1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Những nỗi đau “vô thừa nhận”

“Mấy nhóc này mới được vài tuổi, bị bỏ rơi vì nhiễm HIV hoặc không còn cha mẹ bởi căn bệnh thế kỷ lấy đi mạng sống của họ. Khoa giờ đây là “mái nhà” thứ hai của chúng” - Y tá Từ Thị Phước Hiếu, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (TPHCM) nói.

Gắn bó với Khoa B1 - khoa chăm sóc trẻ bị lao phổi, nhiễm HIV bao nhiêu năm nay, những y tá, bác sĩ nơi đây dần dà đã trở thành những “ông bố, bà mẹ”, của những mảnh đời nhỏ bé nhiễm HIV không gia đình và bị bỏ rơi.

Y tá Từ Thị Phước Hiếu hơn 30 năm gắn bó với khoa B1 cho biết: “Năm 2005, toàn B1 chỉ có 40 trẻ nhiễm, đến năm 2006 đã lên 90 cháu. Từ 2 trẻ cùng nằm điều trị 1 phòng, bây giờ đã phải nằm 4. Điều buồn nhất là số trẻ bị cha mẹ bỏ rơi ngày một tăng nhanh”.

Ngồi trầm ngâm, chị Hiếu nhớ lại cách đây một tháng, như thường lệ sau một đêm trực tại B1, sáng dậy chị rảo bước trước hành lang để kiểm tra các cháu, bất ngờ nhận được một lá thư gắn vào trong song cửa. Linh tính mách cho chị biết có điều không hay xảy ra. Lá thư chỉ ghi vỏn vẹn một dòng: “Em không có tiền nuôi con, nhờ mấy cô nuôi giúp”.

Thêm một người mẹ từ chối 3 đứa con bị nhiễm HIV. Cô bé gái lớn chưa tới 10 tuổi và 2 đứa em nheo nhóc, giờ đây phải chịu số phận “vô thừa nhận”. Không để cho các cháu biết được nỗi mất mát lớn lao này, ngày qua ngày chị Hiếu phân công chị em trong khoa thay nhau tắm giặt, cho ăn uống, vệ sinh cho các cháu như chăm sóc con mình.

Mới đây một bé gái hơn 2 tuổi được chuyển từ Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM sang khoa B1 điều trị do viêm phổi và HIV dương tính cũng bị bố mẹ bỏ rơi. Một tờ giấy nhỏ ghi “Trẻ bị bỏ rơi” đặt vào lòng bàn tay đứa bé xanh xao khiến những người chứng kiến đều rơm rớm nước mắt. Khoa B1 lập tức làm thủ tục để cháu nhập viện điều trị.

Danh sách trẻ có hoàn cảnh như vậy ngày một dày lên. Có nhiều trường hợp cha mẹ bị nhiễm rồi lây sang con cái, lúc đầu họ cũng vào bệnh viện chăm sóc con nhưng sau đó bỏ lại nhờ khoa chăm sóc.

Cháu A mới 2 tuổi, ở quận 2 là một ví dụ. Khi biết mình không thể cáng đáng nỗi vất vả chăm sóc cho con, cả 2 người thân của A đã đi biệt rồi ghi thư để lại nhờ khoa chăm lo giúp.

Bé H, 8 tuổi ở quận 6, TPHCM nặng 12 kg, xanh xao, vàng vọt, thở khò khè do bị bệnh lao phổi và HIV dương tính hành hạ. “Ba mẹ của con không còn. Mẹ H đã bị AIDS cướp đi mạng sống khi H vừa vào lớp 1.

Còn bố H từ lúc đó cũng đi biền biệt. Đã 20 ngày trôi qua, kể từ ngày H nhập viện vào khoa B1, ngày cũng như đêm, bà ngoại của H thức cạnh cháu.

“Đêm nào tôi cũng trắng đêm vì H rên khóc, khó thở. Nó có tội tình gì mà ra nông nỗi này”, bà nói trong nghẹn ngào. Bà cho biết nguyên do của bi kịch là con rể có quan hệ tình dục không an toàn bên ngoài về đổ bệnh cho vợ, con.

Ở đối diện chiếc giường bé H đang nằm điều trị là ánh mắt thơ ngây của T, 13 tuổi ở An Giang. Cả bố mẹ T đều đã qua đời vì nhiễm AIDS cách đây 4 năm. Đây là lần thứ 6, T được đưa đến đây để điều trị căn bệnh lao phổi và HIV của em ngày một nặng hơn.

Nhìn khuôn mặt thơ ngây của T không ai biết cậu bé hiếu động đã có những tháng năm cắp sách đến trường và học rất giỏi. Thế mà giờ đây, 13 tuổi, T chỉ còn là cậu bé da bọc xương, chưa tới 15 kg, nằm quằn quại với nước da vàng vọt. Không còn người thân ở cạnh, T được những y tá trong khoa B1 hết mực yêu thương, chăm lo tận tình.

Khi quay lại nơi những y tá trực ở B1 thì ở phòng bên cạnh, tiếng khóc của một bé ré lên. Y tá Hiếu tâm sự: “Bé L mới 3 tháng tuổi nên quấy lắm!”. Chị Th, mẹ của bé L. năm nay 32 tuổi, ốm và xanh xao vì nhiễm HIV cách đây hơn 1 năm, vừa bồng cô con gái vừa khóc nức nở khi kể lại một lần đi làm móng tay và “dính” HIV. Chồng chị đã cao chạy xa bay khi chị sinh L được hơn 1 tháng.

Bác sĩ Nguyễn Đình Duy, Phó giám đốc Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch TPHCM và những người ở B1 ngày ngày “xoay” trăm đường để lo chi phí về tiền giường, chế độ dinh dưỡng và cả thuốc thang cho các cháu.

Bác sĩ Duy, buồn bã cho biết: “Những cháu bị nhiễm HIV rồi thì giai đoạn 3 và 4 chuyển sang bệnh lao ruột, lao màng não, lao hạch rất nhanh và chi phí điều trị cũng rất tốn kém, nên gia đình khó kham nổi”.

Mặc dù thuốc lao là do bệnh viện cấp, thuốc ARV do chương trình phòng chống AIDS của thành phố cấp nhưng chi phí tiền ở, chế độ ăn uống… thì gia đình phải lo. Nhưng những trường hợp không may mắn do cha mẹ bỏ rơi, gia đình nghèo… bệnh viện không đắn đo mà luôn hết lòng giúp đỡ.

Theo Người Lao Động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm