Những thách thức nào đang đợi tân Chủ tịch TP Hà Nội?
(Dân trí) - Hàng loạt vấn đề "dân sinh bức xúc" về giao thông, cấp thoát nước, vệ sinh đô thị, môi trường… đang chờ tân Chủ tịch Hà Nội cùng các cơ quan chức năng thành phố "xắn tay" giải quyết.
Tại Kỳ họp thứ 8 diễn ra ngày 22/7, HĐND TP Hà Nội đã bầu chức danh Chủ tịch UBND TP Hà Nội đối với ông Trần Sỹ Thanh. Trước đó, ngày 15/7, ông Thanh được Bộ Chính trị phân công, điều động làm Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội và giới thiệu để bầu làm Chủ tịch thành phố.
Trong nhiệm kỳ 2021-2026, thành phố Hà Nội đặt ra yêu cầu "phải tạo cho được chuyển biến căn bản trong giải quyết những vấn đề dân sinh bức xúc", và đã thống kê được 20 vấn đề nổi cộm cần xử lý, trong đó có ô nhiễm không khí, môi trường, ùn tắc giao thông, trật tự xây dựng, cảnh quan đô thị... Đây có thể nói là những thách thức đang chờ đón tân Chủ tịch thành phố.
Ùn tắc giao thông luôn là vấn nạn bức xúc của người dân thủ đô. HĐND TP đã thông qua Nghị quyết về Chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc, giai đoạn 2021 - 2025. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, tình trạng kẹt xe, tắc đường tại các trục đường chính ra vào thành phố thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm.
Hiện trên địa bàn còn 33 điểm ùn tắc giao thông, là các "điểm nóng" như: Nút giao Ngã Tư Sở; ngã ba Xa La - cầu Bươu; cầu Lạc Trung - Kim Ngưu - Thanh Nhàn, nút giao Liễu Giai - Đào Tấn, đường Nguyễn Khoái đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Vành đai 1, nút giao La Thành - Giảng Võ, nút giao Lê Văn Lương - Hoàng Minh Giám; nút giao Vũ Trọng Khánh - Tố Hữu…
Trong khi đó, Dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội tiếp tục trễ hẹn, đang được đề xuất điều chỉnh thời gian thực hiện dự án từ giai đoạn 2009-2022 thành 2009-2029; Dự án cầu vượt kết cấu thép hình chữ C nối Phạm Ngọc Thạch - Chùa Bộc được khởi công từ tháng 9/2021 dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2022 nhưng đến nay, dự án chỉ đạt tỷ lệ giải ngân là 3,5%...
Ngoài ra, việc sớm triển khai thực hiện các bước đối với Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 (dài hơn 112km, trong đó có 58km đi qua TP Hà Nội) sẽ giúp thành phố giảm áp lực về giao thông; tạo sự kết nối về không gian phát triển cho cả Vùng Thủ đô. Hiện, thành phố vừa thống nhất phương án lập hồ sơ chỉ giới đường đỏ Vành đai 4 và đang giao các cơ quan liên quan hoàn thiện để trình Hà Nội phê duyệt.
Tình trạng mưa ngập "không lối thoát" diễn ra có dấu hiệu ngày càng nặng nề, thậm chí có thể coi việc "cứ mưa to là ngập" trở thành "đặc sản" của Hà Nội. Các giải pháp cải thiện tình hình mưa ngập của thành phố trong nhiều năm qua dường như vẫn chưa đem lại hiệu quả rõ rệt.
Hiện tại, nếu Hà Nội gặp các trận mưa có lưu lượng nước từ 50-100mm/2 giờ, hệ thống xử lý thoát nước sẽ quá tải và gây ra 11 điểm ngập úng tại các tuyến phố: Cao Bá Quát, Phùng Hưng, Tạ Hiện - Lương Ngọc Quyến, Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt, Nguyễn Phong Sắc, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Khuyến…
Về rác thải sinh hoạt, Hà Nội phát sinh khoảng hơn 6.000 tấn/ngày. Tuy nhiên, rác chủ yếu được xử lý bằng phương pháp chôn lấp, kết hợp đốt tại bãi Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) và bãi Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây). Vì vậy, mỗi khi 2 bãi rác này gặp "sự cố" là tình trạng rác thải ngập ngụa, chất đống trong nội thành lại diễn ra.
Một nguồn ô nhiễm lộ thiên khác ngay sát sườn đối với người dân Thủ đô là mạng lưới "dòng sông chết", gồm: sông Tô Lịch, Kim Ngưu, sông Sét, sông Lừ, sông Nhuệ, sông Đáy… Thành phố đã đưa ra nhiều giải pháp để cải thiện nhưng chất lượng xử lý và hiệu quả đem lại đang tỏ ra khá mờ nhạt.
Bên cạnh đó, hàng loạt dự án, công trình văn hóa, thể thao "nằm im" trên giấy khiến nhu cầu của nhân dân chưa được đáp ứng. Cụ thể, Dự án Công viên văn hóa Đống Đa "đắp chiếu" đã 20 năm; Dự án Công viên thể thao cây xanh quận Hà Đông, phê duyệt từ năm 2008 nhưng hiện giờ vẫn ngổn ngang, chậm triển khai theo quy hoạch; Dự án Bảo tàng Hà Nội giai đoạn 2 triển khai xây dựng 8 năm vẫn chưa hoàn thành…
Liên quan đến quy hoạch, sau hơn 10 năm triển khai Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố đã hoàn thành các "mảnh ghép cuối cùng" gồm 6 phân khu nội đô lịch sử, 2 đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỉ lệ 1/5000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở) và quy hoạch phân khu sông Đuống, tỉ lệ 1/5000 (đoạn từ cầu Bắc Cầu đến cầu Phù Đổng).
Tuy nhiên, yêu cầu được đặt ra tiếp theo đối với chính quyền sở tại là tiếp tục lập bản vẽ ranh giới tỉ lệ 1/500; lập quy hoạch chi tiết, quản lý xây dựng… để hình thành các trục không gian đặc trưng hành lang xanh, với các chức năng chính là công trình công cộng, các công viên cây xanh, văn hóa lịch sử, dịch vụ du lịch, giải trí biểu tượng của Thủ đô.
Ngoài hàng loạt vấn đề dân sinh, xã hội đang chờ đợi tân Chủ tịch "xắn tay" khắc phục, xử lý nêu trên, Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển Thủ đô Hà Nội vừa được ban hành còn chỉ rõ, hiện nhiều tiềm năng, lợi thế của thủ đô vẫn chưa được đánh giá, khai thác, phát huy đầy đủ; tăng trưởng kinh tế chưa thực sự bền vững.
Đồng thời, việc phát triển văn hóa, xã hội, xây dựng con người Hà Nội chưa thực sự tương xứng với vai trò, vị thế, tiềm năng và nền tảng lịch sử - văn hóa ngàn năm văn hiến của thủ đô. Hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở còn nhiều bất cập. Hà Nội chưa thể hiện rõ vai trò là trung tâm, động lực tăng trưởng và phát triển của vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.
Bên cạnh đó, Nghị quyết của Bộ Chính trị cũng đề ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân ở Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025 cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước; GRDP giai đoạn 2026 - 2030 tăng 8,0 - 8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 12.000 - 13.000 USD.