1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

“Nợ đọng văn bản hiện nay rất lớn, dễ gây bức xúc dư luận”

(Dân trí) - Bộ Tư pháp cho rằng việc các Bộ, ngành nợ đọng rất nhiều văn bản hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh đã có hiệu lực dễ gây bức xúc dư luận.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng vừa có văn bản gửi Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ cho biết tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh còn phổ biến. “Số văn bản nợ đọng hiện nay là rất lớn, dễ gây bức xúc dư luận, nhất là thời điểm diễn ra kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII và Đại hội Đảng các cấp”- văn bản viết.

Để khắc phục tình trạng này, Bộ Tư pháp đề nghị các Bộ (Tài nguyên và Môi trường, Y tế, Quốc phòng, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giáo dục và Đào tạo, Tài chính) cần quyết liệt chỉ đạo, đôn đốc để giải quyết dứt điểm tình trạng nợ đọng văn bản.

“Hoàn thành việc trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 15 nghị định, quyết định theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đối với 12 nghị định, quyết định đã được thẩm định hoặc đã trình, đề nghị các Bộ tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp chỉnh lý, hoàn thiện để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành. Riêng 3 dự thảo nghị định đang soạn thảo, chưa thẩm định, đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, gửi Bộ Tư pháp thẩm định, trình Chính phủ ban hành”- ông Đinh Trung Tụng yêu cầu.

Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp cũng đề nghị các Bộ khẩn trương ban hành theo thẩm quyền 47 thông tư, thông tư liên tịch còn nợ đọng quy định chi tiết thi hành 18 luật, pháp lệnh đã có hiệu lực. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ được giao chủ trì soạn thảo 85 văn bản quy định chi tiết thi hành 15 luật, pháp lệnh sẽ có hiệu lực trong thời gian tới cần khẩn trương xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền bảo đảm chất lượng, đúng thời hạn, tiến độ, có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của luật, pháp lệnh, nhất là 62 văn bản quy định chi tiết 10 luật có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2015 và Pháp lệnh Cảnh sát môi trường có hiệu lực kể từ ngày 5/6 sắp tới.

Đối với những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nhất là những vấn đề nhạy cảm, gây bức xúc dư luận, Bộ Tư pháp đề nghị các Bộ ngành chủ động giải quyết hoặc báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết.

Thế Kha