1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nỉ non một cánh cò

Ngày nào cũng vậy, cứ đến giờ đi dạy, chị lại đưa anh sang nhà ba mẹ để gửi. Hai chiếc bóng, một cao gầy, một thấp bé cứ bước thấp bước cao trên con đường nắng. Hàng xóm kể có hôm ba mẹ đi vắng, không biết nhờ ai trông chồng, chị đứng khóc trước hiên nhà.

Hoạ giữa đường

 

Nỉ non một cánh cò - 1

Mười mấy năm chia ngọt sẻ bùi, giờ đây chị chăm sóc anh như trông chừng một đứa trẻ

 

Anh ngồi đó, thẫn thờ nhìn ra cửa, chẳng ngạc nhiên cũng chẳng phản ứng gì, mặc cho ống kính máy quay hướng về phía mình, mặc cho ai có hỏi han, trò chuyện. Chị mắt đỏ hoe, ân cần, dỗ dành anh để đút từng muỗng canh, nhặt cho anh từng hạt cơm rơi vãi…

 

Đã có thời mọi việc lớn nhỏ trong nhà này đều do một tay anh gánh vác, từ con gà, con heo đến việc chăm lo đồng ruộng, ba mẹ chị cũng chỉ nhờ vào anh. Vậy mà chỉ sau một tai nạn giao thông, giờ đây, người đàn ông 42 tuổi, cao hơn mét tám ấy phải sống đời sống của một người chưa trưởng thành, không biết làm cách nào để chăm sóc bản thân, không cầm nổi một chén cơm, không biết xúc làm sao để cơm không vung vãi, việc đi đứng cũng trở nên khó nhọc.

 

Đó là một ngày cuối tháng 6/2009, sau một ngày vất vả trên đồng ruộng, anh đi bộ về đến trước cửa nhà thì bị một xe máy đâm vào, té xuống vệ đường. Bác sĩ bảo anh bị chấn thương sọ não rất nặng, lại là người có máu hiếm, phải phẫu thuật gấp. Vậy mà, sau bao nhiêu nỗ lực, các bác sĩ chỉ giúp giữ lại mạng sống chứ không thể giúp anh hồi phục trí nhớ.

 

Hơn nửa năm trôi qua, hàng ngày, chị vẫn ân cần nhắc cho anh nhớ từng chút một nhưng anh vẫn không biết mình là ai, không biết ai là vợ, ai là con mình. Không hung hãn, không la mắng nhưng cái nhìn chằm chằm vô cảm của anh khiến hai đứa con nhỏ không dám đến gần. Mọi sinh hoạt của anh đều nhờ vào chị. Mười mấy năm chia ngọt sẻ bùi, chị làm vợ anh và giờ đây, chị lại chăm sóc anh cẩn thận như chăm một đứa trẻ.

 

Căn nhà kêu bán

 

Nỉ non một cánh cò - 2

Một vai cô giáo này giờ đây phải gánh gạo nuôi chồng nuôi con, vừa phải gánh chữ cho đám học trò

 

Chị kể rằng chạy chữa cho anh lần đó mất hơn 100 triệu đồng, người gây tai nạn nghèo quá và đã bỏ trốn nên không hỗ trợ được gì. Chị vét hết tiền hai vợ chồng dành dụm hơn mười năm, số tiền mà chị định dùng để sửa lại căn nhà gỗ cũ nát được khoảng 20 triệu đồng rồi kêu bán bò, bán đồ dùng trong nhà, vay mượn họ hàng, vay nóng bên ngoài chạy vào bệnh viện. Giờ ngồi tính lại, lãi đã chồng thêm lãi.

 

Nhìn phần đầu còn móp méo của anh, chúng tôi ái ngại hỏi bao giờ sẽ phải làm thêm một lần phẫu thuật nữa, chị gạt nước mắt, bảo: “Tui đang kêu bán cái nền nhà này rồi xin ba mẹ cho về ở chung, kêu cũng lâu rồi mà chưa ai hỏi mua hết. Bán cái nhà này, tui đau lòng lắm. Đây là của ba mẹ cho, dù nó rách rưới, cũ kỹ nhưng là nơi che nắng che mưa của cả gia đình mười mấy năm trời, nhưng không còn cách nào khác. Bác sĩ đã cho biết thời điểm làm phẫu thuật và nói chi phí lần này chắc phải hơn 40 triệu, thật tình không làm sao lo nổi. Bán cái nhà cũng không đủ để trả nợ đã vay…”.

 

Rồi chị nhìn về phía chồng, anh vẫn ngây ngô ngồi nhìn khách lạ, không nói, không cười. Những nỗi lo của chị phía trước còn dài lắm. Dù có phẫu thuật, việc anh phục hồi trí nhớ chị không dám hy vọng, chỉ mong anh biết tự chăm sóc bản thân để chị yên tâm lên lớp.

 

Nhà có bốn người, hai con còn nhỏ lại không dám đến gần cha, hàng ngày, đến giờ đi dạy chị đưa chồng mình sang nhà cha mẹ để gửi. Bởi, đã có lần, anh bước thấp bước cao, lang thang ra đường, đứng bắt xe xin quá giang, hỏi đi đâu thì anh không biết…

 

Thương con gái gặp cảnh không may, đã trắng tay sau tai nạn của chồng lại còn nợ nần chồng chất, ba mẹ chị một lần nữa đùm bọc con mình. Ngoài 70 tuổi, không có con trai, ba mẹ chị ngày ngày vẫn phải ra ruộng, ra đồng. Ông bà phải giúp con trông rể, trông cháu, trông hai người chị cũng đến tuổi về trời… và giờ đây, lại nuôi thêm bốn miệng ăn của gia đình chị.

 

Chị bảo đã có lúc chị nghĩ mình không còn đủ sức để đứng trên bục giảng. Nhìn về phía trước, chị chỉ có một người chồng đau ốm, hai con nhỏ dại và một số nợ quá sức chi trả của mình. Nhưng rồi những ánh mắt trẻ thơ và lòng yêu nghề đã giúp chị có thêm sức mạnh. Giờ đây, một vai cô giáo này ngoài việc gánh chữ cho gần 40 đứa học trò, chị còn phải gánh gạo nuôi chồng, nuôi con. Nỗi lo làm sao có tiền để hàng tuần đưa chồng quay lại bệnh viện ở TPHCM tái khám, làm sao có tiền trả hết nợ, để phẫu thuật lắp hộp sọ cho chồng khiến chị không đêm nào ngủ yên…

 

Chị là cô giáo Ngô Thị Mỹ Linh, giáo viên trường tiểu học Xóm Mía, xã Phước Trạch, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh.

 

Theo Bích Uyên

 Sài Gòn tiếp thị