Những “sơ suất” của BV Việt - Pháp
(Dân trí) - Trước việc bệnh nhân Bùi Thị Bích Liên, được chẩn đoán là <a href=" http://dantri.com.vn/Sukien/2006/2/102224.vip">u buồng trứng trái “lại được” cắt buồng trứng phải,</a> một lần nữa BV Việt - Pháp lại khẳng định: “Cắt” là đúng về chuyên môn, nếu có thiếu sót chỉ ở chỗ không thông báo cho bệnh nhân biết buồng trứng được cắt là bên phải chứ không phải bên trái!
Ngoài ra, khi trả lời các câu hỏi khác của báo chí, lãnh đạo bệnh viện này đều quy về 3 từ “do sơ suất”…
Ông Võ Văn Bản, Phó Tổng giám đốc Bệnh viện Việt - Pháp khẳng định, theo kết quả chẩn đoán của bác sĩ lâm sàng Xquang và siêu âm, chị Liên có u nang buồng trứng trái. Bệnh nhân đã kí hợp đồng mổ với bệnh viện: đề nghị cắt u nang buồng trứng (nguy cơ phải mổ mở) và được mổ ngày 19/11/2002.
Nhưng sau khi mổ lại phát hiện một khối u to có đường kính 7cm, khối u không thể đưa ra ngoài được bằng ống nội soi nên các bác sĩ đã quyết định mổ mở. Sau khi mổ, khối u được đưa ra ngoài, bệnh nhân được đóng thành bụng và mọi việc tiến triển tốt. Kết quả sau mổ gửi giải phẫu bệnh thì là u nang bì thuần thục.
Ông Bản nhấn mạnh, đây là kết quả do một bác sĩ Bệnh viện K Trung ương đọc nên nó là khách quan, chắc chắn có khối u bên phải chứ không phải do bệnh viện “bịa” ra khối u để cắt buồng trứng phải của bệnh nhân.
Giải thích về việc tại sao bệnh nhân không biết mình được cắt buồng trứng phải, ông Bản cho rằng, có thể do bất đồng về ngôn ngữ giao tiếp của bác sĩ và bệnh nhân nên bác sĩ nói mà bệnh nhân không hiểu; hoặc cũng có thể là do bác sĩ quên nói với bệnh nhân; hoặc cũng có thể nói mà bệnh nhân không nghe rõ. Đó là một sơ suất!
Khi được hỏi tại sao giấy ra viện của bệnh nhân vẫn ghi cắt u nang buồng trứng trái? Ông Bản cho rằng đó cũng là một sơ suất của bác sĩ Hợp, người viết giấy ra viện.
Theo ông Bản, bác sĩ Hợp đã không đọc kỹ biên bản mổ mà lại nghĩ ca mổ vẫn theo đúng chẩn đoán ban đầu nên mới có sơ suất này, hoặc lúc đó trong hồ sơ bệnh án chưa có biên bản mổ? Nhưng ông Bản cũng cho biết, 1 ngày sau mổ bắt buộc phải có biên bản mổ trong hồ sơ bệnh án (trong khi đó, bệnh nhân có nằm vài ngày sau mổ).
“Hoặc đã có biên bản mổ nhưng do thư kí chuyên môn đánh lại bản viết tay của bác sĩ và rất có thể xảy ra trục trặc trong khâu đánh lại văn bản này. Thư ký chuyên môn cũng nghĩ… chắc mổ theo đúng bệnh án nên không theo dõi kỹ dẫn đến đánh nhầm phải thành… trái?! Chúng tôi vẫn thừa nhận đấy là cái sơ suất”, ông Bản cho biết.
Trả lời câu hỏi nếu theo kết quả siêu âm là có u bên trái, nhưng sau đó phát hiện và cắt u bên phải, như vậy, bệnh nhân ra viện trong tình trạng vẫn còn u bên trái? Tức là ra viện trong tình trạng không tốt hoặc có thể phát triển theo chiều hướng nào đó gây nguy hiểm cho người bệnh, nhưng sao bệnh viện không thông báo cho bệnh nhân biết còn khối u, vậy đó có phải là sai sót không? - “Tôi không thể trả lời câu hỏi này vì không là người mổ trực tiếp, không thể xác định có khối u nằm bên trái hay không. Chỉ có bác sĩ Rougier mới có thể trực tiếp trả lời, nhưng ông ấy đã về nước. Nếu cần thiết, chúng tôi sẽ liên lạc với bác sĩ này”, ông Bản trả lời.
Mặc dù có nhiều điểm không thể giải thích và phần lớn sự việc là “do sơ suất” nhưng Bệnh viện Việt - Pháp vẫn khẳng định: “Đây không phải là thiếu sót về chuyên môn. Nếu Bệnh viện chúng tôi có thiếu sót thì chỉ là đã không thông báo cho bà rằng buồng trứng được cắt bỏ là buồng trứng phải chứ không phải buồng trứng trái”. Do vậy, Bệnh viện Việt - Pháp bày tỏ “thiện chí”: nếu bệnh nhân có nhu cầu mổ cắt u buồng trứng bên trái, chúng tôi sẽ miễn phí cho ca mổ này” (?!).
Hải Miên