1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Những tín hiệu “lạ” ở huyện nghèo vùng cao Đakrông

Ở một huyện vùng cao nhưng xã Tà Rụt và Tà Long đã có 2 khu nội trú dành cho học sinh, nhiều người nghèo đã chuyển từ căn nhà lụp xụp lên nhà gỗ hoặc xây kiên cố… Cuộc sống của những người dân nơi đây đang đổi thay.

Có nhà, người nghèo yên tâm làm ăn

Đến nhà anh Hồ Văn Rế, thôn Pa Hy, xã Tà Long, không ai nghĩ mới cách đây 1 – 2 năm thôi, gia đình anh vẫn thuộc hộ nghèo. Trước mắt chúng tôi là ngôi nhà gỗ 3 gian khang trang, sạch sẽ. Nằm bên cạnh là ngôi nhà cũ lợp ngói lụp xụp, bé tin hin được dùng để làm bếp đun thức ăn cho lợn, gà. Ngôi nhà nhỏ như một minh chứng cho những tháng ngày khó khăn đã qua của gia đình anh.

Tranh thủ ngày nông nhàn, Hồ Văn Rế mang rựa đi phát bớt cỏ ở vườn tràm quanh nhà. Gạt những giọt mồ hôi, anh Rế vui vẻ cho hay: “Nhà này mình mới xây được 1 năm thôi. Hồi mới xây, ai cũng bảo nghèo mà xây cái nhà to thế. Nhưng mình đã được Viettel hỗ trợ 60 triệu rồi, gỗ cũng tích được một ít, nên hai vợ chồng mình bàn nhau, cố vay mượn thêm 60 triệu từ ngân hàng chính sách để làm cái nhà cho tử tế.


Nhờ hỗ trợ của Viettel, anh Hồ Văn Rế đã dựng được căn nhà khang trang. (Ảnh: Nguyễn Thanh)

Nhờ hỗ trợ của Viettel, anh Hồ Văn Rế đã dựng được căn nhà khang trang. (Ảnh: Nguyễn Thanh)

Có nhà cửa ổn định mới lo làm ăn được. Một năm rồi, mới trả được 20 triệu, vẫn còn nợ 40 triệu nhưng có cái nhà ổn định không sợ mưa gió thì làm ăn trước sau gì cũng trả được”.

Sinh ra trong gia đình nghèo, đến lúc lập gia đình, vợ chồng anh cũng chỉ có một mảnh đất bé cỏn con vừa đủ dựng cái nhà cấp 4, với mấy miếng tôn lợp ở trên, xung quanh vá víu. Tới khi nhân khẩu cả nhà đã lên con số 4 người vẫn phải ở trong cái nhà ấy, vì có con lại phải xoay sở để nuôi con, tiền đâu mà xây nhà.

“Mùa nắng thì không nói nhưng mùa mưa đến khổ lắm, nhà cứ dột khắp nơi. Con cái lại nheo nhóc. Nhiều lúc cũng muốn quyết tâm vay mượn khắp nơi để làm cái nhà, cái cửa tử tế mà ở. Nhưng xung quanh anh em, họ hàng ai cũng nghèo. Nên mãi chẳng làm được, may nhờ có Viettel hỗ trợ mình mới có cơ hội có cái nhà” – anh Rế chia sẻ.

Từ khi có nhà, đời sống của gia đình anh Rế cũng thay đổi nhiều. Từ khoản vay ngân hàng chính sách nhiều năm trước, anh Rế đã có 4 con trâu, 3 sào sắn, mấy ha vừa trồng keo, trồng tràm.

Theo anh Rế, nhờ ổn định cuộc sống, nên vợ chồng anh cứ làm túc tắc. Một năm được một mùa sắn 7 triệu, anh lại tiết kiệm 5 triệu để trả nợ. Tới giờ, anh chỉ còn khoản nợ ngân hàng vay để làm nhà là vẫn chưa trả được. Nhưng trông anh lúc nào cũng lạc quan bởi, anh nghĩ còn sức khoẻ vẫn còn làm ra được.

Anh Rế chỉ là một trong hơn 1.300 hộ nghèo ở huyện Đakrông được Tập đoàn Viettel hỗ trợ xoá nhà tạm. Có nhà cửa ổn định, đời sống của bà con đã đi vào ổn định, tiến tới xoá nghèo bền vững.

Trẻ em có cơ hội đến trường

Cả huyện chỉ có 2 trường cấp 3, nhà xa cách hàng chục cây số nên nhiều học sinh nghèo ở vùng sâu, vùng xa thuộc huyện Đakrông (Quảng Trị) phải ở nội trú trong trung tâm. Nhiều năm nay, con đường đến trường của các em học sinh ở 2 trường TH, THCS, THPT trên địa bàn 2 xã Tà Rụt, Tà Long đã bớt gập gềnh. Các em không còn phải băng đèo, vượt suối hằng ngày để đến lớp khi Viettel đã đã giúp đỡ bà con xây dựng hai khu nhà nội trú dành cho học sinh từ cấp 1 đến cấp 3.

Em Hồ Thị Móm (người dân tộc Pa Cô) từ xã A Vao phải sang xã Tà Rụt để học và ở nội trú. Em Móm cho biết, nhà cách trường chỉ hơn 10 km nhưng do thôn ở xa, phải lội ra qua suối nên quãng đường này càng xa hơn bao giờ hết.


Trạm y tế xã Đakrông được xây dựng khang trang giúp công tác chăm sóc sức khoẻ cho người dân được tốt hơn. Trước đây, trạm y tế Đakrông chỉ là căn nhà cấp 4 lụp xụp.  (Ảnh: Nguyễn Thanh)

Trạm y tế xã Đakrông được xây dựng khang trang giúp công tác chăm sóc sức khoẻ cho người dân được tốt hơn. Trước đây, trạm y tế Đakrông chỉ là căn nhà cấp 4 lụp xụp.  (Ảnh: Nguyễn Thanh)

“Từ khi vào ở nội trú, bố mẹ cũng an tâm cho em đi học vì không phải đi vào vùng suối có dòng nước xiết nguy hiểm. Điều kiện sinh hoạt, ăn ở cũng tốt hơn nhiều. Được ở cùng với các bạn khác, em cũng vui lắm, lại càng cố gắng để học tập hơn” – em Móm chia sẻ.

Tập trung vào hoạt động hỗ trợ tập trung vào xây dựng hạ tầng thiết yếu về y tế, giáo dục, nhà ở… giúp tạo ra cơ hội phát triển bền vững và sinh kế lâu dài chứ không tài trợ tiền trực tiếp là điều Tập đoàn Viettel đang tiến hành triển khai trên địa bàn huyện Đakrông.

Theo Thiếu tướng Hoàng Công Vĩnh – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel, điểm khác biệt trong các chương trình dành cho người nghèo của Viettel là luôn thống nhất với việc giúp “Tạo ra cần câu chứ không cho con cá” trong các chương trình của mình.

7 năm qua, Viettel đã đầu tư hỗ trợ gân 60 tỷ đồng để xây dựng trạm y tế, xây trường bán trú dân nuôi, hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, đầu tư hạ tầng… Sự hỗ trợ này đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của huyện. Số tiền này dùng hỗ trợ xóa nhà tạm cho hộ nghèo, xây dựng nhà bán trú dân nuôi, xây dựng trạm xá xã, mua xe cứu thương, tặng bò giống, tổ chức tập huấn về y tế, trồng trọt, chăn nuôi…

Ông Lê Đắc Quỳ, Chủ tịch UBND huyện Đakrông cho hay: Trong điều kiện kinh tế xã hội của huyện còn rất nhiều khó khăn, việc hỗ trợ của Viettel rất thiết thực. Mỗi trạm y tế, trường học, con bò được trao là một là một tin rất vui với những người dân Paco và Vân Kiều nơi đây. Đời sống của người dân sẽ ngày một được nâng lên nhờ cách làm vừa đúng và trúng này.

“Giai đoạn 2017 – 2018, Viettel cam kết cùng phối hợp với Chính quyền, nhân dân thực hiện hỗ trợ huyện Đakrông theo Nghị quyết 30a để thực hiện giảm nghèo nhanh và bền vững, với tổng kinh phí 17,65 tỷ đồng. Các nội dung Viettel thực hiện gồm: Hỗ trợ trực tiếp để nhân dân phát triển sản xuất và chăn nuôi; Hỗ trợ phát triển về lĩnh vực y tế và giáo dục; Hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng và cung cấp giải pháp VT-CNTT.

Cụ thể, Viettel hỗ trợ xóa 159 nhà tạm hộ nghèo với kinh phí 9,75 tỷ đồng; trao tặng hộ nghèo 200 con bò giống và làm chuồng với kinh phí 3,4 tỷ đồng; hỗ trợ 100 hộ nghèo trồng cây sả tạo nguyên liệu tinh dầu với kinh phí 1 tỷ đồng; xây dựng Trạm y tế xã Mò Ó, kinh phí 3,5 tỷ đồng” – Thiếu tướng Hoàng Công Vĩnh cho biết.

Lan Anh