1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Những vụ trộm kỳ lạ của một “siêu trộm nhí”

Đó là vụ án kỳ lạ nhất. Lần lượt 3 vụ trộm xảy ra trong cùng một ngôi nhà ở 3 thời điểm khác nhau, nhưng cách thức đều giống y hệt các tình tiết của vụ trộm được miêu tả trong cuốn tiểu thuyết mà chủ nhà đang đọc.

Cuộc gọi lúc nửa đêm

 

23h đêm khoảng chừng giữa tháng 7 năm 2004, chuông điện thoại trực ban Công an phường Quảng An gióng giả. Trung tá Hoàng Ngọc Thuần nhấc máy, bên kia đầu dây, giọng một một phụ nữ lơ lớ tiếng Việt vội vã: “Nhà có trộm, tôi cần các anh giúp ngay...”. Ngay lập tức, Trung tá Thuần cùng đồng sự trong ca trực hôm ấy lao trong đêm hướng về phía cuối phố Xuân Diệu, quận Tây Hồ, Hà Nội.

 

Đó là ngôi nhà của một Việt kiều mới từ Pháp sang Việt Nam công tác chưa lâu, nữ đạo diễn múa nổi tiếng Thủy Ea Sola (tác giả của vở kịch múa nổi tiếng “Hạn hán và cơn mưa”). “Thưa bà, nhà bà bị mất cái gì?”. “Tôi chưa mất gì cả nhưng chắc chắn một lúc nữa thôi, hoặc một thời điểm nào đó trong đêm hôm nay tên trộm đó sẽ đột nhập vào nhà. Tôi có đề nghị các ông hãy ngủ lại đây tối nay!” - nữ đạo diễn người Pháp gốc Việt đưa ra đề nghị.

 

3 vụ trộm “nhảy ra” từ tiểu thuyết

 

Hai chiến sĩ công an ngao ngán nhìn nhau, gặng hỏi lý do vì sao mà bà Việt kiều này lại khẳng định trong đêm nay sẽ có trộm đột kích vào nhà? Bà Thuỷ bảo vừa đọc xong một cuốn tiểu thuyết của Pháp nhan đề “Ngôi nhà ba lần kẻ trộm viếng thăm”. Bà quả quyết: Hai lần kẻ trộm vào nhà, tình tiết giống y như hai lần đầu kẻ trộm viếng thăm ngôi nhà trong cuốn tiểu thuyết bà đọc. Hôm nay, đọc xong chương cuối cùng, nếu như đúng trong sách thì nhất định hắn sẽ quay lại.

 

Hai nhà chức trách cười thầm: Có thể sẽ xảy ra trường hợp ngẫu nhiên như thế, nhưng “không thể ngủ lại đây chỉ vì những gì bà ấy đọc được ở chương cuối cùng của cuốn tiểu thuyết và cho rằng đó là kịch bản của cuộc “viếng thăm” lần thứ 3 của tên trộm.” Trung tá Thuần băn khoăn: “Sẽ như thế nào đây, khi ngày mai lục tục về cơ quan báo cáo với sếp rằng ngủ lại một nhà người dân vì họ yêu cầu với lí do thiếu thực tế như thế!”

 

Không thể đáp ứng được nguyện vọng của vị khách người Pháp gốc Việt này, đêm hôm đó hai đồng chí công an ra về.

 

6h sáng hôm sau, chưa kịp giao ca, điện thoại phòng Trung tá Thuần lại réo lên. Oái oăm thay, lại giọng bà Việt kiều tối qua thở dài trách móc: “Nhà tôi bị mất cắp một máy tính xách tay và một điện thoại...”.

 

Sau khi xem xét hiện trường, có một điều lạ lùng rất đặc biệt không những gây sửng sốt cho chủ nhà mà còn làm bất ngờ cho các đồng chí công an rằng: Tất cả tình tiết của vụ trộm đêm qua rất giống với nội dung cuốn tiểu thuyết mà bà đạo diễn người Pháp vừa đọc xong. Vụ trộm như thể một trò đùa tai quái.

 

“Kẻ tàng hình”

 

Khi tiến trình điều tra bế tắc, các chiến sĩ công an tiếp tục vấp phải một vụ khác. Đó là vụ mất trộm lạ kỳ ở nhà ông Martin, Phó đại sứ New Zealand tại Việt Nam. Theo Trung tá Thuần: Căn hộ số 3, ngõ 275, đường Âu Cơ được trang bị hệ thống chống trộm rất tối tân. Khi được yêu cầu kiểm tra hệ thống báo động vòng ngoài, nhân viên an ninh ở đây quả quyết: “Đến con chuột không thể lọt qua”.

 

Căn phòng nơi tài sản bị đánh cắp nằm trên gác 2, cơ quan điều tra tìm mãi không phát hiện được dấu vết gì để lại. Cửa chính vẫn đóng kín. Cửa sổ vẫn cài chốt cẩn thận. Suốt buổi sáng hôm ấy, công an vẫn không tìm ra con đường đột kích của tên “đạo chích”. Trung tá Thuần cũng tính đến trường hợp tên ăn cắp này cao tay tạo nên hiện trường giả. Nhưng càng ngày giả thuyết đó càng vô lý. Cả chủ nhà, cơ quan chức năng đều ngán ngẩm. Tên trộm, nếu có, chắc là... một kẻ tàng hình (?!).

 

Lần ra dấu vết từ một sợi vải

 

Làm một điếu thuốc cho đầu óc tỉnh táo, rít một hơi dài, Trung tá Thuần ngẩng mặt lên trần xả hơi thuốc, bất chợt đập vào mắt ông cái cửa tum trên nóc phòng. Cánh cửa vẫn đóng cẩn thận song lại có một sợi vải vướng lại.

 

Ông vội vàng leo lên. “Đúng rồi - Trung tá Thuần mừng rơn - “hắn” chui qua đây”. Trong lúc hành sự, áo của tên đột vòm này vô tình bị vướng vào khuy cửa để lại một sợi vải. Nhưng cửa bé thế này, làm sao người lớn chui qua được? Làm sao hắn vượt qua tường mà không bị hệ thống chống trộm “soi”?

 

“Bề ngoài nhỏ con, thân hình dẻo dai khác người”, mà có lần, một tên trộm bị bắt đã từng khai với ông về hắn. Ý nghĩ đầu tiên vụt hiện đến: Chỉ có thể là hắn thôi, một người quen cũ.

 

Quả vậy, ngày 22/8/2006 Công an phường Quảng An nhận được công văn kết luận của Phòng PC21 CATP Hà Nội khẳng định, dấu vết vân tay thu được tại hiện trường hai vụ trộm ngày 20/7/2006 và 31/7/2006 là của Vũ Văn Duy.

 

Biết đích danh rồi, nhưng làm thế nào để bắt được hắn thì lại là chuyện không hề đơn giản. Mẻ lưới được giăng.

 

Bẵng đi một thời gian, khi các thông báo truy tìm đối tượng trộm tài sản cực kỳ nguy hiểm này được dán khắp các ngõ phố, được đọc trên loa phát thanh của phường, Duy bỗng lặn mất tăm.

 

Trung tá Thuần lại phải bắt đầu từ manh mối vu vơ. Ông vào vai một người nhà của Duy, quay về trường giáo dưỡng số 2 ở Ninh Bình hỏi thăm. Đến đây, ông mới ngã ngửa ra vì Duy mới rời trường ra đi cách đó 1 ngày. Bạn bè trong trại có khoe rằng, Duy tiết lộ đã tìm được bố mẹ đẻ và quay lại tặng một số món quà có giá trị để cảm ơn thầy và bạn bè đã giúp đỡ trong những ngày tháng ở đây.

 

Trách mình chậm chân, ông ngược lên Phao Sơn, Phả Lại, Chí Linh, Hải Dương cũng không có thêm manh mối gì. Nhưng Trung tá Thuần nhận định: “Tên tiểu tử này sắp tiêu hết tiền, vì đợt khoắng gần đây nhất hắn đã cho bạn bè rất nhiều, thể nào cũng ngựa quen đường cũ”.

 

Đúng như dự đoán, khoảng 23h30 ngày 13/9/2006, một cú điện thoại gọi đến từ một người dân trên địa bàn thông báo nhìn thấy một người lảng vảng ở đầu đường Âu Cơ đặc điểm nhận dạng giống với Vũ Văn Duy. Ngay lập tức, tổ chuyên trách vào cuộc. Công an phường phối hợp với tổ dân phố và dân phòng tiến hành tuần tra trên diện rộng.

 

Khoắng sạch 200 triệu một đêm

 

Quá nửa đêm, lực lượng điều tra vẫn chưa tìm thấy một dấu hiệu nào cho thấy có sự trở lại của Duy. Trời khuya tĩnh mịch, ánh đèn cao áp dọc đường vẫn hắt sáng qua các lùm cây ven vỉa hè in lên tường những ngôi biệt thự cao tạo nên những vệt tối sáng khó quan sát. Lực lượng điều tra vẫn mai phục trong màn đêm chập chờn ấy. Không một gợn gió, làm cho không khí càng thêm oi bức khó chịu.

 

Chợt một đồng sự vỗ nhẹ: “Sếp”! Không có gió sao lùm cây đầu nhà số 27 ngách 1/42 lại cứ đung đưa kìa”. Nán lại 2 phút, tuy ở xa nhưng hai người vẫn thấy rõ mồn một một bóng đen đang đu người từ lùm cây để vượt qua tường. Chỉ trong chốc lát, kẻ nửa đêm vượt tường đã bị tổ công tác bắt giữ, không ai khác chính là Duy “thạch sùng”.

 

Làm việc với cơ quan điều tra, Duy khai nhận đã “hành động” hơn 10 vụ trộm tài sản có giá trị lớn, từ khi được ra khỏi Trường Giáo dưỡng số 2 Ninh Bình đầu năm 2006. Cá biệt, có vụ trộm với tổng giá trị tài sản lên tới hơn 200 triệu đồng.

 

Cuộc truy kích dài 7 năm

 

Có một điều rất thú vị mà Trung tá Hoàng Ngọc Thuần kể với chúng tôi rằng suốt 7 năm trời “theo dõi” tên trộm có biệt danh “con thạch sùng”, không một ngày nào ông không bị ám ảnh bởi những mất mát mà tên trộm này gây nên. Nhưng trong thời gian dài đó, ông chỉ đối mặt với “con thạch sùng” có 3 lần.

 

Lần đầu, hắn mới 12 tuổi, mặt còn búng ra sữa, dọa cho mấy câu đã thành khẩn khai ra hết. Nhưng những lần sau, mỗi lần gặp đều gây ngạc nhiên cho ông, đến mức không nhận ra vì có hơn 1 năm không gặp mà hắn đã lớn nhanh như thổi. Khuôn mặt đã trở nên lạnh lùng và lì lợm.

 

2 lần trước, Duy chưa đủ tuổi phải chịu án tù, được đi cải tạo ở trường giáo dưỡng. Nhưng sau mỗi lần ra trường, hắn không hoàn lương mà thủ đoạn trộm cắp càng tinh vi hơn.

 

Sau ngày 13/9/2006, trước khi đưa hồ sơ của Duy chuyển đến toà án, Trung tá Thuần có 7 năm “gắn bó” với hắn, khuyên rằng: “Lần này, không thoát được tù tội đâu. 18 tuổi rồi. Rồi sẽ ra tù. Nhưng để chúng ta không phải gặp nhau ở đồn công an thì hãy hoàn lương đi”.

 

Khi hỏi về chi tiết 3 vụ trộm mà Duy gây ra và các tình tiết của cuốn tiểu thuyết mà nữ đạo diễn Thuỷ Ea Sola đọc, có liên quan gì đến nhau không, Trung tá Thuần cười: Trùng hợp ngẫu nhiên thôi. Một kẻ lang thang thất học như Duy, đánh vần còn khó, nói gì đến đọc tiểu thuyết. Duy khai rằng, hắn chả biết tiểu thuyết là gì cả...

 

Theo Nguyễn Quang Thành

Gia đình & Xã hội

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm