1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

“Nổ súng và không được nổ súng - Ranh giới rất mong manh”

(Dân trí) - Thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ chiều 31/10, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ lo ngại về ranh giới mong manh giữa việc nổ súng và không được nổ súng. Chính vì thế, phải quy định để người thi hành công vụ được giao quyền sử dụng súng kịp thời ngăn chặn tội phạm nhưng cũng không lạm dụng, vượt quá giới hạn.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga (Ảnh: Thế Kha).
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga (Ảnh: Thế Kha).

Chủ nhiệm UB Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga (Thái Nguyên) nhấn mạnh, đã là luật, phải quy định rất chặt chẽ vì vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ vừa có tính năng bảo vệ an ninh trật tự, vừa có tác hại nếu sử dụng sai, quản lý lỏng lẻo.

Đề nghị tiếp tục giao vũ khí, công cụ hỗ trợ cho công an xã như hiện hành nhưng phải chính quy hóa lực lượng này, bà Nga phân tích: “Công an xã đang được trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ. Nếu bây giờ luật này lại lấy đi thẩm quyền này thì bằng cách nào lực lượng chấp pháp có thể bảo vệ an ninh trật tự ở địa phương”.

Ông Võ Trọng Việt - Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội băn khoăn về việc có nên cấp súng cho công an xã và lực lượng điều tra của VKSND Tối cao hay không.

“Tôi cho rằng công an xã là một cấp của lực lượng công an nhân dân, quan điểm của Uỷ ban Quốc phòng An ninh khi thẩm tra dự án án luật này thì cho rằng nên cấp. Còn với điều tra viên của VKSND Tối cao, một số quan điểm nói không nên cấp vì đối tượng điều tra là công chức nhà nước, ý thức chấp hành cao hơn, tốt hơn các đối tượng khác ngoài xã hội. Nhưng qua đánh giá tác động thấy anh em làm điều tra của VKSND Tối cao, nhất là điều tra về kinh tế thì rất phức tạp, nếu không có gì trong tay thì sẽ rất khó khăn. Mà số lượng cán bộ trong nhóm này chỉ có 180 người nên đề nghị ủng hộ cấp vũ khí. Còn phần cứng về công an, quân đội, kiểm lâm, kiểm ngư, hải quan… đều quy định chặt chẽ rồi”- ông Việt nói.

Theo ông Việt, khi đã rõ đối tượng được cấp súng thì quy trình cấp và quản lý phải rất chặt chẽ. “Giờ dư luận còn lăn tăn nhiều quy định nổ súng. Luật của ta tương đối chặt chẽ về việc nổ súng có cảnh báo và không cảnh báo. Cảnh báo đối tượng đó để biết rằng phải dừng hành động của mình khi người sử dụng vũ khí đã kêu gọi, quá giới hạn đó mà không tuân thủ thì người thi hành công vụ có quyền nổ súng tiêu diệt. Thực tế trước nay có nhiều sơ hở, người cầm súng có khi lúng túng, có khi lạm quyền, không đáng nổ súng thì lại nổ súng nên có trường hợp phải ra tòa. Vậy nên mới có thêm quy định nổ súng không cảnh báo. Việc quyết định hành động đúng hay sai phụ thuộc vào công tác huấn luyện của người sử dụng vũ khí. Là quân đội, công an nhưng cả năm không sử dụng vũ khí, huấn luyện thì khi khi sử dụng sẽ rất lúng túng”- ông Việt nói.

Ông Việt khẳng định, cần trao cho người cầm súng quyền chủ động nhưng không được lạm dụng. Ranh giới này rất quan trọng, bởi dự thảo luật đã tính tới cả phương án nhân đạo khi phát hiện đối tượng là phụ nữ, trẻ em, người tàn tật thì nhất định không được nổ súng.

Đại biểu Y Biêr Niê - Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Lắk (Ảnh: Thế Kha)
Đại biểu Y Biêr Niê - Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Lắk (Ảnh: Thế Kha)

Đang ăn cơm bị viên đạn rớt vào chén cơm

Cơ bản đồng tình với những quy định về nổ súng tại dự thảo luật nhưng đại biểu Y Biêr Niê - Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Lắk đề nghị bổ sung quy định người thi hành nhiệm vụ độc lập trước khi nổ súng, phải cảnh báo bằng hành động hoặc bắn chỉ thiên... Hơn nữa từ “bắn chỉ thiên” phải được giải thích rõ ràng hơn, chứ không chỉ là hành động bắn lên trời.

“Bắn chỉ thiên lên trời chưa hẳn đã an toàn bởi bây giờ các tòa nhà san sát nhau như thế. Địa bàn tôi có người đang ăn cơm bị viên đạn rớt vào chén cơm, may không trúng vào đầu đấy. Thế thì có phải chịu trách nhiệm không?” - ông đặt vấn đề.

Trong khi đó ở tổ Hà Nội, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh phản ánh, các đối tượng sử dụng vũ khí “nóng” ngày càng phổ biến, gây nguy hiểm cho xã hội nên việc quy định cụ thể các trường hợp được nổ súng cần phải cẩn trọng nếu khổng rất dễ bị lạm dụng.

“Nghiêm cấm đưa súng vào cơ quan mà người ta còn nổ súng như thế (ý nói vụ việc ở Yên Bái vừa qua - PV). Do vậy, chúng ta cần phải cân nhắc, tính toán cụ thể vấn đề này, còn nếu để tùy tiện là tính mạng con người bị cướp như chơi”- bà Khánh lo ngại.

Đại biểu Phan Văn Tường (Thái Nguyên) đề nghị xác định thận trọng những trường hợp được phép nổ súng nêu tại điều 21 của dự thảo luật, nếu không nhiều người sẽ bị... chết oan.

Theo bà Lê Thị Nga, việc nổ súng và không được nổ súng - ranh giới rất mong manh. Vì vậy, quy định như thế nào để bảo đảm cho người thi hành công vụ được giao quyền sử dụng súng kịp thời ngăn chặn tội phạm, ngăn chặn hành vi xâm phạm đến công dân, bản thân và người khác, nhưng cũng để không có lạm dụng, vượt quá giới hạn.

“Giới hạn mong manh giữa đúng và sai cần phân định, rất khó cho anh em thi hành công vụ, nhưng cũng có những trường hợp lạm dụng. Đến khi ra tòa mà quy định tù mù, không rõ thì rất khó xử, cấp này phán anh sai nghĩa là anh phạm tội, cấp kia thì lại phán anh đúng, anh không phạm tội”- đại biểu Lê Thị Nga bày tỏ.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) đề nghị trong luật phải xác định rõ nổ súng trong điều kiện hòa bình phải khác với điều kiện chiến tranh như thế nào. Vì theo đại biểu, trong thời chiến chỉ quy định như vậy thì không đủ cơ sở bảo vệ các mục tiêu nhưng trong thời bình nếu quy định không rõ thì có thể bị lạm dụng.

“Vì tính chất quan trọng của luật, nên mọi vấn đề phải hết sức cụ thể nếu không đi vào cuộc sống sẽ khó cho người sử dụng phương tiện, khó cho lực lượng công an và khó cả cho những công dân khi đối mặt với tình huống. Đâu là điểm dừng, đâu là tình huống sẽ xảy ra nổ súng. Phải có ranh giới rõ ràng” - luật sư Trương Trọng Nghĩa nói.

Theo dự thảo luật, khi thi hành nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự, việc nổ súng phải tuân theo các nguyên tắc: Nổ súng phải căn cứ vào từng tình huống, tính chất, mức độ hành vi nguy hiểm của đối tượng để quyết định; chỉ nổ súng khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi của đối tượng và sau khi đã cảnh báo mà đối tượng không tuân theo; nếu việc nổ súng không kịp thời sẽ đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe cho bản thân hoặc người khác hoặc có thể gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác thì được nổ súng ngay.

“Không nổ súng vào đối tượng khi biết rõ người đó là phụ nữ, người khuyết tật, trẻ em, người già trừ trường hợp những người này sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc chống trả, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác. Trong mọi trường hợp nổ súng, người sử dụng cần hạn chế thiệt hại do việc nổ súng gây ra”- dự thảo nêu rõ.

Ngoài ra, người thi hành nhiệm vụ độc lập, trước khi nổ súng phải cảnh báo bằng hành động, mệnh lệnh hoặc bắn chỉ thiên đối với các trường hợp sau: Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, vũ lực, phương tiện tấn công hoặc chống trả, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác; đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, vũ lực, phương tiện gây rối trật tự công cộng uy hiếp nghiêm trọng tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác; đối tượng đang thực hiện hành vi phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng; cướp tang vật, phương tiện vi phạm.

Người thi hành nhiệm vụ được phép nổ súng mà không cần cảnh báo nếu đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội khủng bố, giết người, bắt cóc con tin, mua bán và vận chuyển trái phép chất ma túy hoặc đang trực tiếp sử dụng vũ khí, vật liệu nổ chống lại việc bắt giữ khi vừa thực hiện xong hành vi phạm tội trên; đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc uy hiếp trực tiếp đến an toàn của công trình quan trọng về an ninh quốc gia, mục tiêu quan trọng được bảo vệ theo quy định của pháp luật hoặc đang đe dọa trực tiếp đến tính mạng và sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác....

Thế Kha - Quang Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm