Những sự cố hàng không nghiêm trọng nhất năm 2014

(Dân trí) - Máy bay suýt va chạm dưới đất, trên trời; máy bay chở “nhầm” khách; kiểm soát không lưu phát sai huấn lệnh; sập hệ thống điều hành bay; phi công báo động khủng bố… Đó là những sự cố hàng không nghiêm trong nhất trong năm 2014. Dân trí xin điểm lại những sự cố điển hình.

Máy bay suýt va chạm trên đường băng

Ngày 27/6, máy bay của Vietnam Airlines suýt va chạm với máy baycủa Jetstar Pacific tại sân bay quốc tế Đà Nẵng do lỗi điều hành bay của kiểm soát viên không lưu. Cụ thể, chuyến bay VN130 của Vietnam Airlines từ TPHCM hạ cánh xuống Đà Nẵng tại đường băng 35 Phải và tổ lái đã báo cáo nhận huấn lệnh. Cũng thời điểm này, PIC595 của Jetstar Pacific cất cánh từ Đà Nẵng đi TPHCM đang dừng chờ huấn lệnh cất cánh của kiểm soát không lưu tại đường lăn E5.

Máy bay Vietnam Airlines và Jetstar Pacific suýt đụng nhau tại sân bay Đà Nẵng

Máy bay Vietnam Airlines và Jetstar Pacific suýt đụng nhau tại sân bay Đà Nẵng

Bản tin quan trắc tại sân bay Đà Nẵng lúc sự việc xảy ra không có hiện tượng thời tiết đặc biệt, tầm nhìn khoảng 10km, các hệ thống thiết bị thông tin, dẫn đường, giám sát đều hoạt động bình thường. Tuy nhiên, nguyên nhân của sự cố là do kiểm soát không lưu không quan sát kỹ nên đã cấp sai huấn lệnh.

Cục Hàng không Việt Nam cho biết, sự cố đã uy hiếp an toàn hoạt động bay nghiêm trọng, nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời thì có thể dẫn đến tai nạn máy bay gây hậu quả thảm khốc.

Khách đi Đà Lạt chở “nhầm” tới Cam Ranh

Chuyến bay VJ8575 của VietJet Air chở gần 200 hành khách đi Đà Lạt“nhầm”tới Cam Ranh ngày 19/6 không chỉ hy hữu nhất năm 2014 mà là hy hữu nhất trong lịch sử ngành hàng không Việt Nam.

Nguyên nhân do tổ bay, tổ tiếp viên, nhân viên điều phái bay của VietJet Air và cơ sở thủ tục bay thuộc Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài không thực hiện đúng quy trình khai thác bay; Trung tâm điều hành khai thác bay của VietJet Air không thực hiện đúng quy định về triển khai kế hoạch khai thác.

VietJet Air chở nhầm khách là sự cố hy hữu của ngành hàng không

VietJet Air chở "nhầm" khách là sự cố hy hữu của ngành hàng không

Thanh tra Cục Hàng không Việt Nam đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối VietJet Air và các cá nhân liên quan trong sự cố tổng số tiền là 107,5 triệu đồng, hàng loạt tập thể và cá nhân liên quan đã bị đình chỉ, xử lý vi phạm. Cục Hàng không Việt Nam đã giám sát an toàn đặc biệt đối với VietJet Air trong vòng 1 tháng.

Máy bay quân sự và dân dụng suýt va chạm trên trời

Ngày 29/10, chiếc Airbus 321 của Vietnam Airlines và một máy bay trực thăng của quân sự đã suýt đụng nhau trên bầu trời Tân Sơn Nhất - TPHCM do vi phạm phân cách tối thiểu trong quản lý bay, nguyên nhân được xác định là do kiểm soát viên không lưu điều hành bay dân dụng… lơ là.

Cụ thể, trong hoạt động điều hành, kiểm soát viên hiệp đồng có nhiệm vụ canh nghe và làm cầu nối giữa các trực chỉ huy, nhưng do không tập trung nên kiểm soát viên hiệp đồng đã không nghe thấy huấn lệnh cho chuyến bay VN1376 của Vietnam Airlines cất cánh để thông báo cho người trực chỉ huy quân sự, dẫn đến tình huống máy bay Mi127 của Quân chủng Phòng không - Không quân cũng được lệnh cất cánh.

Theo nhận định của cơ trưởng chuyến bay VN1376 thì khi phát hiện có máy bay trực thăng cắt ngang khoảng cách của 2 máy bay là gần 200 feet. Kíp trực điều hành bay chuyến bay VN1376 hôm 29/10 đã bị đình chỉ, hiện tổ điều tra sự cố của Cục Hàng không Việt Nam vẫn chưa có kết luận cuối cùng về sự việc.

“Sập” hệ thống điều hành bay

Lần đầu tiên trong lịch sử ngành hàng không Việt Nam xảy sự cố đặc biệt nghiêm trọng mang tính chất quốc tế là mất điện tại Trung tâm Kiểm soát không lưu đường dài Hồ Chí Minh (ACC Hồ Chí Minh), làm “sập” hệ thống điều hành bay tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và toàn bộ Vùng thông báo bay Hồ Chí Minh (FIR Hồ Chí Minh).
Điều hành bay tại sân bay Tân Sơn Nhất tê liệt do ACC Hồ Chí Minh mất điện

Điều hành bay tại sân bay Tân Sơn Nhất "tê liệt" do ACC Hồ Chí Minh mất điện

Sự cố này kéo dài trong hơn 1 tiếng đồng hồ vào trưa ngày 20/11, làm ảnh hưởng tới 92 chuyến bay đang hoạt động trong vùng RIR Hồ Chí Minh, trong đó bị ảnh hưởng trực tiếp là 3 chuyến bay quốc tế quá cảnh tại Tân Sơn Nhất, 8 chuyến bay đang tiếp cận đã phải thực hiện hạ cánh theo phương thức cổ điển không radar. Nguyên nhân xảy ra sự cố là do kíp trưởng trực điện tại ACC Hồ Chí Minh - ông Dương Trí Tình - đã thực hiện sai thao tác kỹ thuật.

Hàng loạt cá nhân bị đình chỉ công tác do liên quan trực tiếp đến sự cố. Nhiều cá nhân và tập thể, trong đó có cả Chủ tịch và TGĐ Tổng Công ty Quảng lý Bay đã bị kiểm kiểm để làm rõ trách nhiệm. Hôm 11/12, ông Dương Trí Tình bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPCHM bắt tạm giam để phục vụ điều tra sự có đặc biệt nghiêm trọng.

Máy bay tụt áp suất, phi công bấm nhầm mã báo động khủng bố

Tối 16/12, chiếc Airbus 321 của Vietnam Airlines mang số hiệu VN1266 chở theo 135 hành khách từ TPHCM đi Vinh. Tuy nhiên, khi gần sân bay đến thì máy bay gặp sự cố kỹ thuật, áp suất trong khoang máy bay đột ngột giảm, mặt nạ dưỡng khí bung ra và tổ lái đã xin chuyển hướng bay thẳng ra sân bay quốc tế Nội Bài và xin hạ cánh khẩn nguy.

Điều đáng nói là trong qúa trình báo cáo tình huống kỹ thuật khẩn nguy, phi công người CH Séc cũng là cơ trưởng của chuyến bay VN1266 đã bấm mã báo động khẩn nguy an ninh áp dụng trong trường hợp có khủng bố. Vì vậy, khi máy bay hạ cánh xuống sân bay Nội Bài, máy bay được cách ly tại khu vực quân sự và nhà chức trách hàng không Việt Nam đã triển khai tất cả các phương án ứng phó an ninh khẩn nguy. Vietnam Airlines đã đình chỉ tổ bay VN1266 để phục vụ công tác điều tra.

Theo kết quả điều tra ban đầu, hộp đen và ghi âm buồng lái được giải mã nhưng không phát hiện có yếu tố khủng bố, tuy nhiên hệ thống đã ghi nhận phi công đặt mã báo động khủng bố trong hơn 1 phút.

Trong năm 2014, có tổng cộng 401 vụ việc được báo cáo, trong đó có 91 sự cố (phân loại theo Mức B, C và D). Trong tổng số 91 sự cố an toàn hàng không được phân loại Mức B, C và D có 72 sự cố liên quan đến các tàu bay quốc tịch Việt Nam. Chỉ số an toàn hàng không­ được đánh giá qua số lượng sự cố. Vụ việc được báo cáo trong năm 2014 có sự gia tăng mạnh so với năm 2013, đặc biệt là các sự cố Mức B, D tăng mạnh lần lượt ở mức 200% và 207%.

Năm 2014, số vụ việc về an ninh hàng không và trật tự công cộng tại nhà ga, bến bãi là 276, tăng 67%. Nhà chức trách hàng không đã đưa vào danh sách cấm bay 7 trường hợp và đưa vào danh sách kiểm tra trực quan bắt buộc 12 trường hợp. Trong năm đa xảy ra 60 vụ mất cắp hành lý, hàng hoá của hành khách.


Châu Như Quỳnh