1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Ngày chăm sóc và bảo vệ người khuyết tật Việt Nam 18/4:

Những “Nick Vujicic” của Việt Nam

(Dân trí) - Thời gian gần đây truyền thông Việt Nam sôi động với những thông tin về chàng trai Nick Vujicic sắp đến nước ta. Ai cũng khâm phục hành trình vượt qua số phận của chàng thanh niên không tay, không chân ấy. Ở Việt Nam cũng có những “Nick Vujicic”...

Thư viện mini của cô Ba Thảo không đôi chân

Nếu nói về ngoại hình, Huỳnh Thanh Thảo (huyện Củ Chi, TPHCM) hạnh phúc hơn Nick Vujicic vì có đôi tay, tuy rằng đôi tay này rất yếu ớt, lèo khèo. Không có chân, Thảo chỉ có thể lăn qua lăn lại trên chiếc giường của mình, hàng xóm hay gọi em là Sọ Dừa.

Căn bệnh xương thủy tinh quái ác làm Thảo gãy xương không biết bao nhiêu lần, gãy nhiều đến nỗi gia đình cũng không dám cho Thảo đến trường vì sợ xảy ra tai nạn. Ở nhà Thảo nhìn chúng bạn tung tăng đến trường mà chỉ dám tựa cửa ước ao…

Thảo bên giang sơn
riêng của mình
Thảo bên giang sơn riêng của mình

Thương con tật nguyền, tranh thủ những lúc rảnh rỗi công chuyện đồng áng, cô Nguyễn Thị Xuân, mẹ Thảo mua sách về dạy con tập đọc, tập viết. Thảo học rất nhanh. Học xong lớp 1 thì mẹ cũng không còn nhiều chữ để dạy cho Thảo. Vậy là em chuyển sang học chị hai. Khi có khả năng đọc hiểu những điều trong sách, Thảo bắt đầu tự học những điều mình thích.

“Nó bé có một mẩu, biết sau này làm được gì không!”, gặp ai mẹ Thảo cũng than thở. Thế mà cách đây hơn 10 năm, con bé “một mẩu” ấy đột nhiên mở lớp dạy kèm cho mấy đứa trẻ tiểu học trong xóm khiến ai cũng bất ngờ: “Chả đến trường ngày nào mà mở lớp dạy học!”.

Khi ấy Thảo đã được chừng 15 tuổi, đã học đến sách giáo khoa cấp 2 rồi. Thấy Thảo nằm nhà cả ngày, có chị công nhân nhờ Thảo trông giúp đứa con học lớp 2 để bé khỏi đi chơi lung tung lại lạc. Rảnh rỗi, hai chị em chơi trò dạy học, rồi Thảo dạy học cho bé thực khi bé hỏi những điều mà cô giáo trên trường dạy em không hiểu. Cuối năm ấy, cô bé được Thảo dạy kèm đạt danh hiệu học sinh giỏi.

Từ cái dịp vô tình ấy, Thảo lên kế hoạch mở lớp dạy kèm tại nhà cho các bé trong xóm ấp. Đến giờ học, học trò lấy ghế sắp xung quanh giường của Thảo, kê vở lên mặt giường để học. Còn “cô giáo” thì lăn qua, lăn lại để di chuyển từ vị trí này sang vị trí khác chỉ bài từng em… Thảo còn viết thư khắp nơi để xin sách vở về cho các em, tạo thành 1 thư viện nhỏ cho trẻ em trong ấp. Đến nay, cái thư viện ấy cũng đã được 10 năm tuổi.

Thư viện mini Cô Ba
ngày khai trương
Thư viện mini Cô Ba ngày khai trương

Câu chuyện lan dần và rồi ai cũng biết ở cái ấp Ràng xa xôi của xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi có thư viện mini lạ kỳ mang tên Cô Ba, có cô Ba Thảo nhỏ như cái kẹo mà nổi tiếng, tật nguyền mà lúc nào miệng cũng cười toe toét …

Con chim yến của cộng đồng người khuyết tật

Sinh ra và lớn lên ở một huyện vùng sâu nghèo khó của tỉnh Đồng Nai, chị Võ Thị Hoàng Yến cũng giống Nick Vujicic vì có tuổi thơ bị bạn bè chọc ghẹo, xa lánh. Sau cơn sốt bại liệt năm ba tuổi, một chân của chị mất khả năng vận động, chân còn lại rất yếu. Dù đã tập luyện rất nhiều, chị chỉ có thể di chuyển bằng nạng trong một quãng đường ngắn.

Nhưng không cam chịu số phận lặng lẽ sống trong nhà cho qua cuộc đời như bao người khuyết tật (NKT) khác trong thời điểm ấy, Hoàng Yến xông ra xã hội, quyết tâm đi học. Ai chế nhạo chị, chị bảo: “Hãy học giỏi hơn tôi rồi hãy cười tôi!”. Và rồi cũng chẳng mấy người học giỏi bằng chị nên cũng ít ai dám cười chị.

“Anh có thể chạy nhanh hơn tôi vì chân anh khỏe mạnh nhưng anh chưa chắc học giỏi hơn tôi, nghĩ được như tôi và làm nhiều việc như tôi”. Với suy nghĩ đó, Hoàng Yến phấn đấu hết sức trên con đường học tập, chị dồn hết tâm huyết của mình để học, từ trong nước ra đến nước ngoài.

Theo chị, NKT có thể
làm tất cả những điều mà họ muốn
Theo chị Yến, NKT có thể làm tất cả những điều mà họ muốn

Đến năm hơn 30, chị có trong tay 2 tấm bằng Đại học trong nước (Kinh tế và Ngoại ngữ) và tấm bằng thạc sĩ ngành Khoa học hành vi tại ĐH Kansas, Hoa Kỳ với khóa luận xuất sắc. Sau khi nhận tấm bằng thạc sĩ, chị về nước dù nhiều tổ chức phi chính phủ ở Hoa Kỳ mời chị làm việc. Chị về vì muốn “giúp cộng đồng NKT yếu thế của mình làm một điều gì đó”.

“Điều gì đó” mà chị tâm niệm là thay đổi nhận thức thương hại của cộng đồng đối với NKT cũng như thay đổi nhận thức yếm thế của chính NKT. Theo chị, NKT có giá trị của mình, họ có thể làm được nhiều việc nếu tạo cho họ điều kiện phù hợp. Do đó, NKT phải biết tự nhìn nhận giá trị bản thẩn của mình để vươn lên. Còn cộng đồng người không khuyết tật không nên nhìn NKT với ánh mắt thương hại mà nên hỗ trợ họ phát triển trí lực, kỹ năng và tạo điều kiện để họ có thể làm việc nuôi sống bản thân mình.

Để thực hiện lý tưởng đó, hơn 10 năm qua, thạc sĩ Võ Thị Hoàng Yến đã sáng lập nên Chương trình Khuyết tật & Phát triển, rồi phát triển thành Trung tâm Khuyết tật & Phát triển (DRD) với hàng chục nhân viên và hàng trăm cộng tác viên. Chị đi khắp thế giới để tìm về những đồng tiền ít ỏi tài trợ cho những công trình nghiên cứu, tư vấn, hỗ trợ NKT thay đổi nhận thức, nâng cao kỹ năng, tìm kiếm việc làm, xây dựng khả năng tự lực…

Theo chị, NKT có thể
làm tất cả những điều mà họ muốn
DRD hiện là địa chỉ học tập, sinh hoạt của hàng ngàn NKT và là nơi mà các tổ chức nghiên cứu, hỗ trợ NKT từ khắp thế giới đến tham quan

Đến nay, hàng chục đội nhóm, câu lạc bộ, hội NKT… tại TPHCM cũng như các tỉnh miền Nam được thành lập và xây dựng đội ngũ dưới sự hỗ trợ của DRD. Hiện công việc mà chị cùng các cộng sự ở DRD đang làm là xúc tiến xây dựng hệ thống đào tạo và tuyển dụng NKT để tạo cơ hội việc làm cho họ, giúp họ tự lực cánh sinh. Chị nói: “Việc gì chúng ta làm cũng có thể thành công hoặc thất bại. Nhưng nếu không làm thì chắc chắn sẽ không bao giờ thành công!”.

Ai cũng bảo chị là con chim yến của cộng đồng NKT. Nhưng chị than: “Một cánh yến không thể làm nên mùa xuân! Còn cần nhiều hơn những cánh yến…”.

Tùng Nguyên