Những “nốt lặng” sau kỳ họp Quốc hội
Kỳ họp Quốc hội lần 9 khoá XI đã kết thúc sau 45 ngày căng thẳng. Nhiều vấn đề quan trọng của đất nước, bức xúc của cử tri đã được giải quyết. Tuy nhiên nhìn lại, các vụ án tham nhũng, hối lộ... mới chỉ được dừng lại ở mức độ “mổ xẻ”. Còn vấn đề trách nhiệm, hình thức xử lý sai phạm vẫn còn nhiều điều phải nói.
Trách nhiệm... lưng chừng!
Ngẫm lại, nhiều người vẫn không thể biết chính xác trách nhiệm để xảy ra vụ tiêu cực tại PMU 18 thuộc về ai. Vụ án được dư luận đánh giá là rất nghiêm trọng, làm cử tri cả nước phẫn nộ. Còn các nhà tài trợ nước ngoài thì đặt câu hỏi về hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA của VN...
Bảo là trách nhiệm của Bộ GTVT là đúng, nhưng chưa đủ. Bởi việc quản lý vốn ODA, tài sản công của Nhà nước (xe công mà Bùi Tiến Dũng cho các cơ quan khác mượn)... còn dính đến Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính. Nhưng khi đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu, ông Bộ trưởng Võ Hồng Phúc tỉnh... bơ: “Việc cấp phát vốn ODA không phải là nhiệm vụ riêng của Bộ KH-ĐT. Còn việc thất thoát bao nhiêu, do ai làm bộ cũng không thể biết”.
Còn trách nhiệm của Bộ Tài chính ở đâu trong việc quản lý tài sản công? Một câu nhận trách nhiệm cũng... lưng chừng của người đứng đầu bộ này: “Nếu chúng tôi xử lý sớm (việc Bùi Tiến Dũng cho mượn xe công-PV) thì không có những thiệt hại nặng như thế này”.
Cơn bão Chanchu đã cướp đi hàng trăm sinh mạng của ngư dân, nhưng cử tri cả nước chỉ nhận được mỗi lời phát biểu thẳng thắn của ông Bộ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường Mai Ái Trực: “Chúng tôi có lỗi, bản thân tôi cũng có lỗi trong vấn đề dự báo bão!”. Còn lại tất cả các bộ khác như KH-ĐT, Thủy sản, NN-PTNT đều “chạy tội” hoặc nhận trách nhiệm một cách chung chung. Thậm chí có ông bộ trưởng còn “mạnh dạn” đổ lỗi cho ngư dân.
“Lỗ hổng” cơ chế
Suy cho cùng, tất cả những vụ án lớn xảy ra, rồi sự “chạy tội” của những người ăn lương từ tiền thuế do nhân dân đóng... ngoài nguyên nhân do thiếu trách nhiệm, thiếu sự dũng cảm, còn do “lỗ hổng” về cơ chế.
Ví dụ, nguồn vốn ODA hiện nay, Nghị định 17 của Chính phủ giao cho gần 10 bộ ngành, cơ quan ngang bộ quản lý. Mỗi bộ một khâu, một công đoạn. Đây là điều kiện, kẽ hở để khi xảy ra thất thoát, tham nhũng, họ có cớ đổ lỗi cho nhau. Điều này lý giải vì sao ông Đào Đình Bình, người đứng đầu một bộ được đưa ra “mổ xẻ” nhiều nhất trên diễn đàn QH, nhưng khi ông phát biểu rằng: “Nếu cơ chế này còn tồn tại, thì người nào ngồi vào ghế bộ trưởng cũng sẽ phải mắc sai lầm” lại được nhiều người ủng hộ. Nghe có vẻ như là một lời đổ thừa để chạy tội nhưng thực tế lại là vậy.
Khi các đại biểu QH chất vấn về việc xử lý vụ ông phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Lâm bỏ quên chiếc cặp có đựng tiền trên máy bay, và việc đưa tiền chạy án cho Tổng Thanh tra Chính phủ trong vụ án kho cảng Thị Vải, ông Quách Lê Thanh (nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ) lại cũng đổ thừa do “quy trình xử lý cán bộ nó phải như thế!”.
Xử lý kiểu “huề cả làng”
Có lẽ ít ai trong các đại biểu QH và cử tri cả nước có thể hài lòng với cách xử lý những sai phạm nghiêm trọng trong các vụ án vừa qua. Đại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) đưa ra sự so sánh làm nhiều người không khỏi chạnh lòng. Có 3 công nhân của Công ty Sóng Âm Thanh tỉnh Bình Dương lấy cắp mỗi người một cặp loa 300 W, công ty báo công an thu lại toàn bộ hiện vật, sau đó làm đơn bãi nại và bảo lãnh cho 3 công nhân trên. Nhưng Công an tỉnh Bình Dương vẫn áp dụng biện pháp ngăn chặn với lý do tài sản ở mức trên 500.000 đồng và phạt họ 10 tháng tù giam.
Trong khi vụ tham nhũng ở công trình kho cảng Thị Vải, những người đứng đầu, nguyên là lãnh đạo Tổng Công ty Dầu khí đều có dấu hiệu phạm tội, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng chỉ bị xử lý hành chính, với lý do “tuổi cao, có nhiều công lao đóng góp cho ngành dầu khí”.
Nhiều người đặt câu hỏi: Trong điều kiện đấu tranh chống tiêu cực và tham nhũng hiện nay, nếu có “vùng cấm” trong xử lý những cán bộ cấp cao của Nhà nước như vậy, liệu có đáp ứng nhiệm vụ chính trị của chúng ta hiện nay đang đặt ra hay không? Và xử lý như thế thì làm sao thực hiện được những nguyên tắc mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật?