1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Những sản phụ lặng lẽ lên rẫy… sinh con

(Dân trí) - Khi thấy mình bắt đầu chuyển dạ, những người phụ nữ dân tộc Tà Rẻ sống dưới chân đỉnh núi Ngọc Linh, huyện Đakglei (Kon Tum) lặng lẽ ra chòi sau vườn nhà hoặc lên chòi chứa lương thực trên nương rẫy để sinh con.

Tập tục sinh con lạ lùng và nguy hiểm này đến nay vẫn còn tồn tại ở số hộ dân.

 

Người Tà Rẻ ở xã Xốp sống khép mình giữa đại ngàn hàng trăm năm nay. Mặc dù nơi đây đã dần thay đổi, tiếp thu đời sống văn hóa văn minh nhưng tập tục sinh con ngoài nương rẫy vẫn tồn tại.
 
Những căn chòi như thế này trước đây là nơi người phụ nữ Tà Rẻ sinh con

Những căn chòi như thế này trước đây là nơi người phụ nữ Tà Rẻ sinh con

 

Chị Y Hạt phụ trách dân số kế hoạch hoá gia đình ở xã Xốp, kể lại, ngày xưa, khi nhận thức của đồng bào ở đây còn mông muội, do tập tục của làng nên người phụ nữ bắt đầu trở dạ, người chồng sẽ dẫn lên chòi trên rẫy hoặc ra vườn sau nhà để sinh con.

 

Rẫy người Tà Rẻ thường nằm chênh vênh trên những sườn đồi, cách xa khu vực sinh sống. Ở đó người ta thường dựng lên một cái chòi nhỏ làm nơi cất nông sản, nhưng tới kỳ sinh đẻ, người phụ nữ lên đó để sinh con. Căn chòi nhỏ bốn bề lộng gió được dựng bằng những mảnh gỗ sơ sài là nơi ra đời của bao thế hệ người Tà Rẻ.

 

“Nếu sinh con ở nhà sau vườn thì cả làng kéo đến xem, còn nếu sinh con ở trên rẫy thì chỉ có người chồng đưa lên, khi nào sinh xong thì mới được đưa cả hai mẹ con trở về làng” - Chị Y Hạt cho biết thêm.

 

Bà con quan niệm nếu sinh con trong nhà sẽ làm cho cả nhà không làm ăn được, đau ốm liên miên. Sau khi đẻ xong, người phụ nữ và đứa con phải trải chiếu nằm dưới đất, không có chiếu thì lấy ván gỗ trải. nằm dưới đất, chồng nằm trên giường trên võng. Hai vợ chồng nấu ăn riêng với mọi người trong gia đình, khi nào đủ 10 ngày thì thôi.
 
Những căn chòi như thế này trước đây là nơi người phụ nữ Tà Rẻ sinh con

 

Đặc biệt, người phụ nữ không được ra lấy nước giếng chung của cả làng để tắm, giặt mà phải ra con suối thật xa làng vì sợ ô uế nguồn nước của cả làng.

  

Người Tà Rẻ còn có tập tục “rợn người” là nếu người mẹ sinh con song sinh thì buộc phải “trả lại cho Giàng một đứa”. Người Tà Rẻ không coi đó là tội ác, họ quan niệm sinh đôi là con ma của làng, nếu không bỏ đi một đứa sẽ làm cho cả làng không làm ăn được, thiên tai, bệnh tật kéo đến. Những gia đình có người sinh đôi bắt buộc phải bỏ đi 1 đứa con, đồng thời phải mua bò, heo đãi cả làng ăn uống trong vòng một ngày để “tạ lỗi”.

 

Chị Y Hạt kể lại, ở làng Loong Ri có một phụ nữ sau khi sinh đôi đã lặng lẽ cuốn một đứa con vào tấm vải rồi treo lên cây gạo ở ngay bìa rừng, rồi đi về nhà. Khi mọi người vào rừng đi làm phát hiện ra thì đứa bé đã chết từ lâu.

 

Theo lời chị Y Lưới, trước đây tình trạng sản phụ ra rừng đẻ nhiều lắm. Nay nhờ tuyên  truyền nên bà con “tiến bộ” hơn là tự đẻ ở nhà, ca khó thì ra trạm y tế xã.

 

10 năm đã qua, đời sống người dân xã Xốp đã thay đổi, nhiều nhà ngói khang trang mọclên, đường ô tô đã vào tận thôn bản, nhà nào cũng có ti vi, xe máy. Người dân Tà Rẻ giờ đã biết đọc, biết viết, hiểu được pháp luật và chính sách của Đảng. Cuộc sống bà con đã hoà nhập với thời đại văn minh, tình trạng sinh đẻ ngoài rừng, giết con trả Giàng cũng đang dần lùi vào dĩ vãng. 

 

Hoàng Thanh