1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM "khát" cây xanh
  4. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai

Nỗi buồn “đi sim” thời hiện đại

(Dân trí) - Con gái, con trai người dân tộc Vân Kiều, Pa Cô cứ đến tuổi trưởng thành là háo hức rủ nhau “đi sim” để tìm vợ, tìm chồng. Có cặp sống hạnh phúc nhưng cũng không ít những đứa trẻ ra đời mà không biết mặt cha.

“Đi sim” là một tập tục có từ lâu đời, là nét đẹp văn hóa, thể hiện khát vọng tự do yêu đương của nam nữ thanh niên dân tộc Pa Cô, Vân Kiều (Quảng Trị). 

 

Xưa, trai gái cứ tầm 12, 13 tuổi là bắt đầu “đi sim”, chủ yếu là vào các dịp lễ hội. Những buổi “đi sim” là lúc trai gái được phép đến ngủ ở  những ngôi nhà Xu (nhà chung của cộng đồng) hoặc những ngôi nhà rẫy trong rừng; cùng trao nhau những câu hát giao duyên.

 

Nếu hai người phải lòng nhau, người con trai sẽ trao cho người con gái một chiếc vòng bạc thay cho lời yêu thương rồi về báo cho gia đình mang lễ vật đến nhà gái đặt vấn đề cưới hỏi. Tục “đi sim” cũng quy định hai người không được quan hệ trước hôn nhân, nếu vi phạm sẽ bị trục xuất ra khỏi cộng đồng.
 
Nỗi buồn “đi sim” thời hiện đại - 1

A Rá làm mẹ một mình.

 

Ấy là nét đẹp của tục “đi sim” xưa. Còn nay, trai gái Vân Kiều, Pa Cô “đi sim” trong các quán cà phê, quán nhậu, thậm chí ngay bên vệ đường. Đám con trai mặc quần ống loe, áo chẽn “chim cò” bó sát; có người xăm trổ, có người nhuộm tóc vàng hoe xịt keo, vuốt thành từng chóp nhọn dựng đứng trên đầu; lại có cậu phóng xe tới lui tìm “đối tác”.

 

Dần về đêm, “sân chơi” thưa dần, các đôi nam nữ tản đi tình tự. Và sau những cuộc tình chớp nhoáng ấy, nhiều đứa trẻ không cha ra đời…

 

Căn nhà của Hồ Thị A Rá nằm lọt thỏm giữa mấy nóc nhà sàn của bản Ka Hẹp (xã Tà Rụt, Đakrông) được bao quanh tứ bề là đồi núi. A Rá có con mà không có chồng, kể: “Hồi mới quen, hắn hứa với miềng (mình - PV) nhiều thứ lắm. Miềng tin hắn nên chừ mới khổ. Đêm mô hắn cùng đến rủ miềng đi uống cà phê, uống rượu rồi ra đồi ngồi tâm sự đến gần sáng. Đến khi miếng có thai, hắn không chịu cưới miềng”.

 

Cố gắng hỏi về cha đứa bé, A Rá lắc đầu quầy quậy, một mực nói không muốn nhắc đến nữa. Con A Rá giờ đã hơn một tuổi, lớn lên với mẹ cùng ngô, sắn.

 

Vừa tròn ba tuổi thì mẹ mất do lên cơn động kinh trong lúc đang giặt dưới suối, cháu Hồ Xuân Thao ở bản Tà Rụt 2, xã Tà Rụt, Đkrông, được dì ruột là chị Hồ Thị Nhung mang về nuôi dưỡng. Chị Nhung buồn bã kể, chị gái chị bị động kinh từ nhỏ, cách đây 3 năm bỗng mang thai và sinh bé Thao. Hỏi cha đứa trẻ là ai thì chị lúc nhớ lúc quên. Giờ mẹ cháu mất, chị Nhung mang về nuôi dưỡng nhưng vợ chồng chị cũng nghèo, không biết tương lai cháu ra sao.

 

Ở xã Thuận (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) có Hồ Ing và Hồ Thị Krai lấy nhau vừa được sáu tháng, khi cả hai đều ở tuổi 16. Đám cưới được tổ chức vội vã vì cái thai trong bụng Krai đã quá lớn, kết quả của những buổi “đi sim”. Cách đây mấy ngày, Krai khóc mếu ôm đứa con đỏ hỏn về nhà bố mẹ đẻ.
 
Nỗi buồn “đi sim” thời hiện đại - 2
Chị Nhung và đứa cháu không cha không mẹ.

 

Chuyện của vợ chồng Krai không phải chuyện hiếm bởi những cặp vợ chồng trẻ con có quá nhiều lý do để tan vỡ. Hậu quả là lại thêm một đứa trẻ không cha.

 

Tỉ lệ phụ nữ Pa Cô, Vân Kiều có thai trước hôn nhân những năm gần đây ngày một tăng. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là biến tướng có phần “quá trớn” của tục “đi sim” thời hiện đại.

 

Nguyễn Hương