1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Nhùng nhằng chuyện hỗ trợ thất nghiệp

Trong khi làn sóng sa thải lao động đã bắt đầu từ quý 4/2008, nhưng cho tới nay Bộ Lao động - thương binh và xã hội (LĐ-TB-XH) vẫn chưa cho ra đời được cơ chế hỗ trợ lao động mất việc theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Nhùng nhằng chuyện hỗ trợ thất nghiệp  - 1
Dự báo lượng lao động mất việc năm nay khoảng 150.000 tới 300.000 người.

 

Lao động mất việc ngày càng nhiều

 

Những thông tin về sa thải lao động liên tục được thông báo đã không còn là mới.

 

Panasonic Việt Nam thông báo cắt giảm 500 công nhân tại bộ phận sản xuất đĩa quang máy tính ở khu công nghiệp Thăng Long, như vậy, họ đã cắt giảm 30% trong số hơn 7.000 lao động làm việc tại các nhà máy ở nước ta.

 

Ông Nguyễn Phú Điệp, phụ trách phòng quản lý lao động tại ban quản lý khu chế xuất – khu công nghiệp Hà Nội cho biết, đến nay, 19 doanh nghiệp tại khu chế xuất – khu công nghiệp Hà Nội đã cắt giảm 4.300 lao động. Dự kiến trong năm nay, sẽ có khoảng 10.000  lao động ở khu công nghiệp Thăng Long mất việc làm, chiếm gần 20% tổng số lao động tại đây.

 

Ở các tập đoàn lớn như Vinamotor, Dệt may, Vinashin, sa thải lao động là việc “chẳng đặng đừng”. Ông Từ Văn Hùng, phó tổng giám đốc Vinamotor nói: “Có nhà máy năm ngoái sử dụng một ngàn công nhân, tới nay đã cho 900 người nghỉ việc, cả lao động lành nghề, số còn lại, cho nghỉ việc luân phiên”. Theo tập đoàn Dệt may, 12.000 lao động ngành này bị mất việc do nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng mới.

 

Chưa có cơ chế hỗ trợ lao động mất việc

 

Từ tháng 12/2008, Bộ LĐ-TB-XH ước số người bị mất việc làm trong quý 4/2008 là 29.400 người, và trong cả năm 2008 có 300.000 người bị mất việc làm. Còn trong thực tế, với hệ thống thông tin việc làm đang quá lỏng lẻo ở nước ta hiện nay, cộng thêm việc báo cáo quá chậm và chung chung ở các địa phương, khó có được số liệu tương đối chuẩn về lượng lao động mất việc từ cuối năm 2008 tới nay.

 

Trước làn sóng sa thải lao động liên tục, tại hội nghị tổng kết ngành LĐ-TB-XH năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã giao bộ này đề xuất cơ chế hỗ trợ lao động mất việc làm do khủng hoảng kinh tế. Một dự thảo đề án đã được xây dựng thành khung, nhưng tới nay vẫn “nhùng nhằng” ở chỗ, ai được hỗ trợ, và ai không được hỗ trợ, nghĩa là tiêu chí để người lao động được hỗ trợ khi mất việc làm.

 

Ở thời điểm dự thảo đề án được giao cho Vụ Lao động – tiền lương, Bộ LĐ-TB-XH xây dựng, việc đưa ra các tiêu chí cũng rất khó khăn. Bởi theo pháp luật về lao động hiện hành, người lao động mất việc sẽ được hưởng trợ cấp mất việc, mỗi năm làm việc được hỗ trợ một tháng lương từ chủ sử dụng lao động. Nhưng vấn đề nảy sinh khi không phải doanh nghiệp nào cũng có khả năng trả khoản tiền này cho người lao động. Hàng loạt câu hỏi được đặt ra: phân loại lao động được hỗ trợ và không được hỗ trợ như thế nào? Hỗ trợ thẳng cho người lao động, hay hỗ trợ qua doanh nghiệp? Làm sao để khẳng định được người lao động đó bị mất việc? Làm sao để khẳng định doanh nghiệp đó không có khả năng chi trả? v.v...

 

Ông Hoàng Minh Hào, phó vụ trưởng Vụ Lao động – tiền lương, Bộ LĐ-TB-XH cho biết dự kiến ban đầu là những lao động bị mất việc ở các doanh nghiệp đang còn hoạt động, doanh nghiệp phải trả trợ cấp mất việc cho lao động theo quy định của pháp luật. Với những doanh nghiệp bị phá sản, thì giải quyết theo quy định về giải thể, phá sản. Trường hợp người lao động không được giải quyết thoả đáng các quyền lợi, thì ngân sách Nhà nước sẽ chi trả. Tuy nhiên, ông Hào cho rằng, nếu không phân loại được đối tượng chi trả, ngân sách Nhà nước không thể gánh được khoản chi đó trong thời điểm này.

 

Tới nay, dự thảo đề án đã được giao cho Cục Việc làm, Bộ LĐ-TB-XH nghiên cứu, nhưng những câu hỏi đó vẫn khó được trả lời. Việc đưa ra tiêu chí hỗ trợ khó hơn rất nhiều việc mỗi người nghèo được nhận hai trăm ngàn đồng ăn tết. Mới đây, khi trao đổi về dự thảo đề án, ông Nguyễn Thanh Hoà, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH cũng lo ngại về việc khó đưa ra một tiêu chí cụ thể để hỗ trợ người lao động. Thêm nữa, trong thị trường lao động mà thông tin chưa được minh bạch như nước ta, việc trả đúng, đủ cho người lao động là một đề bài khó.

 

Theo Tây Giang
 Sài Gòn tiếp thị