1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

“Nhường” Chính phủ quyền quyết định thu phí đường bộ với xe máy

(Dân trí) - Báo cáo giải trình, tiếp thu về dự án luật Phí và lệ phí tại UB Thường vụ Quốc hội sáng 10/8, Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển nêu giải thích, tuỳ từng thời kỳ, Chính phủ có thể quyết định thu hoặc dừng thu phí đối với xe máy.

Báo cáo giải trình tiếp thu dự án luật của UB Tài chính Ngân sách nhấn mạnh vấn đề phân định phí, lệ phí và các loại giá dịch vụ đề ra.

Bác quan điểm quy định cả các dịch vụ do tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp vào luật Phí và lệ phí, Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển cho rằng, việc đưa nội dung này ra khỏi phạm vi điều chỉnh của luật sẽ có tác dụng rất lớn trong việc đẩy nhanh việc thực hiện xã hội hóa, thu hút đầu tư vào các lĩnh vực mà khối tư nhân có thể tham gia đầu tư và cung cấp dịch vụ. Nhà nước sẽ rút dần các hoạt động đầu tư, cung cấp dịch vụ ở các lĩnh vực mà tư nhân có thể tham gia và chỉ cung cấp các dịch vụ quan trọng, thiết yếu, có tác động lớn đến an sinh xã hội mà khu vực tư nhân không có khả năng tham gia.

Các loại giá dịch vụ cũng không phải “thả nổi” mà Nhà nước vẫn nắm quyền quản lý đối với những dịch vụ thiết yếu, tác động lớn đến đời sống của người dân và xã hội.

 

phi-duong-bo-53b7d

Phân tích cụ thể vấn đề minh bạch phân loại giữa phí, lệ phí với giá dịch vụ, cơ quan thẩm tra dự án luật nhấn mạnh, về bản chất đây là những loại tiền thu rất khác nhau.

Giá dịch vụ là quan hệ cung cầu, mang tính ngang giá và tính đến lợi nhuận của các đơn vị cung cấp dịch vụ nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân ngoài Nhà nước đầu tư, cung cấp các dịch vụ tốt hơn cho người dân. Phí là khoản thu của Nhà nước khi thực hiện việc cung cấp dịch vụ cho người dân, mang tính bù đắp chi phí bỏ ra khi Nhà nước cung cấp dịch vụ. Lệ phí là khoản thu có tính chất bắt buộc, thông qua hoạt động quản lý nhà nước.

Còn các loại giá dịch vụ thì được điều chỉnh bởi Luật Giá.

Về danh mục phí, lệ phí, nhiều ý kiến đề nghị bỏ một số loại phí, lệ phí không phù hợp với thực tế, rà soát bỏ một số khoản phí, lệ phí có mức thu thấp, chi phí hành thu lớn.

UB Tài chính Ngân sách thống nhất quan điểm, ngay sau khi Quốc hội cho ý kiến lần đầu về dự án luật này tại kỳ họp thứ 9 vừa qua, thường trực UB và cơ quan soạn thảo luật (Bộ Tài chính) đã phối hợp với các bộ, ngành địa phương rà soát, sắp xếp, bãi bỏ 5 khoản phí (như phí cấp lại thẻ bảo hiểm y tế, phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm…), 6 khoản lệ phí (như lệ phí cấp phiếu lý lịch tư pháp, lệ phí cấp biển số nhà, lệ phí cấp giấy phép sử dụng con dấu…), chuyển 4 khoản phí sang giá nhưng cũng bổ sung 6 khoản phí khác.

Về câu chuyện thời sự đặt ra liên quan đến đề xuất của nhiều đại biểu Quốc hội bỏ phí sử dụng đường bộ đối với xe máy, Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển cũng giải thích cụ thể.

Phí sử dụng đường bộ là một loại phí thu thuộc lĩnh vực giao thông nằm trong Danh mục kèm dự thảo luật, áp dụng cho nhiều loại phương tiện tham gia lưu hành nhằm mục đích tạo nguồn thu phục vụ cho công tác bảo trì đường bộ. Trong dự thảo luật không ghi thành một danh mục riêng.

Việc quy định chi tiết các loại phương tiện thuộc đối tượng điều chỉnh của khoản phí này và mức thu cụ thể là do Chính phủ quy định, căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu của công tác quản lý theo từng thời kỳ, Chính phủ sẽ quyết định thu hoặc dừng thu đối với từng loại phương tiện cụ thể.

Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản kiến nghị với Chính phủ xem xét, quyết định dừng thu phí đối với xe máy.

Vì vậy, UB Tài chính Ngân sách và Cơ quan soạn thảo đề nghị xin giữ như dự thảo luật.

Đưa học phí, viện phí ra khỏi danh mục phí

Về một số loại phí cụ thể liên quan đến dân sinh như đề nghị quy định thống nhất mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi và xe gắn máy tại tất cả các địa phương, Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển nhận định, lệ phí trước bạ là khoản thu liên quan đến quản lý tài sản và là khoản thu quan trọng của ngân sách nhà nước (NSNN). Mặt khác, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các nước đều có khoản thu liên quan đến đăng ký tài sản nhưng mỗi nước thực hiện phương pháp thu khác nhau. Do đó, để đảm bảo nguồn thu NSNN và phù hợp với thông lệ quốc tế, Ủy ban TCNS và Cơ quan soạn thảo thống nhất giữ như Dự thảo luật.

Xét nguyên tắc xác định mức thu đảm bảo bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của công dân, theo đó khi Chính phủ quyết định mức thu phải đảm bảo thống nhất trong cả nước, UB Tài chính ngân sách và Cơ quan soạn thảo đề nghị không quy định cụ thể lệ phí trước bạ đối với ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi và xe gắn máy trong Dự thảo luật và phân cấp cho Chính phủ quy định như các khoản phí, lệ phí khác.

Với những ý kiến đề nghị không chuyển học phí và viện phí sang cơ chế giá, ông Hiển cho biết, theo quy định tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Giáo dục và Luật Giá, dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và dịch vụ giáo dục, đào tạo tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở giáo dục, đào tạo của Nhà nước đã được chuyển sang cơ chế giá và đang được Nhà nước định giá.

Chính phủ cũng đã quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong các lĩnh vực: Giáo dục đào tạo; dạy nghề; y tế... theo đó, đã quy định rõ lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước. Đồng thời, để tránh tác động lớn đến đời sống của người dân, theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế và Nghị định của Chính phủ trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo đã có các chính sách hỗ trợ cho người nghèo và các đối tượng chính sách.

Để đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, cơ quan thẩm tra luật cũng thống nhất đề nghị đưa học phí và viện phí ra khỏi phạm vi điều chỉnh của Luật.

P.Thảo