Những nữ công nhân trên công trường thủy điện Bản Vẽ
(Dân trí) - Với hơn 2.000 công nhân chia làm 3 ca làm việc, công trường thủy điện Bản Vẽ ngày đêm không ngớt tiếng lao động. Trong “rừng” công nhân ấy có những “bóng hồng”, những người phụ nữ đã lên và gắn bó với công trình ngay từ khi mới khởi công.
Công trình thủy điện Bản Vẽ, xã Yên Na (huyện Tương Dương, Nghệ An) sau ngày chặn dòng, nay đang trong giai đoạn gấp rút hoàn thành, kịp tiến độ phát điện đúng dịp sinh nhật Bác, ngày 19/5.
Không khí lao động khẩn trương bao trùm toàn công trường, với hơn 2.000 công nhân chia làm 3 ca làm việc ngày đêm không nghỉ. Trong “rừng” công nhân ấy thấp thoáng có những “bóng hồng” - những người phụ nữ đã lên và gắn bó với công trình thủy điện Bản Vẽ ngay từ khi mới khởi công.
Sự hiện diện của những nữ công nhân phần nào làm vơi bớt nỗi nhọc nhằn nơi công trường toàn nắng, gió, bụi bặm...
Kỹ sư Lê Văn Thuần - phụ trách kỹ thuật thi công đập nước - cho biếṭ: “Nữ công nhân trên công trường chiếm đến gần 30% và góp phần không nhỏ trong việc hoàn thành các hạng mục thi công theo đúng tiến độ đề ra”.
Nữ công nhân Phan Thanh Lam (SN 1989, quê Hà Nội) liên tục leo lên leo xuống thân đập. Lam tâm sự: “Em đến công trường này mới chỉ được gần một năm thôi. Công việc cũng không phải là vất vả lắm nhưng hồi đầu chưa quen, lại ở sâu trong núi, nhớ nhà lắm nên khóc suốt. Dần rồi cũng quen, nhưng vì mục tiêu cho quốc gia em cùng với hàng trăm nữ công nhân khác cố gắng làm thật tốt”.
Gần một năm làm quen với những cơn gió Lào bỏng rát và những mùa đông lạnh giá cắt da cắt thịt của miền sơn cước, mái tóc Lam đã chuyển sang màu đỏ, khô rối, được buộc qua quýt bằng sợi dây thun. Lam cười: “Gái công trường mà anh. Trên này mọi thứ đều hiếm và đắt đỏ, có dầu mà gội là tốt rồi, nói gì đến dưỡng hay chăm sóc tóc. Đấy là chưa kể những hôm mưa, nước trên nguồn đổ về đỏ quạch còn không có nước sạch mà tắm nữa ấy chứ. Nhưng các chú lãnh đạo quan tâm lắm, giờ đã có mấy chiếc bể được xây dựng để trữ nước, không còn lo thiếu nước sạch vào mùa mưa nữa”.
Dáng thấp đậm, chạy qua chạy lại với một chiếc bút thử điện trên tay, chị Nguyễn Thị Hà (25 tuổi, quê Diễn Châu, Nghệ An) là công nhân tổ điện thuộc đội xây dựng Sông Đà 2, nhiệm vụ của chị là kiểm tra đường dây dẫn điện để đảm bảo cho tổ hàn làm việc. Chồng chị cũng là công nhân cơ giới thuộc đội xây dựng số 2. Hai người lên đây, gặp và yêu nhau. Đám cưới cũng được tổ chức ngay trên công trường này. “Hai vợ chồng cùng ở một đội nhưng lại làm hai ca khác nhau nên thời gian gặp nhau trong ngày cũng không nhiều. Khi chị hết ca cũng là lúc anh bắt đầu vào ca của mình”, chị Hà tâm sự.
Hơn 100 cặp vợ chồng trên đại công trường Bản Vẽ sinh hoạt trong khu tập thể dành cho hộ gia đình với mỗi phòng chỉ vỏn vẹn 12m2. “Điện nước thì không phải lo nhưng chi phí ở đây đắt đỏ quá. Thu nhập của hai vợ chồng một tháng bình quân được hơn 5 triệu đồng thì mất đến 2 triệu chi phí sinh hoạt hằng ngày, rồi còn hàng trăm thứ phải chi tiêu nữa”. Khó khăn vất vả nhưng trong căn phòng nhỏ dành riêng cho đôi vợ chồng trẻ luôn ngập tràn tiếng cười. Hiện Hà đang mang bầu và chuẩn bị đón đứa con đầu lòng sẽ ra đời vào tháng 9 tới. “Vậy là con em cũng góp phần xây dựng công trình thủy điện lớn nhất Bắc miền Trung này đấy nhé”, Hà hãnh diện nói.
Không giống như Hà hay Thanh, rất nhiều nữ công nhân khác phải gửi con ở nhà cho ông bà để lên với công trường Bản Vẽ. “Nhớ thằng bé lắm nhưng công việc đang nhiều nên chưa thể về thăm cháu được”, chị Trần Thị Hải - đội xây dựng Sông Đà 1 - tâm sự. Hai vợ chồng chị lên đây từ khi công trình thủy điện Bản Vẽ mới khởi công xây dựng. Trong chừng thời gian ấy thằng bé con chị cũng phải sang “định cư” ở nhà bà nội. “Năm nay nó cũng được 11 tuổi, đang học lớp 5 rồi mà bố mẹ chẳng có ở nhà để mà chỉ bảo thêm. Được cái thằng bé ngoan, lại biết vâng lời. Tết vừa rồi cũng chỉ được ăn Tết với mẹ và ông bà vì bố ở lại công trường. Đêm giao thừa nó chỉ ước là được ăn Tết với cả bố lẫn mẹ, nghe mà ứa cả nước mắt”, giọng chị nghèn nghẹn khi kể về đứa con trai của mình.
Hai vợ chồng chị mỗi tháng gửi về cho bà nội 2 triệu đồng để lo cho con nhưng luôn áy náy vì mình chưa làm tròn trách nhiệm của người cha, người mẹ. Cũng giống như chị Hải, vợ chồng chị Hồng anh Tuấn cũng phải gửi cô con gái 4 tuổi về Nam Đàn nhờ ông bà chăm hộ, mỗi năm về thăm con được vài ba lần. “Thương con là vậy nhưng cũng phải cố thôi, mình là công nhân của công trình điểm của tỉnh mà. Tất cả anh chị em trên công trường cũng đang phải sống xa nhà, xa gia đình để góp phần xây dựng đại công trình này mà” - chị Hồng tự động viên mình.
Nguyễn Lam - Hoàng Anh