Người dân cũng hết sức thông cảm, cũng đồng lòng chịu khổ cùng TP; nhưng khổ cũng vừa vừa thôi, TP đừng đổ hết cho người dân…

 

Tùng Nguyên