1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Những rào cản vùng Nam Bộ cần phá vỡ để bước vào kỷ nguyên mới

Q.Huy

(Dân trí) - Để phát triển tương xứng tiềm năng và cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới, chuyên gia cho rằng vùng Nam Bộ cần khơi thông được rào cản thể chế, các địa phương liên kết để giải quyết vấn đề chung.

Ngoài những trụ cột về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và các nguồn lực khác, một vấn đề cần khơi thông để kích hoạt sự phát triển vượt bậc của vùng Nam Bộ đó là thể chế. Đây là quan điểm được PGS TS Vũ Tuấn Hưng, Phó Viện trưởng phụ trách Viện hàn lâm Khoa học xã hội Vùng Nam Bộ, nêu rõ tại hội thảo thể chế phát triển bền vững trong liên kết vùng Nam Bộ và lân cận sáng 29/10.

Ông Vũ Tuấn Hưng làm rõ, nếu khơi thông được trụ cột thể chế sẽ giúp vùng Nam Bộ kích hoạt, xóa điểm nghẽn của toàn bộ nền kinh tế, xã hội. Đây là tiền đề nhằm lan tỏa các yếu tố quan trọng còn lại cho sự phát triển bền vững của quốc gia, vùng và từng địa phương như hạ tầng, nguồn lực công nghệ, nguồn lực tài chính, văn hóa, xã hội...

Những rào cản vùng Nam Bộ cần phá vỡ để bước vào kỷ nguyên mới - 1

Tuyến Vành đai 3 TPHCM là một trong những dự án liên vùng của vùng Nam Bộ (Ảnh: Hải Long).

"Hội thảo nhằm đưa ra những giải pháp cụ thể, làm rõ hơn các định hình của Đảng, Nhà nước và trực tiếp là thông điệp của Tổng Bí thư Tô Lâm về việc đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, hay những chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Phạm Minh Chính về vấn đề thể chế và khai thông nguồn lực để chủ động phát triển đón thời cơ mới, vận hội mới", Phó Viện trưởng phụ trách Viện hàn lâm Khoa học xã hội Vùng Nam Bộ phát biểu.

Nam Bộ chưa phát triển tương xứng

PGS TS Vũ Tuấn Hưng dẫn chứng, vùng Nam Bộ với 19 tỉnh, thành là nơi có vị trí kinh tế, địa chính trị, quốc phòng và an ninh quan trọng của cả nước. Trong đó, TPHCM là đô thị lớn nhất và là trung tâm kinh tế - văn hóa, xã hội, chính trị lớn nhất vùng.

"Mặc dù đóng góp GDP lớn nhất so với các vùng khác trong cả nước nhưng Nam Bộ vẫn được đánh giá là phát triển chưa tương xứng tiềm năng, thế mạnh sẵn có", vị chuyên gia nhận định.

Những rào cản vùng Nam Bộ cần phá vỡ để bước vào kỷ nguyên mới - 2

PGS TS Vũ Tuấn Hưng, Phó Viện trưởng phụ trách Viện hàn lâm Khoa học xã hội Vùng Nam Bộ, phát biểu tại hội thảo (Ảnh: H.Q.).

Xu thế hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã mở ra nhiều cơ hội đi kèm thách thức cho vùng đầu tàu kinh tế của Việt Nam. Đi cùng sự phát triển, vùng Nam Bộ đối mặt hàng loạt thách thức mà một địa phương riêng lẻ không thể tự giải quyết hoặc giải quyết không hiệu quả như giao thông liên vùng, ứng phó biến đổi khí hậu, dịch bệnh, vấn đề môi trường, tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

"Mặc dù hội đồng vùng được thành lập ở cả Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ cùng sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Phạm Minh Chính nhưng cơ chế này còn chậm phát huy trong giải quyết vấn đề liên tỉnh. Đây là một trong các nhiệm vụ quan trọng của hội đồng điều phối vùng nhằm phát hiện kịp thời các vướng mắc có tính chất liên tỉnh, thành phố", lãnh đạo Viện hàn lâm Khoa học xã hội Vùng Nam Bộ nhìn nhận.

Theo PGS TS Vũ Tuấn Hưng, các vấn đề cần phải giải quyết thời gian tới của vùng Nam Bộ là lĩnh vực đô thị, logistics, dịch vụ chất lượng cao, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Đặc biệt, các địa phương phải đoàn kết, đồng lòng phối hợp với nhau để giải quyết các vấn đề mang tính liên tỉnh, thành phố, không thực hiện manh mún, cạnh tranh và hạn chế lẫn nhau.

Một trong những vấn đề cần tập trung để khai thác hiệu quả hơn lợi thế, tiềm năng của vùng là tăng cường và đổi mới liên kết vùng, hoàn thiện thể chế, chính sách điều phối phát triển vùng hiệu quả, thúc đẩy liên kết giữa các địa phương nội vùng, ngoại vùng. Mô hình tăng trưởng của vùng Nam Bộ cần đổi mới theo chiều sâu, hướng đến chủ yếu dựa vào ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Theo ông Vũ Tuấn Hưng, các địa phương trong vùng cần tập trung cho các cơ chế, chính sách để phát triển bền vững dựa trên kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ, chú trọng đến dịch vụ, du lịch văn hóa, sinh thái, năng lượng tái tạo. Từ đó, Nam Bộ sẽ phát triển song song 2 mục tiêu vừa đảm bảo sự phát triển, vừa đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

Chưa có "nhạc trưởng" thật sự

Theo ThS Phạm Quỳnh Lan, Trung tâm Triết học và Chính trị học - Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, thể chế phát triển bền vững là nền tảng quan trọng cho sự phát triển đồng bộ và hiệu quả, đảm bảo mục tiêu kinh tế, duy trì sự cân bằng giữa các yếu tố xã hội, môi trường. Việc xây dựng một thể chế vững mạnh giúp định hình các chính sách hợp lý, tạo ra cơ chế giám sát và quản lý hiệu quả, khuyến khích sự tham gia của tất cả các bên liên quan.

Bà Lan lấy ví dụ, động lực của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long gồm TP Cần Thơ và các địa bàn cấp huyện của tỉnh An Giang, Kiên Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp gắn với khu vực kết nối các tuyến đường cao tốc và TP Phú Quốc. 

Những rào cản vùng Nam Bộ cần phá vỡ để bước vào kỷ nguyên mới - 3

Cầu Mỹ Thuận 2 (bên trái) và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ Cần Thơ đi TPHCM (Ảnh: Bảo Kỳ).

"Nơi đây cần xây dựng các chính sách phát triển vùng, thúc đẩy sự kết nối và hợp tác. Trong đó làm rõ quy hoạch, phát triển cơ sở hạ tầng, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Cần có các quy định để bảo vệ, quản lý tài nguyên chung giữa các vùng", ThS Phạm Quỳnh Lan phân tích.

Tại hội thảo, TS Trần Hữu Hiệp, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đồng bằng Sông Cửu Long, cũng nhấn mạnh về tầm quan trọng của thể chế liên kết vùng và cho rằng, khu vực chưa có một "nhạc trưởng" thật sự. Trong lĩnh vực du lịch, dù có nhiều tiềm năng, lợi thế và nét độc đáo nhưng khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long còn hàng loạt hạn chế, trở ngại.

"Đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, nguồn nhân lực du lịch và cơ chế điều phối, liên kết vùng, liên kết chuỗi giá trị để ngành du lịch Đồng bằng Sông Cửu Long phát triển bền vững là 3 điểm yếu, thách thức cần dồn tâm sức. Đây là điều kiện tạo nét bứt phá cho du lịch đất chín rồng", ông Trần Hữu Hiệp nêu quan điểm.

Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đồng bằng Sông Cửu Long đề xuất thành lập Ban Điều phối phát triển du lịch Vùng Nam bộ, hình thành Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch vùng và có các chính sách kết nối thị trường du lịch, nhu cầu du khách với các điểm, tuyến trên cơ sở các sản phẩm du lịch đặc thù cấp vùng và cấp quốc gia.