Nỗi đau da cam còn theo mãi đến bao giờ!
(Dân trí) - Bà Mậu 3 lần sinh con nhưng chỉ một lần được làm mẹ; nhưng niềm hạnh phúc này cũng không trọn vẹn. Cô con gái duy nhất của bà bị thiểu năng trí tuệ, đã ngoài 30 tuổi nhưng vẫn phải sống dựa vào mẹ...
Bà là một thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước từ những năm 1972 - 1976, từng phục vụ chiến trường miền Trung ác liệt, nơi tàng trữ nhiều chất độc dioxin. Bà cũng là thương binh loại ¾ và đã xuất ngũ từ năm 2006. Năm nay bà Mậu đã vào độ tuổi 60, sống tại thôn Thạch Lỗi, xã Khánh Dương, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Tài sản duy nhất của gia đình bà là hơn 2 sào đất lúa và căn nhà nhỏ do bố mẹ để lại. Do sức yếu không làm ruộng được nên bà đã cho người khác cấy trồng và họ chia lại cho gia đình mỗi vụ khoảng 100 kg thóc.
Bà kết hôn với người đồng đội cùng quê và sinh hạ 3 lần nhưng hai lần bị hỏng. Lần hỏng thứ nhất vào năm 1978, bà sinh ra một bào thai chưa thành hình người. Lần thứ 2, năm1980, bà lại sinh ra một đứa trẻ nhưng càng lớn đầu càng to rồi cũng không nuôi được. Bà con làng xã xì xào cho rằng kiếp trước chắc bà ăn ở “thế nào” nên nay mới sinh ra con như vậy. Lúc đó không ai và cả bản thân ông bà cũng không biết được rằng bà đang mang trong mình chất độc dioxin. Rồi người bạn đời của bà cũng ra đi do bệnh tật và buồn phiền, để lại cho bà người con gái duy nhất nay đã ở tuổi 30 nhưng bị thiểu năng trí tuệ.
“Tôi không có vinh hạnh được làm bà, cháu Tạ Thị Hằng, con gái tôi lớn về thể xác nhưng không có trí tuệ, không thể học chữ và cả các con số, không nhận dạng được tiền và không biết tiêu tiền…”, bà Mậu tâm sự, “Tháng 7 năm 2012, tôi và cháu được đi học 3 tháng tại Trung tâm dạy nghề của Huyện do VVAF tài trợ. Về nhà thì cháu đan phụ với tôi, ngày cũng kiếm được vài ba chục ngàn đồng nếu như mình tự kiếm nguyên liệu đan, nếu nhận nguyên liệu từ công ty thì chỉ được một nửa”.
Bà cho biết cây bèo ở xã rất sẵn kiếm và đầu ra không khó khăn gì, đan ra bao nhiêu công ty mua hết bấy nhiệu. Hiện bà còn tạo thêm việc làm cho 2 người khác cũng là nạn nhân da cam và 1 người thuộc hiện hộ nghèo.
Trong xã Khánh Dương có tới 41 người bị nhiễm chất độc da cam trong đó trực tiếp là 25 người, đời sau là 16 cháu, có một vài cháu hình thể đầy đủ nhưng không có trí tuệ, nhiều cháu bị liệt chỉ nằm một chỗ nên gia đình không biết làm gì để kiếm sống nuôi con. Nỗi đau không biết kéo dài đến bao giờ!
Cũng như bà Mậu, ông bà An Việt Lập sinh tới 6 lần nhưng các cháu đầu đều bị dị hình, đầu cứ to dần lên và không nuôi được. Năm 1974 bà Loan sinh được các con An Thị Thu, sau đó 3 năm sinh An Thị Hà và con út là An Thị Lập (1983). Cả ba cô con gái đều bị thiểu năng trí tuệ. Năm nay cô con gái lớn đã gần 40, cô út cũng đã 30 tuổi nhưng vẫn phải sống nhờ vào sự chăm sóc của cha mẹ.
Khi chúng tôi đến thăm, ông đang lên cơn sốt cao, bà thì sức yếu nhưng vẫn phải cố gắng làm ruộng để có gạo ăn. Gia đình muốn có thêm thu nhập nhưng không biết làm gì khi các con có lớn mà chẳng có khôn, lại không có vốn. Mặc dù nhà ông bà rất nghèo nhưng không được công nhận là hộ nghèo để được vay vốn hỗ trợ sản xuất.
Ông An Việt Lập chia sẻ: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là mong sao Hội có thể trợ giúp chúng tôi sửa lại căn nhà cho chắc chắn để cho các con ở sau khi chúng tôi qua đời!”.
Nhìn gương mặt đỏ bừng vì đang sốt cao của ông, quay lại nét mặt khắc khổ với dáng người gầy ốm của bà vợ đang ngồi co ro bên cánh cửa, ba đứa con gái đã nhiều tuổi đang mỗi đứa mỗi góc cặm cụi đan bèo, chúng tôi cũng ngậm ngùi “Không biết nỗi đau da cam còn theo mãi tới bao giờ?”.
Lê Lân