1. Dòng sự kiện:
  2. Thảm họa lũ quét Làng Nủ
  3. Mưa lũ lớn ở miền Bắc

Những tiệm cơm cố gắng “bình dân” thời bão giá

(Dân trí) - Trong khi giá cả mọi thứ tăng vọt khiến người tiêu dùng chóng cả mặt, vẫn còn đó những chủ tiệm cơm thấu hiểu nỗi khổ của người bình dân.

Tiền nào cơm nấy

Giá tiền cơm ở TPHCM hầu hết đã tăng so với trước đây. Cũng có những quán không tăng giá nhưng lượng thức ăn sẽ ít đi.

Anh Thăng, chủ tiệm cơm tại quận 1, giải thích: “Tôi bán cơm đã hơn một năm nhưng chưa thay đổi giá vì nếu tăng, quán sẽ khó giữ được khách. Thay đó, có thể bán thức ăn ít hơn”.

Tuy nhiên, giá tiền cơm còn phụ thuộc vào từng khu vực và loại dịch vụ. Cơm văn phòng thường ở mức 25 - 30 ngàn đồng/suất. Giá cơm bình dân tại tiệm cơm nhỏ hay vỉa hè thì rẻ hơn.

Khu vực giá cao thường ở nơi gần trung tâm thành phố như quận 1 từ 20 – 25 ngàn đồng/ suất, quận 3 giá từ 16 - 22 ngàn đồng/suất. Quận Tân Bình, quận 11 rẻ hơn, từ 15 - 20 ngàn đồng; riêng khu vực quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp, quận 4, giá thường dao động từ 13 - 19 ngàn đồng/suất, thậm chí vẫn có nơi còn rẻ ở mức 10 - 11 ngàn đồng/ suất.

Những tiệm cơm cố gắng “bình dân” thời bão giá - 1
Những quán cơm bình dân luôn là lựa chọn lý tưởng của người thu nhập thấp

Tiền nào cơm nấy. Nếu khách chọn các món như thịt gà, sườn nướng… giá sẽ nhỉnh hơn so với các món trứng chiên, cá, lạp sườn… Và đương nhiên, quán cơm sạch sẽ, sang trọng thì giá sẽ đắt hơn so với quán vỉa hè bụi bặm.

Khách nghèo, chủ ráng “bình dân”

Kinh doanh gắn liền với lợi nhuận nên trong cơn “bão giá”, tăng tiền cơm được xem là việc hiển nhiên. Dẫu vậy, nhiều chủ quán cơm vẫn đứng về phía người lao động nghèo và sinh viên.

Tại quán cơm 44 Nguyễn Văn Đậu, quận Bình Thạnh có nhiều thực khách là người lao động chân tay. Chị Liễu (quê ở Bình Định) làm nghề bán vé số, cứ trưa lại về đây ăn cơm, vì: “Đối với những người bán vé số hay bán hàng rong, chủ tiệm chỉ lấy 12 ngàn đồng mà chọn món nào cũng được. Còn những người khác thì trả 13 - 14 ngàn đồng/suất”.

Anh Hải, nhân viên một công ty gần quán cho biết: “Một tuần tôi ăn cơm ở đây 5 ngày. Thức ăn không quá mắc, cơm thêm ăn thoái mái nên giá cơm ở đây vậy là được”.

Anh Thiện, chủ tiệm cơm chia sẻ: “Bây giờ cái gì cũng tăng giá cả. Nhưng giá tiền cơm thì tăng không nhiều, chỉ tăng ở mức hợp lý để giữ khách”.
 
Không chỉ riêng anh Thiện, nhiều chủ quán cơm hiểu nỗi khó khăn của những sinh viên, người dân lao động nghèo nên vẫn duy trì theo kiểu “lấy công làm lời”.

Cô Minh, một chủ tiệm cơm ở quận Thủ Đức cho biết: “Rất nhiều em sinh viên chỉ mua suất cơm 10 ngàn đồng, tôi cũng bán chỉ để lấy vốn. Lắm lúc, người ta chỉ mua một ít thức ăn, thậm chí mua 1 - 2 ngàn tiền cơm tôi cũng bán luôn. Thời buổi giá cả tăng, ai cũng khó khăn nên phải thông cảm với nhau mà sống”.

Xuân Thanh