Những nỗi đau dai dẳng vì tai nạn giao thông
(Dân trí) - Tai nạn giao thông (TNGT) không những gây mất mát, đau thương cho chính nạn nhân mà còn khiến nhiều gia đình lâm vào cảnh bi đát, bần cùng, nỗi đau dai dẳng khôn nguôi…
Tính đến tháng 11/2013 là 8 năm đã trôi qua kể từ cái ngày xảy ra tai nạn kinh hoàng, thế nhưng, gia đình bà Bùi Bạch Mỹ (ngụ xã An Hòa, Trảng Bàng, Tây Ninh) vẫn còn đau thắt tim mỗi khi có người nhắc đến.
Cố nén những giọt nước mắt thương tâm, bà Mỹ cho biết, cách đây 8 năm cuộc sống gia đình bà rất sung túc, ông Đặng Kiêm Chuông (chồng bà Mỹ) làm chủ lò gạch, thu nhập đủ cho gia đình sinh sống nên bà chỉ ở nhà lo công việc nội trợ và nuôi dạy 2 đứa con nhỏ.
Rồi ngày định mệnh đến. Hôm đó, ông Chuông chạy xe ra ngoài mua đồ, trên đường về ông bị một thanh niên 14 tuổi điều khiển xe mô tô cùng chiều lạng lách, vượt ẩu đụng vào xe ông. Được mọi người đưa đi cấp cứu kịp thời nhưng bác sĩ kết luận ông bị chết não và đa chấn thương phần mềm có thể không qua khỏi. Còn người thanh niên gây tai nạn cho ông đã tử vong sau tai nạn 10 ngày.
Trước tình cảnh hiểm nghèo của chồng, bà Mỹ mang hết số tiền dành dụm được của gia đình lo chữa trị cho chồng chỉ để níu kéo một phần hy vọng. Sau ca phẫu thuật, ông Chuông được cứu nhưng phải sống đời sống thực vật cho đến nay…
Từ khi chồng bị nạn, gia đình bà Mỹ lâm vào cảnh khó khăn. Lò gạch bỏ hoang, bà bận chăm sóc cho chồng nên ở nhà chỉ nuôi thêm vài con gà, con vịt để kiếm ít tiền mắm, muối cho gia đình, còn 2 đứa con bà đưa về cho ông bà ngoại nuôi giùm. Tiền thuốc thang cho chồng bà cũng phải nhờ vào sự cưu mang của gia đình nội ngoại.
Bà Bùi Bạch Mỹ tâm sự: “Trước đây chồng tôi là lao động chính của gia đình. Từ khi ông bị tai nạn nằm một chỗ, tôi phải lo trong, lo ngoài; vừa chăm sóc cho ông, còn phải lo cho 2 đứa con đang ở tuổi ăn, tuổi lớn. Thấy hoàn cảnh gia đình khó khăn, đứa con trai lớn đòi nghỉ học đi làm thuê nuôi ba…”.
Phá gia, bại sản
Không cách xa nhà bà Mỹ, gia đình ông Nguyễn Văn Liêm (55 tuổi) đang yên ấm hạnh phúc bỗng chốc lâm vào thảm cảnh. Cách đây khoảng 5 năm, sau khi đi đám giỗ nhà người bà con về ông chạy từ đường hẻm ra đường lớn không quan sát đụng vào một xe mô tô khác. Vụ tai nạn làm 2 chân ông bị gãy, gia đình đã cố gắng chữa trị nhưng hai chân ông vẫn không cứu được, trí nhớ giảm sút và phải đi xe lăn. Sau khi bị tai nạn khoảng 1 năm, gia đình ông phải gánh thêm nỗi đau khác là đứa con trai đang trên đường đi làm về cũng bị tai nạn giao thông rồi tử vong.
Nỗi đau chồng chất nỗi đau, gia đình ông sa sút hẳn. Vì chạy chữa bệnh tật cho ông, vợ ông phải bán hết đất đai, nhà cửa, vay mượn tiền của bà con lối xóm mà bệnh tình vẫn không khỏi. Hàng ngày, vợ ông ở nhà chăm sóc ông, vừa giữ cháu ngoại cho con gái đi làm nên không có thu nhập. Hàng tháng, hai vợ chồng ông chỉ trông chờ vào khoản hỗ trợ người khuyết tật của địa phương và thu nhập ít ỏi của con gái.
Chứng kiến những thảm cảnh như trên mới có thể thấu hiểu được hậu quả khủng khiếp của TNGT. Ngoài những trường hợp tử vong thì hầu hết đều để lại di chứng ở các mức độ khác nhau. Nặng nề nhất phải kể đến là di chứng về thần kinh do chấn thương sọ não, dù cứu sống được thì nạn nhân cũng có thể trở thành người thực vật, mất ngôn ngữ, liệt chân tay; hoặc nhẹ nhàng hơn cũng bị động kinh, rối loạn tâm thần, hoang tưởng, trầm cảm nặng…
Với những trường hợp thương tổn lớn phải nằm viện dài ngày thì viện phí có khi lên đến hàng trăm triệu đồng. Nhiều gia đình đã khánh kiệt vì phải chữa trị cho người thân bị TNGT. Sau tai nạn, nạn nhân lại mất sức lao động và trở thành gánh nặng. Nhiều nạn nhân là lao động chính trong nhà càng khiến tình hình kinh tế gia đình người bị nạn thêm bi đát.
Theo Ban An toàn giao thông tỉnh Tây Ninh, trong 11 tháng đầu năm 2013, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 366 vụ tai nạn giao thông, làm chết 123 người, bị thương 414 người. Nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông hầu hết đều bắt nguồn từ ý thức của người tham gia giao thông và hậu quả để lại cho gia đình, xã hội là rất lớn.
Tuyết Trân - Tùng Nguyên