1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thanh Hóa:

Những phận người “lênh đênh” giữa lòng thành phố

(Dân trí) - Quanh năm cuộc sống của họ chỉ luẩn quẩn trong một không gian chật chội, mọi sinh hoạt đều ở trên chiếc thuyền nhỏ. Hết thế hệ này qua thế hệ khác, sinh ra trên sông nước, sống nhờ sông nước, cả cuộc đời “lênh đênh”...

Họ là những cư dân xóm chài, sống ở đoạn kênh nhà Lê, thuộc khu phố Nam Sơn, phường An Hoạch, thành phố Thanh Hóa. Xóm chài nghèo của những cư dân nghèo nằm thu mình trên một đoạn sông nhỏ. Những chiếc thuyền cũ nát neo đậu nối tiếp nhau thành một hàng dài chừng 100m theo dọc bờ sông. Cứ mỗi buổi chiều đến, xóm chài này lại trở nên đông vui và nhộn nhịp hơn hẳn. Đây là lúc mà mọi người trong xóm đều đã đi làm nghề trên sông về.


Hơn 30 năm qua, đoạn sông này chính là nơi trú ngụ của hơn chục hộ dân. Hầu hết, những hộ dân đang sinh sống tại đây đều đến từ huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa). Sau thời gian dài với nghiệp sông nước, lên bờ không biết làm việc gì, từ đó họ xuống thuyền ở trên sông và lấy việc mưu sinh trên sông làm cái nghiệp nuôi sống bản thân và gia đình.

Cuộc sống trên sông “trôi nổi” của họ cứ thế mà tiếp nối nhau, hết đời ông bà đến đời con, rồi lại tới đời cháu. Cả gia đình hai ba thế hệ cứ bám lấy những chiếc thuyền nhỏ bé vừa làm nơi cư ngụ vừa làm nơi mưu sinh sống qua tháng ngày dài.

Chúng tôi ghé thăm chiếc thuyền nhỏ của vợ chồng ông Nguyễn Văn Thành và bà Lê Thị Liên, cả hai ông bà năm nay đã ngoài 60 tuổi, bao nhiêu năm vật lộn với sông nước nhìn ông bà có vẻ khắc khổ và già hơn rất nhiều so với tuổi của mình.

Cố rít xong hơi thuốc lào, ông Thành chia sẻ, gia đình ông bà đã sống trên thuyền và mưu sinh bằng nghề chài lưới được hơn 30 năm nay. Bố mẹ thân sinh ra ông cũng là dân thuyền chài, đến đời ông cũng không bỏ được cái nghề “gia truyền” của nhà mình. Mặc dù vợ chồng ông cũng đã có lần lên bờ để kiếm một công việc gì đó làm, kiếm tiền mua đất làm nhà, nhưng rồi không hiểu sao “cái duyên cái nợ” với nghề chài lưới lại bắt ông bà trở lại rồi gắn bó với nó đến nay.

Những phận người “lênh đênh” giữa lòng thành phố
 Xóm chài nghèo nằm trên kênh nhà Lê, đoạn chảy qua khu phố Nam Sơn, phường An Hoạch, TP Thanh Hóa.

Vợ chồng ông Thành sinh được bốn người con, ba trai, một gái. Hai người con đã lập gia đình. Trong chiếc thuyền nhỏ chưa đầy 3m vuông, ngoài vợ chồng ông Thành còn có hai người con út, một trai và một gái ở.

Ông Thành khoe: “Gia đình tôi hiện giờ là có cả 3 thế hệ đều sống trên sông ở cái xóm chài này”. Vừa nói, ông vừa chỉ tay lên phía trên: “Đó là thuyền của bố mẹ tôi, năm nay ông bà đã ngoài 80 tuổi rồi nhưng vẫn phải lăn lộn nghề lưới kiếm con tôm, con cá sống qua ngày. Ngay bên thuyền tôi đây là chiếc thuyền của gia đình vợ chồng đứa con trai đầu, nó cưới vợ năm ngoái giờ cũng đã có con rồi. Đại gia đình có ông bà, con cháu, chắt đều ở đây cả, đông vui lắm”.

Con trai đầu của vợ chồng ông Thành là anh Nguyễn Văn Thanh (26 tuổi). “Cuộc sống của dân thuyền chài chúng tôi cũng chẳng có gì để nói. Từ khi sinh ra cho đến giờ ở trên thuyền nên cũng quen. Vợ tôi cũng sinh ra trên thuyền nên cũng đồng cảm với cuộc sống này. Dù chật chội thật nhưng cũng chẳng còn cách nào khác. Nhà cửa thì không có nên buộc phải sống trên thuyền, con cái giờ sinh ra cũng phải theo bố mẹ chứ biết sao được bây giờ!”, anh Thanh cho hay.

 Sự chật chội trong những con thuyền nhỏ khiến xóm chài này trở nên nhếch nhác, bức bối hơn.
 Sự chật chội trong những con thuyền nhỏ khiến xóm chài này trở nên nhếch nhác, bức bối hơn.

Không chỉ gia đình ông Thành, anh Thanh phải chịu cảnh chật chội mà hầu hết những gia đình tại đây đêu phải sống trong cảnh này. Trên chiếc thuyền cũng không to hơn thuyền ông Thành là mấy, cả đình ông Nguyễn Văn Khánh và bà Nguyễn Thị Lợi có đến 5 người sinh sống. Ngoài ông bà còn có vợ chồng người con trai đầu và đứa con gái út, đó là còn chưa kể đứa cháu nội mới sinh.

Dù chật hẹp nhưng chiếc thuyền nhỏ này vẫn được chia ra thành những gian phòng khác nhau. Ban ngày thì mọi người đều đi làm nghề, tối đến lại tập trung về đây. Khi đi ngủ thì trải chiếu ra khoang thuyền, mỗi gia đình một chỗ nằm ngủ.

Có lẽ khó khăn nhất đó chính là gia đình ông Nguyễn Văn Lượng. Cả gia đình ba thế hệ với hơn 10 người nhưng chỉ có chiếc thuyền gần 5m2. Khi được hỏi về số người trong gia đình mình, ông Lượng nhẩm tính: “Tôi có 9 người con, 3 trai 6 gái, có 5 đứa cháu cả nội cả ngoại. Trừ mấy đứa con đang đi làm ăn xa thì ở đây với vợ chồng tôi, cả con cả cháu cũng hơn 10 người chú à”.

 Sự chật chội trong những con thuyền nhỏ khiến xóm chài này trở nên nhếch nhác, bức bối hơn.
 Gia đình ông Nguyễn Văn Thành và bà Lê Thị Liên hơn 30 năm sống lênh đênh trên sông nước, mưu sinh bằng nghề chài lưới.

Gia đình ông Nguyễn Văn Lượng chỉ có con thuyền nhỏ 5m2 nhưng có đến hơn 10 người sinh sống.
Gia đình ông Nguyễn Văn Lượng chỉ có con thuyền nhỏ 5m2 nhưng có đến hơn 10 người sinh sống.

Cuộc sống ngày càng chật chội, ngột ngạt đã đành, lại thêm khó khăn khi nước sông ngày càng ô nhiễm nặng, lượng tôm cá đánh bắt cũng giảm dần từng ngày.

Đang ngồi đan giỏ đánh tôm, anh Nguyễn Văn Cường (26 tuổi) thở dài: “Giờ kiếm con tôm con cá cũng khó khăn lắm, mỗi ngày vợ chồng tôi cố gắng làm may ra cũng chỉ kiếm được từ 50 - 80.000đ. Hôm nào nhiều thì cũng được đến 100.000đ là cùng. Với số tiền đó cũng vừa đủ đong gạo ăn. Còn những lúc ốm đau thì không biết thế nào”.

Bà Nguyễn Thị Chan cho biết: “Giờ nước sông ô nhiễm quá, kiếm con tôm con cá đã khó, sinh hoạt thường ngày cũng phải đi xin nước trên bờ về ăn. Còn việc tắm giặt vẫn phải dùng nước sông, biết là ô nhiễm nhưng chẳng còn cách nào khác cả”.

Cuộc sống vốn đã quá khó khăn với những phận người nơi đây. Họ chỉ lo kiếm miếng cơm, manh áo hàng ngày. Còn chuyện mong được lên bờ có nhà để ở đó vẫn chỉ là ước mơ dài. Nhưng thiệt thòi nhất đó chính là những đứa trẻ ở xóm chài nghèo này. Nhiều em đã quá tuổi, hay có những em đã đến tuổi đi học nhưng vẫn không được đến trường. Cả xóm chài có hơn 10 hộ gia đình với gần 50 nhân khẩu nhưng chỉ có duy nhất một người là biết chữ.

Khi trò chuyện với chúng tôi, ông Lượng cứ thở dài: “Nhà nghèo, giờ cơm ăn còn phải lo từng bữa chứ lấy tiền đâu cho con cháu đi học. Nhà tôi 9 đứa con nhưng chẳng có đứa nào biết chữ cả. Sinh ra rồi lớn lên đi làm, giờ chúng hơn bố mẹ được cái là đi làm thuê trên bờ, không còn phải lênh đênh trên sông nước nữa là may rồi”.

Gia đình ông Nguyễn Văn Lượng chỉ có con thuyền nhỏ 5m2 nhưng có đến hơn 10 người sinh sống.
 Phận đời của những đứa trẻ nhỏ không được học hành rồi cũng sẽ phải lênh đênh trên sông nước như bố mẹ và ông bà chúng.

Những đứa con của vợ chồng ông Lượng ngoài những đứa lớn đang đi làm ăn xa thì hiện tại còn hai đứa con út là Nguyễn Văn Đại (9 tuổi) và Nguyễn Thị Trang (6 tuổi) ở nhà với bố mẹ. Cả hai em dù đã đến tuổi đi học nhưng vì nhà nghèo nên không được đến trường. Ngoài ra, còn có đứa cháu ngoại của ông Lượng cũng đã hơn 4 tuổi nhưng không được ra lớp.

Mới chỉ riêng trong mình gia đình ông Lượng mà đã có tới ba đứa con, cháu không được đi học. Cả xóm chài này, có tổng thể là gần 10 em trong độ tuổi đến trường, nhưng chỉ có một vài em là được đến lớp, còn lại cũng chỉ quanh quẩn trong chiếc thuyền.

Những đứa trẻ thơ ngây, đáng lẽ ra các em phải được đến lớp học hành, vui cùng bạn bè nhưng vì hoàn cảnh mà chúng chỉ biết quanh năm lầm lũi trong chiếc thuyền nhỏ. Lâu lâu lại được ông bà, bố mẹ cho lên bờ chạy nhảy, ngoài cảnh sông nước và nghề chài lưới ra thì mặt con chữ đối với cách em vẫn là điều gì đó xa lạ. Cuộc sống mai này của các em cũng “lênh đênh” trên những con thuyền như bố mẹ ông bà chúng.

Thái Bá - Duy Tuyên