Khánh Hòa:
Những phận đời nhọc nhằn trên cánh đồng muối
(Dân trí) - Nằm cách thành phố biển Nha Trang hơn 40km về phía Bắc theo quốc lộ 1A là cánh đồng muối Ninh Diêm, thuộc thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Đây là cánh đồng muối có từ thời Pháp, cũng là một trong những cánh đồng muối lớn nhất miền Trung hiện nay.
Cánh đồng muối Ninh Diêm thuộc khu vực Hòn Khói với ba mặt bao quanh là biển cả và sông ngòi. Do đất đai quanh năm ngập mặn, không thuận lợi cho việc trồng trọt nên có tới 90% người dân mưu sinh bằng nghề muối.
Hòn Khói là tên gọi ra đời từ việc triều Nguyễn dạy người dân đốt lửa trên đỉnh núi tạo khói nhằm loan tin có giặc ngoại xâm hoặc cướp bóc. Thời Pháp thuộc, nghề muối ở Hòn Khói là nghề ưu việt, có lãi so với hàng loạt nghề khác vì được Tây thu mua với số lượng lớn, tuy bị ép giá.
Trải quan bao biến động của lịch sử, đến nay vùng Hòn Khói vẫn phát triển nghề muối. Nghề muối ở Hòn Khói hiện tập trung chủ yếu ở địa bàn phường Ninh Diêm, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Mùa làm muối ở Hòn Khói kéo dài từ tháng 3 đến tháng 9 dương lịch hàng năm. Một ngày làm việc của diêm dân bắt đầu từ ba, bốn giờ sáng và kéo dài đến buổi trưa, nếu trên đồng còn muối thì diêm dân sẽ bắt đầu làm việc vào đầu giờ chiều và kéo dài đến tối.
Những ngày này, thời tiết ở Ninh Diêm liên tục có nắng nóng khiến công việc làm muối của diêm dân chật vật, nhọc nhằn hơn. Do lượng muối trên đồng nhiều nên diêm dân làm cật lực, không ngưng nghỉ. Tuy nhiên, năm nay, giá muối thu tại ruộng chỉ đạt 250.000 đồng/tấn, thay vì 750.000-800.000 đồng/tấn như năm ngoái, đã khiến diêm dân thua lỗ nặng.
Dưới đây là một số hình ảnh PV Dân trí thực hiện tại cánh đồng muối Ninh Diêm, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa:
Viết Hảo