Những việc công an phường không được làm khi nhận tố giác, tin báo tội phạm
(Dân trí) - Thông tư số 126 vừa được Bộ Công an ban hành quy định rõ những việc cán bộ, chiến sĩ Công an xã, phường, thị trấn, Đồn công an, Trạm công an không được làm khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm.
Theo Thông tư 126/TT-BCA quy định việc thực hiện dân chủ trong hoạt động điều tra của lực lượng Công an nhân dân vừa được Bộ trưởng Bộ Công an ký ban hành, các cơ quan của Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải bố trí cán bộ trực để tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự.
Khi tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm (kể cả khi tự phát hiện dấu hiệu của tội phạm), nếu có căn cứ xác định tố giác, tin báo về tội phạm không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan mình thì trong thời hạn 24 giờ kể từ khi có căn cứ xác định, các cơ quan của Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có trách nhiệm chuyển ngay đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền theo quy định pháp luật.
Trường hợp tố giác, tin báo về tội phạm thuộc thẩm quyền thì ra quyết định phân công giải quyết hoặc quyết định khởi tố vụ án hình sự; đồng thời thông báo kết quả tiếp nhận, giải quyết cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đã báo tin, tố giác tội phạm biết.
Công an xã, phường, thị trấn, Đồn công an, Trạm công an có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm. Trường hợp khẩn cấp, cấp bách, cần ngăn chặn ngay tội phạm, thu thập chứng cứ, bảo vệ hiện trường thì phải báo cáo ngay đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền bằng hình thức liên lạc nhanh nhất và thực hiện các biện pháp giải quyết kịp thời theo quy định của pháp luật.
Đáng chú ý, Thông tư 126 quy định rõ những việc cán bộ, chiến sĩ Công an xã, phường, thị trấn, Đồn công an, Trạm công an không được làm khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm gồm: Nhận đơn, thư, giải quyết công việc cho công dân tại nhà riêng hoặc bất cứ nơi nào ngoài trụ sở cơ quan công an, trừ trường hợp cấp bách công dân đến báo tin về tội phạm; đồng thời phải báo cáo ngay với lãnh đạo trực tiếp biết.
Không được sách nhiễu hoặc cầu lợi dưới bất kỳ hình thức nào đối với người gia tố tụng, người thân thích của học và cơ quan, tổ chức có liên quan; không được tư vấn cho người bị buộc tội, người thân thích của họ, đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác trái pháp luật.
"Không được can thiệp trái pháp luật vào giải quyết vụ án, vụ việc hoặc lợi dụng ảnh hưởng của mình tác động đến người có trách nhiệm giải quyết; đưa hồ sơ, tài liệu vụ việc ra khỏi cơ quan nếu không vì nhiệm vụ được giao"- Thông tư nêu rõ.
Ra quyết định, có hành vi tố tụng trái pháp luật bị xem xét, xử lý
Điều 14 Thông tư 126 nhấn mạnh: Trong mọi trường hợp công dân bị khởi tố bị can, bị bắt, giữ, tạm giữ, tạm giam, bị khám xét, thu giữ, tạm giữ đồ vật, tài liệu, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản trái pháp luật đều phải được phục vụ về danh dự, quyền và lợi ích hợp pháp cũng như được bồi thường về vật chất, tinh thần theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Thủ trưởng, Phó thủ trưởng, Điều tra viên, Cán bộ điều tra của Cơ quan điều tra; cấp trưởng, cấp phó, cán bộ điều tra các cơ quan của Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra ra quyết định, có hành vi tố tụng trái pháp luật bị xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.