1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Nỗi kinh hoàng trên đường Láng - Hòa Lạc

Trời mưa, đường phủ bùn; trời nắng đường phủ bụi. Đường Láng - Hòa Lạc đang trở thành nỗi kinh hoàng cho các phương tiện tham gia giao thông.

Đường cao tốc thành đường đất

 

9h ngày 5/8, trời bắt đầu đổ mưa. Đường Láng - Hòa Lạc (đi qua địa phận Hà Nội và Hà Tây) cũng bắt đầu chuyển màu. Lớp đất dính sát mặt đường đã thành màu sẫm, mặt đường nhớp nháp.

 

Đoạn đường giáp ranh giữa xã Tây Mỗ (Hà Nội) và An Khánh (Hà Tây) là chặng thử tay lái thứ nhất. Mặt đường láng một lớp bùn trơn như mỡ. Nhiều xe máy loạng choạng và nguy cơ tai nạn rất lớn.

 

Tuy nhiên, đoạn đường từ trạm thu phí đến Hòa Lạc mới thực sự là nỗi kinh hoàng cho người điều khiển phương tiện. Trong lúc người điều khiển xe ôtô con, xe máy đang phải căng thẳng để cho xe khỏi xoài ra đường thì hàng chục chiếc xe tải hạng nặng chở đất nối đuôi nhau phóng với tốc độ 70-80 km/h. Cuốn theo những chiếc xe này là những cơn lốc bùn quất vào mặt người đi đường.

 

Tại đoạn đường đi qua xã Ngọc Liệp, hai chiếc ôtô con do tránh xe tải và đường trơn đã đâm nhẹ vào nhau.

 

Anh Nguyễn Công (Ba Vì), một nạn nhân suýt bị cuốn theo những chiếc xe “hung thần” kể lại: “Chiếc xe tải như con trâu điên ào ào lao qua từ phía sau, chiếc áo mưa của tôi bị cuốn tung, tay lái loạng choạng, may không bị quật xuống đường”.

 

Tuy nhiên, từ đầu đến chân anh Công đã bị táp kín bùn. Hàng trăm người điều khiển xe máy đã trở thành nạn nhân của con đường bẩn và những chiếc xe “hung thần” như anh Công. 

 

Ông Chu Mai Hùng, Trưởng Ban thanh tra đường bộ 1 cho biết, chính những chiếc xe tải chở đất xây dựng đường Láng - Hòa Lạc và một số điểm công nghiệp trên địa bàn Hà Nội, Hà Tây gây bẩn con đường.

 

Đặc biệt, một tháng nay, hoạt động của những xe này đã đến mức báo động. Trời mưa, đường phủ bùn; trời nắng đường phủ bụi. Đường Láng - Hòa Lạc đang trở thành nỗi kinh hoàng cho các phương tiện tham gia giao thông.

 

Xử lý: Đùn đẩy trách nhiệm!

 

Mặc dù trong giấy phép thi công và dự toán kinh phí đã  tính đến việc đảm bảo giao thông, vệ sinh đường, song dường như các nhà thầu chỉ thực hiện việc này một cách lấy lệ.

 

Ông Hùng cho biết, trên toàn tuyến đường Láng Hoà Lạc có 18 nhà thầu, mỗi nhà thầu có  một điểm mở nối ra đường. Tuy nhiên, việc đặt biển báo, chỉ huy giao thông tại các điểm này thiếu. Nguy hiểm hơn, hàng trăm chiếc xe tải của các nhà thầu chở đất đã đua nhau vãi đất ra đường.

 

Đường Láng - Hoà Lạc như đường công vụ nội bộ của dự án nào đó chứ không còn là đường cao tốc nữa! “Chúng tôi đã họp nhiều lần với chủ đầu tư, nhà thầu, nhưng sau 24h thì đâu lại vào đó. Hết cách mất rồi!” - Ông Ngô Bằng Đỗ, Phó Giám đốc Công ty 248 (đơn vị quản lý con đường) thất vọng nói. Còn ông Hùng cho biết, thanh tra giao thông (TTGT) không được phép giữ xe khi xe đang chạy, nên cũng khó xử lý.

 

Theo ông Hùng, TTGT đã đến làm việc với chủ đầu tư (VINACONEX), ông Trần Văn Bình, Phó Giám đốc Ban QLDA hứa là sẽ làm việc với các nhà thầu để tìm giải pháp. Mặc dù mỗi nhà thầu xây dựng một đoạn, nhưng khi đường bẩn thì chẳng đơn vị nào nhận do mình gây ra.

 

Theo đề xuất của TTGT thì chủ đầu tư phải tổ chức một đầu mối vệ sinh và trừ vào kinh phí của các nhà thầu. Tuy nhiên, chủ đầu tư cho biết là phải họp bàn.

 

Trách nhiệm xử lý phương tiện trên đường thuộc cảnh sát giao thông (CSGT). Nhưng trên tuyến đường, CSGT rất ít can thiệp hoạt động của những chiếc xe tải này.

 

Dư luận bức xúc đặt câu hỏi: Đơn vị nào sẽ bảo vệ sự an toàn cũng như vệ sinh môi trường cho những người tham gia giao thông trên đường Láng - Hoà Lạc. Bao giờ con đường mới hết sự ô nhiễm và hiểm nguy?

 

Theo Hạnh Ngân

Tiền Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm