1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nỗi buồn "thời dịch tả”

(Dân trí) - Năm nay, Việt Nam kỷ niệm ngày Trái đất trong tình trạng giá gạo tăng cao, dịch tiêu chảy hoành hành ở người, dịch tai xanh ở lợn...

Gạo đắt vì... nước biển dâng!

Trong khoảng 3 tháng nay, giá gạo tăng vù vù, tăng đến mức nhiều người không thể hiểu nổi vì sao gạo lại có thể đắt đến thế. Trong vòng từ giữa tháng 4 đến nay, giá gạo đã tăng thêm từ 200 - 250 nghìn/tạ.

Giá gạo tăng nhưng nhà nông lại không vui vẻ gì vì mất mùa, sản lượng năm nay chỉ bằng phân nửa so với mọi năm. Tại nhiều xã của Thanh Hóa như Yên Thịnh, tỉnh phải cho xe tải đi phát gạo cứu đói.

Tuy nhiên, vấn đề chưa dừng lại ở đó. Theo cảnh báo của TS Nguyễn Hữu Ninh, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Trung tâm nghiên cứu Giáo dục và Phát triển Môi trường (CERED), thì 50% sản lương lương thực của Việt Nam có thể sụt giảm trong thời gian tới. Tất cả chỉ vì biến đổi khí hậu.

“Sự tích” ngày Trái đất

 

Ngày 21/3/1970, ông John McConnell, một công dân người Mỹ đã vận động tôn vinh Trái đất tại thành phố San Francisco (thành phố của Thánh Francis - thánh chủ của môi trường) và sau đó Tổng thư ký Liên hiệp quốc U Thant đã công bố đó là ngày Trái đất quốc tế.

 

Cùng thời gian đó, do ông Gaylord Nelson, nguyên thượng nghị sĩ đảng Dân chủ bang Wisconsin, một nhà hoạt động vì môi trường của Mỹ cũng phát động Ngày trái đất vào 22/4/1970 thu hút được 20 triệu người tham gia. 

 

Cho đến nay, ngày 22/4 hàng năm vẫn được tổ chức kỷ niệm bằng những việc như trồng cây, dọn sạch rác và vận động cho một môi trường sạch với sự tham gia của 500 triệu người tại 175 quốc gia.

 

(Theo wikipedia)

Biến đổi khí hậu có thể khiến VN mất hàng chục nghìn km2 đất nông nghiệp vì nước biển dâng. Trung bình, nước biển sẽ dâng thêm 0,7-1m/. Như dự báo của quốc tế, nếu mực nước biển dâng 1m thì chúng ta bị mất 5% tổng diện tích đất nước. Đặc biệt, phần đất mất lại rơi vào 2 vùng đồng bằng, ngành nông nghiệp sẽ gánh chịu thiệt thòi nhiều nhất bởi đất đai mất thì sản lượng lương thực sẽ giảm đi!
 
Còn các nghiên cứu của Ngân hàng Thế Giới đã đưa ra kết luận: Việt Nam với hơn 3.000km đường biển sẽ là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Toàn bộ khu vực miền Nam Việt Nam với diện tích gần 40.000km2 có thể sẽ bị ngập trong nước khi mực nước biển dâng cao. Trung bình mỗi năm, mực nước biển tăng thêm 3,1mm kể từ năm 1991 và vẫn đang tiếp tục tăng do nhiệt độ lên cao làm băng tuyết tan chảy. Việt Nam là nước đứng thứ 4 trong 10 nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất do mực nước biển dâng lên.
 
Gạo thiếu thì giá gạo tăng. Cuộc sống khó khăn sẽ tiếp tục khó khăn.

Ăn gì cũng tiêu chảy!

Thịt chó, mắm tôm, rau sống... gây tiêu chảy đã đành. Nay, uống trà cũng có thể tiêu chảy, như trường hợp của một sinh viên trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội).

Đừng nghĩ dịch bệnh không liên quan đến vấn đề...biến đổi khó hậu. Biến đổi khí hậu đã là câu chuyện hiện diện hàng ngày, hàng giờ trong cuộc sống của chúng ta.

Công bố mới đây của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chỉ ra rằng, sự thay đổi của khí hậu theo chiều hướng nóng lên sẽ kéo theo nhiều dịch bệnh. Mỗi năm có khoảng 150.000 người tử vong do biến đổi khí hậu liên quan đến các bệnh như tiêu chảy... và một nửa trong số này tập trung ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Đáng tiếc là Việt Nam lại tiếp tục là 1 trong 5 quốc gia bị ảnh hưởng mạnh nhất của hiện tượng biến đổi khí hậu và chính điều này đã làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh ở người già, trẻ em Việt Nam.

Trăm dâu đổ đầu... người nghèo!

TS Nguyễn Hữu Ninh còn được xem là “ông biến đổi khí hậu” của Việt Nam khi suốt 22 năm qua, ông cần mẫn nghiên cứu đến những vấn đề mà chỉ cách đây vài năm thôi bị không ít nhà nghiên cứu xem là những công trình nghiên cứu “lẩn thẩn”, là câu chuyện trên trời! Trong cái thời “thổ tả” này, ông đã có những nghiền ngẫm thật thấu đáo và tha thiết với sự sống.

Người lớn tiếng nhất khi khẳng định về vấn đề nhiệt độ ở Việt Nam đang tăng chính là TS Nguyễn Hữu Ninh. Ông đã nhiều lần đưa ra dự báo rằng: Tại Việt Nam, nhiệt độ sẽ tăng từ 0,3 - 0,5 độ C đến năm 2010, từ 1- 2 độ C vào năm 2020, từ 1,5 - 2 độ C vào năm 2070. Những khu vực có nhiệt độ tăng cao nhất là Tây Bắc và Việt Bắc.

Khi nhiệt độ tăng, nước biển sẽ dâng. Cùng với đó là các nguy cơ như nước bẩn, nguồn nước cạn kiệt, sâu bệnh, thiên tai, thất bát, lũ quét, cháy rừng… Những vấn nạn đó khi xảy đến thì người nghèo lại hứng chịu đầu tiên, hứng chịu trực tiếp nhất.

Trong một thế giới đang rơi vào thời "thổ tả" vì biến đổi khí hậu, thông điệp mà TS Ninh muốn truyền cho tất cả những người dân Việt Nam chính là: "Hãy đoàn kết lại trong một thế giới có nhiều khác biệt cả về chính trị, tôn giáo, sắc tộc, màu da, văn hóa, kinh tế, xã hội, để cùng khắc phục những biến cố của môi trường.

Hãy tin rằng loài người có đủ trí tuệ, công nghệ, tài chính để giải quyết mọi việc. Chúng ta đang đi trên cùng một con thuyền, không có kẻ thắng, người thua, chỉ có thể cùng nổi hoặc cùng chìm. Không có hành tinh nào khác để di tản và không bao giờ có phương án 2!".

 

Nên sống để chia sẻ hạnh phúc!

Trao đổi với Dân trí bên lề của Diễn đàn: Biến đổi khí hậu- câu hỏi lớn của thế kỷ 21, TS Nguyễn Hữu Ninh: “Câu chuyện này có vẻ như là cái gì đó đã cũ, nhưng thật ra nó không hề cũ. Vấn đề biến đổi khí hậu chưa được “giải quyết” vì con người thiếu sự đoàn kết và những quyết tâm chính trị.”
Nỗi buồn "thời dịch tả” - 1

TS Nguyễn Hữu Ninh

Khi dịch bệnh và thiên tai tràn lan, người dân chỉ biết ngơ ngác bảo nhau sao cuộc sống ngày một khó khăn hơn, tất cả chỉ tại ông Trời! Ông có lời nào để an ủi cho tâm trạng này của họ?

Biến đổi khí hậu nó đặt loài người trước một bước ngoặt lịch sử. Giờ đây, vấn đề biến đổi khí hậu là vấn đề liên quan mật thiết đến sự tồn vong của nền văn minh nhân loại. Là câu hỏi lớn: tồn tại hay không tồn tại. Trước đây người ta bảo, hậu quả của biến đổi khí hậu chưa chắc đã là do con người. Là của tự nhiên chăng? Đến nay thì không ai nói như vậy nữa: hơn 90% nguyên nhân của biến đổi khí hậu gây hiệu ứng nhà kính là con người, là từ con người mà ra, không có ông Trời nào ở đây cả. Đó là một sự thực không thể chối cãi. Nhân loại chỉ còn cách ngồi lại với nhau và cùng bàn cách để "tự cứu mình".

Cách tự cứu mình, theo ông, phải là gì?

Chúng ta cần thay đổi hành vi của con người với con người; và của con người với thiên nhiên – cần thay đổi hành vi ấy theo hướng an toàn cho môi trường và bầu khí quyển một cách quyết liệt hơn.

Nói một cách giản dị và dễ hiểu thì muốn cứu mình, tại sao chúng ta không sống theo phương châm chia sẻ và đem hạnh phúc đến cho người khác một cách thật sự ở góc độ biến đổi khí hậu và môi trường? Chẳng hạn, người dân Việt nam đừng tự mang rác thải vào đất nước mình để “tái chế”, đừng “giết” môi trường kiếm ăn; Đừng tưới độc hại lên rau quả; Đừng nhập gà loại gà thải của nước lân bang vào; Đừng khai quật lợn tai xanh đã chết rồi chạy từ địa phương nọ sang địa phương kia cho đồng bào mình ăn và mang bệnh tật...

Chúng ta hãy nhìn thẳng thắn vào hành vi của mình, của cộng đồng để làm gì đó thực sự vì môi trường sống, vì bầu khí quyển đang nổi giận từng ngày từng giờ của trái đất – cũng là vì chính chúng ta.

Xin cảm ơn ông.

Lê Châu