1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Vào tù gặp những người một thời “oanh liệt”:

Nợ đời vay trả

(Dân trí) - Trên hành trình qua các trại giam của V26, chúng tôi đã được gặp, trò chuyện với nhiều con người, nhiều số phận và mảnh đời khác nhau. <a href="http://dantri.com.vn/Sukien/skphapluat/2005/7/67733.vip">“Đại gia” Dung Thà</a> vì mờ mắt trước đồng tiền kiếm được quá dễ dàng, còn 2 nữ phạm nhân dưới đây lại bị hoàn cảnh éo le đưa đẩy. Tất cả đều phải trả giá...

Con gái vào tù, bố mẹ tuổi 80 phải nuôi con rể

 

Chị Lê Thị Điển, 55 tuổi, quê ở thị trấn Tiên Yên (Quảng Ninh) là nữ phạm nhân tại trại giam Hoàng Tiến (Chí Linh, Hải Dương), bị bắt năm 2003 vì tội buôn bán thuốc lá lậu, Toà án Quảng Ninh tuyên phạt chị 8 năm tù.

 

Nữ phạm nhân này cũng như bao người phụ nữ khác, chị có một mái ấm gia đình với 4 đứa con, một người chồng khoẻ mạnh, từng là bộ đội. Vậy mà tạo hoá đã quá bất công với chị, hơn chục năm đằng đẵng nuôi đứa con gái út bị bại liệt vì chứng teo cơ đã làm gia đình chị rơi vào khánh kiệt. Năm 1995 một tai hoạ nữa lại từ trên trời rơi xuống: chồng chị bị tai nạn giao thông bại liệt cả người, nằm liệt giường. Thế là một mình chị lặn lội thân cò nuôi sáu miệng ăn và chăm sóc hai người bại liệt trong nhà.

 

Năm 2003, tai hoạ vẫn chưa buông tha gia đình này khi chị dính vào vụ buôn bán thuốc lá lậu của... người hàng xóm. Chị Điển vào tù, bên nhà chồng chẳng còn ai, bố mẹ chị năm nay 77 - 78 tuổi phải thay con gái chăm sóc đứa cháu gái 17 tuổi vẫn chưa biết đi cùng ông con rể bại liệt trong nhà...

 

Trước đây, chị Điển từng là nhân viên Công ty Nhiếp ảnh Quảng Ninh. Cơ chế thay đổi, chị phải về 176. Anh chồng chị là bộ đội, sau 8 – 9 năm tham gia quân ngũ anh phục viên về làng. Cả hai vợ chồng thất nghiệp, con gái út bệnh tật nên trong nhà của cải chẳng có gì. Nhà chị ruộng vườn không có, muốn làm ruộng cũng khó mà đi buôn thì vốn liếng chẳng được là bao... Khoảng năm 2000, chính quyền địa phương thấy hoàn cảnh gia đình chị quá khó khăn nên tổ chức Hội phụ nữ và Tổ dân phố thị trấn Tiên Yên đã huy động một ít vốn giúp chị mở cửa hàng buôn bán rau quả. Từ đó, cuộc sống gia đình chị dễ thở hơn. Nhưng chẳng ai ngờ tai hoạ cũng từ đó mà tiếp tục khiến gia đình chị tan nát.

 

Ở thị trấn Tiên Yên của chị Điển, nơi rất gần với các cửa khẩu buôn lậu, thì một gian hàng rau quả của chị là “tép riu”. Muốn đỡ khổ, chị mon men đi buôn lậu thuốc lá; mặt hàng thuốc lá lậu ba số 555 đem lại lợi nhuận gấp nhiều lần thu nhập của chị từ hàng rau quả. Cũng từ đó, cánh cửa trại giam đang dần mở rộng ra trước mắt chị. Ngày 04/3/2003, cơ quan chức năng khám xét chỗ chị gửi hàng rau quả phát hiện 175 cây thuốc lá ba số 555 nhập lậu trị giá 24,5 triệu đồng. Theo lời chị Lê Thị Điển, số hàng này là của người hàng xóm (chị nhờ cửa hàng của họ để bán rau), biết mình nhà nghèo không có tiền đi buôn lậu cộng thêm sự nhờ vả của láng giềng nên chị nhận đại số hàng kia là của mình, thế là chị phải gánh tội thay cho... hàng xóm !(?)

 

Chị Điển kể, sau khi chị bị bắt, vợ chồng con cái ly tán, ở địa phương không có gia đình nào hoàn cảnh bi đát hơn thế. Vào trại giam chị luôn hy vọng có ngày sớm được trở về xây dựng lại mái ấm gia đình, mặc dù hiện tại tuổi tác và sức khoẻ của chị không còn như xưa. Chị khoe với chúng tôi một tin vui là vào tháng 6 năm 2004, tổ chức Bảo vệ bà mẹ trẻ em tỉnh Quảng Ninh đã về nhà chị khám bệnh và lập hồ sơ bảo trợ cho con gái út 17 tuổi bị bại liệt được xuống Hải Phòng phẫu thuật nối gân chân và điều trị phục hồi chức năng.

 

Chị Điển thổ lộ: vào trại giam chị xác định sẵn tư tưởng phải chấp hành và cải tạo tốt để sớm được xét đặc xá trở về cùng gia đình. Nguyện vọng của chị khi ra tù là mong muốn tìm được một việc làm phù hợp với sức khoẻ và luyện tập cho con gái biết đi. “Con gái tôi đã may mắn được phẫu thuật nối lại gân chân, tôi tin cháu sẽ tự vận động được. Tôi khao khát từng ngày từng giờ được trở về với cháu” - chị Điển nói.

 

Mẹ vào tù, con trai lưu lạc

 

Không cơ cực như chị Lê Thị Điển, nữ phạm nhân Đỗ Thị Hương (SN 1979, quê ở Xuân Trường, Thọ Xuân, Thanh Hóa) lại có cuộc đời đầy éo le, luôn luôn thiếu thốn bàn tay chăm sóc của gia đình. Hương bị kết án 6 năm tù giam vì tội buôn bán trẻ em, nhưng cả cuộc đời Hương lại là nạn nhân của tội ác này. Trong trại giam Hoàng Tiến, cô được phân công làm gia công dán giấy xuất khẩu sang Đài Loan, một công việc rất nhẹ nhàng nhưng dường như lại quá khó khăn đối với người có bệnh thoái hóa cột sống rất nặng như Hương. Nhìn dáng đi thẳng đuột như khúc gỗ di động của cô gái trẻ, lòng tôi se lại. Giá như Hương có một gia đình...

 

Mới 7 tháng tuổi, người mẹ sinh ra Hương mắc bệnh “không bình thường” rồi bỏ đi mất. Thời gian sau, người cha buồn chán bỏ nhà đi lấy vợ khác; chưa đầy một tuổi đầu Hương đã bơ vơ, phải về sống với ông bà ngoại tuổi gần 70. Tuy bên ngoại rất khó khăn nhưng Hương cũng được học đến lớp 2 rồi bỏ học về làm ruộng. Ở vùng Ngọc Lạc, Thọ Xuân, Thanh Hóa thường tồn tại nhiều giai thoại về những người phụ nữ bị “ma làm”, bị dắt vào rừng. Hương vẫn tin mẹ mình còn sống và đang rất cô đơn trong rừng sâu. Năm 17 tuổi một người bạn rủ Hương đi tìm mẹ và cô không mảy may nghi nghờ, rời bỏ làng ra đi...

 

Người dắt Hương ra đi không ai khác chính là mẹ mìn Đỗ Thị Tám, người cùng làng nhưng sinh sống ở Quảng Ninh. Thị Tám đã lừa bán Hương sang Trung Quốc cho một người đàn ông già hơn cả tuổi bố Hương ở bán đảo Hải Nam; cuộc đời cô từ đây là một chiếc thuyền giấy mỏng manh trôi nổi trên dòng sông Trường Giang đầy sóng dữ và bão tố.

 

Đau đớn vì bị bạn lừa, Hương tìm cách trốn về nhưng không thành công bởi không biết tiếng, không thạo đường và tiền cung chẳng có. Hương đành lầm lũi sống cùng người chồng già ngoại quốc và làm việc ruộng đồng quần quật như nô lệ. Lưu lạc xứ người được 2 năm thì Hương gặp một người đồng hương cùng cảnh ngộ, cô bạn này khá sành tiếng Trung Quốc và thạo đường về Việt Nam nên 2 người rủ nhau trốn về nước. Vận may đã giúp Hương duy nhất lần này, cô trở về trót lọt nhưng cậu mợ bên ngoại hắt hủi, ông bà ngoại già lọm khọm nhìn Hương nước mắt rưng rưng. Không thể sống nổi ở quê, Hương lại khăn gói trở ra Quảng Ninh tìm gặp người bạn cũ để phơi bày sự thật. Tuy nhiên, khi thấy gia cảnh thị Tám bụng chửa vượt mặt, chồng bại liệt nằm một nơi Hương không nỡ tố cáo người bạn cùng khổ.

 

Đỗ Thị Hương ở lại Quảng Ninh và tham gia vào đội quân cắt tóc, làm đầu gần bến phà Cẩm Phả, một năm sau cô lấy chồng là một tay làm than thổ phỉ, chỉ chuyên cờ bạc rượu chè. Khi Hương có thai đứa con trai đầu lòng, người chồng tráo trở lại bỏ sang Hồng Kông theo cô vợ khác. Không chồng, không người thân, bụng mang dạ chửa nơi xứ lạ một lần nữa đẩy cô vào cảnh bơ vơ. Hương phải trở về quê Thanh Hóa vượt cạn, 7 tháng sau cô ôm con trở lại bến phà Cẩm Phả chuẩn bị cho hành trình phạm tội, cũng là hành trình cô phải xa rời đứa con trai yêu quý. Cho đến tận hôm nay, Hương cũng không biết chính xác con trai mình đang lưu lạc phương trời nào...

 

Vào khoảng giữa năm 2000, Hương có một mối khách “xộp” đến làm đầu. Lân la một thời gian, họ đề nghị Hương giới thiệu cho họ những cô gái trẻ để đưa sang Trung Quốc. Hương nhận lời và chọn ngay H., một cô gái chưa đầy 16 tuổi cũng làm nghề gội đầu để bán cho những kẻ buôn người kia với giá 4,5 triệu đồng. H. bị bán sang Trung Quốc một thời gian đã trốn được về và tố cáo hành vi phạm pháp của Đỗ Thị Hương. Bị tố cáo, Hương đành phải gửi con cho một người quen ở Phú Thọ rồi trốn chui rúc trong những ngôi nhà ven bến phà Cẩm Phả.

 

Đầu năm 2003, Hương bị bắt và phải chấp hành án phạt tù 6 năm trong trại Hoàng Tiến. Các cán bộ ở đây cho biết, cơ quan điều tra đã tiến hành xác minh, đồng thời tổ chức tìm kiếm tung tích người con trai năm nay lên 6 tuổi của Hương ở Phú Thọ theo địa chỉ Hương cung cấp nhưng chưa có kết quả. Trong trại giam, phần vì căn bệnh thoái hóa cột sống hành hạ, phần vì nhớ con đã khiến cô gái trẻ (và có chút nhan sắc) Đỗ Thị Hương già hơn cái tuổi 26 của cô rất nhiều, ánh mắt Hương lúc nào cũng nhìn xuống, đượm buồn.

 

Trần Đức