Nỗi khổ cư dân "mắc kẹt" trong khu tập thể xuống cấp nghiêm trọng
(Dân trí) - Sống trong những căn phòng xuống cấp rệu rã, nhiều hạng mục hư hỏng nặng, cư dân khu tập thể cũ ở Huế luôn thấp thỏm nỗi lo an toàn tính mạng.
Chạy mưa bão như cơm bữa
Nằm lọt thỏm trong con hẻm nhỏ với hai bên là trụ sở Đại học Huế và Học viện Âm nhạc Huế, Nhà hát Sông Hương là khu tập thể số 3 Lê Lợi (phường Vĩnh Ninh, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế), đã xuống cấp trầm trọng, nhiều hạng mục rệu rã, gỉ sét.
Khu tập thể số 3 Lê Lợi nằm trong khuôn viên Đại học Huế, có diện tích 1.690m2, được xây dựng trước năm 1960. Trước đây, Viện Đại học Huế (cũ) quản lý khu tập thể này và bố trí làm nhà ở cho cán bộ nhân viên. Sau đó các trường Đại học Tổng hợp (nay là Đại học Khoa học), Đại học Sư phạm, Đại học Y khoa Huế, tiếp tục bố trí cán bộ vào ở.
Khu tập thể này là một dãy nhà cấp 4, hệ khung mái bằng sắt thép, lợp ngói, được chia thành nhiều phòng khác nhau, với diện tích mỗi phòng khoảng 15-20m2.
Ngoài ra còn có một số hộ dân vào khuôn viên đất thuộc khu tập thể xây dựng nhà ở. Hiện cả khu có 20 hộ dân sinh sống, trong đó đa số là cán bộ các trường thuộc Đại học Huế và con cháu của họ.
Theo cư dân nơi đây, sau hơn 64 năm tồn tại và không được sửa chữa, nâng cấp, khu tập thể số 3 Lê Lợi đã xuống cấp nghiêm trọng, nhiều hạng mục bị mục nát, sắt thép gỉ sét, tường ẩm mốc. Đặc biệt, phần mái ngói đã bị đổ sập gần như toàn bộ, người dân phải dùng tấm tôn lợp tạm, che nắng, mưa.
Bà Lê Thị Xuân (65 tuổi) sống trong căn phòng số 5, khu tập thể số 3 Lê Lợi đã 34 năm, cho biết, cứ đến mùa mưa bão, cư dân nơi đây lại nhận được thông báo của Đại học Huế, chính quyền địa phương về việc gia cố nhà cửa hoặc sơ tán đến nơi an toàn.
Cư dân khu tập thể cũ này phải chạy mưa bão như cơm bữa vì nhà cửa đã không còn an toàn.
Căn phòng của gia đình bà Xuân mới đây đã bị sập toàn bộ mái ngói phía trước. Các mảnh ngói rơi vỡ vung vãi khắp căn phòng, rất may không ai bị thương tích.
Do không có chỗ khác để đi, gia đình bà Xuân phải mua tôn và tấm bạt về che tạm, chấp nhận ở lại khu tập thể cũ nát trong nỗi lo sợ thường trực. Điều đáng nói, căn phòng rộng 20m2 này lại là nơi trú ngụ của 6 con người thuộc 3 thế hệ trong gia đình bà Xuân.
"Thậm chí khi trời bình thường, người dân ra vào còn phải đội mũ bảo hiểm vì sợ ngói từ trên mái nhà rơi vào đầu bất cứ lúc nào. Năm 2020, nơi đây từng xảy ra trận hỏa hoạn nên bà con càng lo sợ hơn", bà Nguyễn Thị Tường Vi (67 tuổi, hàng xóm gia đình bà Xuân) cho hay.
Người dân đã nhiều lần kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét, hỗ trợ di dời, bố trí tái định cư để ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, đến nay nguyện vọng chính đáng của người dân chưa được giải quyết.
Vướng cơ chế
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Lê Văn Minh, Phó Chánh Văn phòng phụ trách Đại học Huế, cho biết, năm 2017-2021, Đại học Huế và các ban, ngành của tỉnh Thừa Thiên Huế đã có nhiều cuộc họp bàn về phương án xử lý, sắp xếp lại tài sản công, trong đó có khu tập thể số 3 Lê Lợi.
Do Đại học Huế không có nguồn kinh phí để bố trí sửa chữa, cải tạo, chống xuống cấp và dự án bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Người dân nếu có nhu cầu tái định cư hoặc ở chung cư, cần đăng ký để nhà trường có cơ sở trình cấp có thẩm quyền xem xét.
Theo ông Minh, đến nay có 9 hộ dân tại khu tập thể số 3 Lê Lợi làm đơn đăng ký tái định cư. Tuy nhiên, do vướng cơ chế về xử lý, sắp xếp tài sản công theo quy định của Chính phủ nên chưa thực hiện được, dẫn đến việc người dân "đi không được, ở không xong".
Đại học Huế đã có công văn chuyển giao khu tập thể cho UBND tỉnh Thừa Thiên Huế để tỉnh này có phương án sắp xếp lại tài sản công, bảo đảm cuộc sống ổn định cho người dân.
Theo Sở Tài chính tỉnh Thừa Thiên Huế, Đại học Huế là đơn vị trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo nên việc sắp xếp nhà, đất thực hiện theo quy định cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn.
Năm 2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành quyết định phê duyệt phương án xử lý, sắp xếp lại nhà đất của Đại học Huế, trong đó đã bao gồm diện tích khuôn viên khu tập thể số 3 Lê Lợi. Theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP của Chính phủ, phương án sắp xếp, xử lý tài sản công này phải báo cáo, xin ý kiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trước khi trình Bộ Tài chính phê duyệt.
Ông Lê Văn Minh cho biết, Đại học Huế mong sớm thực hiện di dời dân cư, giải tỏa khu tập thể đã xuống cấp nghiêm trọng để tạo mỹ quan đô thị.
Đại học Huế đang xây dựng dự án trung hạn giai đoạn 2026-2031, trong đó có nội dung di dời, tái định cư người dân khu tập thể số 3 Lê Lợi, trình cấp có thẩm quyền xem xét thông qua để có nguồn kinh phí triển khai.