Thanh Hóa:
Những người “tìm Tết” nơi đô thị
(Dân trí) - Dưới cái lạnh cắt da, những người lao động tự do vẫn kiên nhẫn co ro nơi vỉa hè, góc phố đợi người đến thuê làm việc. Cuối năm nhưng cũng không có nhiều việc cho người lao động nghèo.
Tết Nguyên đán đang cận kề cũng đồng nghĩa với nỗi lo cơm áo gạo tiền oằn nặng hơn trên đôi vai những con người nghèo khó. Họ là những người nông dân từ các huyện, sau những vụ cày cấy họ lại kéo nhau lên thành phố tìm việc để mong kiếm thêm tiền lo cho gia đình.
Cứ tờ mờ sáng những tốp người đi xe thồ, xe đạp với thúng mủng tất bật đổ về các vỉa hè, góc phố. Ai cũng mang trong mình nỗi lo về một cái Tết vì thế dù có “bạc mặt” dưới cái lạnh căm căm hay ăn đói họ vẫn cố gắng cam chịu chỉ hy vọng trong ngày có người thuê đi làm kiếm tiền cũng là vui lắm rồi.
Tuy nhiên những năm gần đây, nền kinh tế suy thoái, đồng tiền trở nên mất giá, giá cả đồ ăn thức uống, cái gì cũng cao nên việc bỏ tiền ra thuê người dọn nhà hay giúp việc những ngày cuối năm cũng không còn nhiều như trước. Nhiều khi người ta tự tay làm còn chỉ những việc quá khó nhọc hay cần thiết phải thuê thì người ta mới thuê.
Gần Tết, là lúc công việc đồng áng cũng khép lại, lao động tự do từ các huyện kéo lên thành phố càng đông, người đông thì việc ít kéo theo mức giá trả cho nhân công cũng bèo bọt. Mỗi ngày chỉ khoảng 70 - 80.000đ, may mắn lắm cũng chỉ 100.000đ/ngày.
Nếu như những năm trước, gần Tết là dịp để lao động tự do kiếm được “đồng ra đồng vào” hơn, công việc cũng nhiều hơn thì năm nay việc cũng ít mà giá trả cũng thấp, thành ra xóm lao động những ngày cuối năm trong cái giá lạnh lại càng trở nên ảm đạm. Trên những góc đường không khó để bắt gặp từng nhóm “cửu vạn” vật vờ, co ro chờ việc.
Bần thần như người “mất sổ gạo”, anh Nguyễn Văn Hải, quê ở huyện Quảng Xương nóng lòng khi cả tuần nay không có việc gì làm. Anh Hải tâm sự: “Vào thời điểm này các năm về trước, ngày nào tôi cũng có vài mối, không đi dọn nhà thì cũng bốc vác gì đó. Từ năm ngoái đến nay thì ít hẳn, chẳng có việc. Giờ đây kinh tế suy thoái, giá cả leo thang nên có sửa sang nhỏ hay dọn dẹp gì thì họ toàn làm lấy, cái gì vất lắm thì họ mới thuê. Ban ngày tôi cứ ra đây ngồi chán chê, rồi lại lang thang ra các ngã tư tìm việc mà cũng chẳng ai thuê, Tết nhất đến nơi rồi, ngồi không thế này như ngồi trên đống lửa”.
Không chỉ lo cho cái Tết đang cận kề, nhiều lao động tự do còn lo cho những đứa con đang cắp sách tới trường của mình. Anh Lê Văn Huy, quê ở huyện Hoằng Hóa chia sẻ: “Làm cả năm không đủ ăn nên cũng chẳng dám nghĩ đến sắm cái Tết đủ đầy, tôi đang lo ra Tết đứa con gái đầu đang học lớp 12 năm nay phải đóng đủ thứ khoản. Cuối cấp nên bao nhiêu khoản phải đóng, không biết rồi xoay sở ra sao. Cuối năm mà công việc còn không có thì ra giêng chỉ có mà đói”.
Theo anh Huy thì vợ chồng anh cùng 2 đứa con chỉ sống nhờ vào hơn 3 sào ruộng cấy, cứ thu hoạch xong vụ lúa là anh lại theo những ông bạn hàng xóm lên đây, chỉ mong làm sao kiếm thêm ít tiền lo học cho con, nhưng toàn ngồi không, nhìn nhau là chính. Do vậy, chỉ còn vài tuần nữa là đến Tết Nguyên đán nhưng anh đã phải lo kiếm lấy ít nhiều để Tết về còn mua bộ quần áo mới cho con, trang trải trong những ngày Tết.
Nói đến đó, anh Huy đưa mắt nhìn xa xăm, bỗng có chiếc xe gắn máy đi lại gần, anh Huy cùng một số “đồng nghiệp” đang ngẩn ngơ chạy lại tíu tít hỏi han, người đàn ông cất giọng: “70 nghìn, ăn trưa luôn, đồng ý thì 5 người”, cả nhóm cũng tỏ ra kỳ kèo, tuy nhiên biết giá rẻ mạt họ vẫn cố chấp nhận, thế rồi cả nhóm kéo nhau đạp xe theo. Bóng ai nấy cứ tất bật rồi mất hút dần trên đường phố xa xa.
Chứng kiến những cảnh vật vờ, co ro trong giá lạnh của những người hành nghề cửu vạn những ngày tháng cuối năm mới thấu hiểu phần nào sự vất vả của họ. Tết đang tới gần và cũng như hết thảy những người “tìm Tết” nơi đô thị, những người làm nghề cửu vạn cũng đang chạy đua với thời gian để phấn đấu làm sao ngày tất niên có mâm cơm, ít vàng mã cúng tổ tiên, con cháu có chiếc bánh chưng để biết rằng họ đã có thể mang Tết về nhà dẫu là đạm bạc…
Nguyễn Thùy